Lãnh đạo Sở Nội vụ Bắc Giang nói về việc học thăng hạng giáo viên

12/07/2019 07:36
Công Tiến
(GDVN) - Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang nói rằng việc đào tạo thăng hạng giáo viên là theo kế hoạch và bắt buộc các giáo viên trong diện phải đi bồi dưỡng.

Đối với ngành Giáo dục, từ năm 2017, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện việc ban hành các văn bản, quy định và hướng dẫn thực hiện công tác bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thì các địa phương đã bắt đầu triển khai công tác bồi dưỡng.

Tuy nhiên, nếu giáo viên không có nhu cầu thăng hạng thì giáo viên chỉ cần tham gia bồi dưỡng một lần duy nhất, để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của hạng đã được bổ nhiệm (giữ hạng).

Cụ thể, theo Luật Viên chức năm 2010 quy định việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc:

Làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó và người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.

Bắc Giang ồ ạt bồi dưỡng thăng hạng giáo viên ai sẽ được hưởng lợi?
Bắc Giang ồ ạt bồi dưỡng thăng hạng giáo viên ai sẽ được hưởng lợi?

Triển khai thực hiện Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã ban hành các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập (các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV).

Theo đó, giáo viên mỗi cấp học phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng đã được bổ nhiệm (trong đó có tiêu chuẩn “có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp”, cũng là yêu cầu chung đối với các viên chức, không chỉ riêng đối với viên chức ngành giáo dục).

Giải thích của lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang về lớp học thăng hạng

Trước vấn đề băn khoăn, có phải tất cả giáo viên có nhu cầu thăng hạng cũng như giáo viên không có nhu cầu thăng hạng đều phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp…

Để có cái nhìn đầy đủ và chính xác về các vấn đề liên quan, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Khuông Văn Thông - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang về vấn đề này. Ông Khuông Văn Thông cho rằng:

“Bắc Giang đang thực hiện công tác bồi dưỡng thăng hạng cho giáo viên theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc đào tạo thăng hạng giáo viên là theo kế hoạch và bắt buộc các giáo viên trong diện phải đi bồi dưỡng.

Theo luật viên chức, bên cạnh yêu cầu về chuyên môn được đào tạo thì các giáo viên cần phải có trình độ nhất định ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, chứng nhận bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

Tỉnh Bắc Giang hiện nay có gần 30.000 giáo viên và còn gần 20.000 giáo viên chưa được qua lớp bồi dưỡng thăng hạng.

Tỉnh mới bồi dưỡng được 4.200 giáo viên và theo tiêu chí ưu tiên cán bộ quản lý trước, cán bộ sắp nghỉ hưu rồi tới các đối tượng khác.

Cụ thể, Sở Nội vụ năm 2017 mở được 10 lớp, năm 2018 mở được 22 lớp, năm 2019 dự kiến mở 10 lớp.

Nhu cầu bồi dưỡng các huyện tập hợp về Sở Nội vụ là 5.087 giáo viên có nhu cầu bồi dưỡng, Sở mới bố trí được 1.000 học viên.

Về công tác quản lý lớp: Sở cũng đã có phổ biến trước lớp những ai vắng mặt quá 2 buổi không cho đi thi, phải học bù và tự túc về kinh phí.

Về lịch học: Vì địa điểm Sở mở lớp chỉ có 4 phòng học do vậy phải bố trí học luân phiên”.

Giáo viên có nhu cầu bồi dưỡng các huyện tập hợp về sở Nội vụ Bắc Giang là rất đông. Ảnh minh họa: C.T
Giáo viên có nhu cầu bồi dưỡng các huyện tập hợp về sở Nội vụ Bắc Giang là rất đông. Ảnh minh họa: C.T

Theo Thông tư số 36/2018/TT-BTC, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được quy định đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đóng góp của viên chức và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ các hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài Chính, việc thu tiền học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn Chức danh nghề nghiệp của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng là không sai.

Mức thu cụ thể đối với từng khóa học, ở từng cơ sở đào tạo bồi dưỡng có thể có sự khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có địa phương không thu, nơi thu nhiều, thu ít làm dư luận nghi ngờ là điều khó tránh khỏi.

Ông Thông chia sẻ về thực trạng của tỉnh Bắc Giang: “Đối với kinh phí lớp bồi dưỡng Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang sẽ dựa vào báo giá của các trường gửi tới Sở Nội vụ, Sở cũng cân nhắc đơn vị trường nào có mức học phí phù hợp mới đồng ý.

Và mức kinh phí lớp bồi dưỡng thăng hạng năm 2019 học viên sẽ phải đóng 100% điều này được quy định trong kế hoạch 61 của Tỉnh ủy.

Trước đó, năm 2018, dựa vào nguồn ngân sách của tỉnh thì tỉnh cũng hỗ trợ các học viên tham gia thăng hạng 50% kinh phí cho khóa học.

Khung chương trình đào tạo thăng hạng giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vì vậy các trường phải dạy theo khung chương trình của Bộ.

Còn giáo viên tham gia giảng dạy ở lớp thăng hạng là do phía Đại học Sư phạm Huế điều tiết.

Các giáo viên giảng dạy lớp bồi dưỡng về phía Sở Nội vụ Bắc Giang không liên quan.

Về phí Sở Nội vụ sẽ phối hợp cùng Đại học Sư phạm Huế chiêu sinh và đảm bảo duy trì lớp theo kế hoạch và lộ trình”.

Bên trong một lớp học thăng hạng giáo viên tiểu học của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: C.T
Bên trong một lớp học thăng hạng giáo viên tiểu học của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: C.T

Ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Để có cái nhìn đầy đủ và chính xác về các vấn đề liên quan, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục về vấn đề này.

Thời gian vừa qua, một số địa phương có sự hỗ trợ nhất định về kinh phí (một phần hoặc toàn phần) đối với giáo viên tham gia học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp, điều này hoàn toàn đúng quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo rất khuyến khích cách làm này.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ đó sẽ không thể thực hiện thống nhất giữa các địa phương, vùng miền, thậm chí giữa các quận/huyện trên cùng một tỉnh/thành phố mà hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, nguồn ngân sách của từng địa phương, vùng miền.

Chúng tôi chỉ khuyến nghị với các địa phương là nếu có chính sách hỗ trợ giáo viên về kinh phí học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì nên tính toán, cân nhắc để đảm bảo sự hỗ trợ ấy được duy trì ổn định và đồng đều giữa các cấp học, khu vực trên địa bàn và hàng năm.

Vì như chúng ta biết, đội ngũ viên chức ngành giáo dục chiếm số lượng đông đảo (chiếm hơn 70% tổng số viên chức toàn quốc), do đó, kinh phí để hỗ trợ (nếu có) tính ra sẽ rất lớn, trong khi ngân sách của nhà nước cấp cho Giáo dục của một địa phương được tính toán và điều chỉnh theo từng năm tài chính.

Nếu trên cùng một địa phương, sự hỗ trợ về kinh phí bồi dưỡng không có sự thống nhất giữa các quận/huyện, không đảm bảo sự duy trì thường xuyên giữa các năm khác nhau sẽ gây mất công bằng đối với các đối tượng tham gia bồi dưỡng. 

Tài liệu tham khảo

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cuc-nha-giao-noi-di-hoc-thang-hang-mat-tien-hay-mien-phi-deu-dung-ca-post200011.gd

Công Tiến