“Có một hôm tôi dạy 2 tiết học thay cho một đồng nghiệp bị ốm, các em ở lớp đó không biết có sự thay đổi giáo viên nên lúc đầu rất là nhốn nháo, tôi thật sự khó chịu vì thấy không giống với học sinh lớp tôi đang dạy. Lúc đó tôi có la mắng các em để ổn định trật tự.
Bản thân học sinh cũng chưa nhận được thông báo thay đổi giáo viên, hơn nữa các em đang chuẩn bị cho một hoạt động khác mà giáo viên bộ môn đã dặn.
Tôi có tìm cách xoa dịu lại các em nhưng vẫn cảm thấy không khí lớp học chùng xuống, việc giao tiếp giữa tôi và các em bị gián đoạn.
Qua sự việc đó tôi rút ra được một kinh nghiệm rất quý: Thái độ của giáo viên tiếp xúc ban đầu với học trò rất là quan trọng, nếu giáo viên tiếp cận một cách nhẹ nhàng, cởi mở và linh hoạt thì hiệu quả sẽ rất tích cực”, thầy Thắng cho biết.
Thái độ của giáo viên tiếp xúc ban đầu với học trò rất là quan trọng. Ảnh: Thầy Thắng cung cấp. |
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2008 với chuyên ngành Địa lý, thầy giáo trẻ Hà Văn Thắng về công tác tại Trường Trung học thực hành - Đại học Sư phạm - Thành phố Hồ Chí Minh.
Chia sẻ với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Thắng cho biết: “Hồi còn học phổ thông thì tôi rất thích và giỏi môn Địa lý, ước mơ mình sẽ trở thành thầy giáo dạy môn này.
Những năm đầu đứng trên bục giảng, tôi cũng nghĩ rằng giáo viên phải thực sự nghiêm khắc và duy trì được những kỉ luật nhất định ở trong lớp. Việc này tôi ảnh hưởng rất nhiều từ các thầy cô dạy tôi hồi phổ thông, các thầy cô lúc đó rất nghiêm khắc, đã bước vào lớp là có những quy định riêng.
Chính vì vậy mà tôi đã nghĩ rằng mình cứ áp luôn những quy định mà không cần phản hồi từ học sinh có đồng ý hay không.
Nhưng suy nghĩ lại tôi nhận ra đó không phải là hướng đi tốt, điều cần thiết là giáo viên nên tôn trọng học sinh, đưa ra bàn luận với các em rằng nếu sai mức độ nào thì sẽ tương ứng với việc các em phải chịu phạt ở mức độ đó.
Nếu các em được bàn bạc và đưa ra ý kiến, biết trước hình thức phạt thì các em sẽ thấy thoải mái và sẽ tự động chịu phạt nếu vô tình mắc lỗi”.
Việc chia sẻ, bàn bạc mọi vấn đề liên quan đến học tập cùng với học sinh là thể hiện sự tôn trọng, lắng nghe các em, đây cũng là một cách nghĩ và phương pháp giáo dục tốt, rất phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.
“Mục tiêu mà tôi theo đuổi trong suốt quá trình đi dạy là làm sao học sinh phải thích học, ngoài việc truyền dạy kiến thức, tôi luôn tạo ra các hoạt động đa dạng như tổ chức các trò chơi, hoạt động nhóm, tôi luôn đưa ra nhiều tư liệu, ứng dụng công nghệ thông tin...mục đích là để các em thấy hứng thú.
Ngay từ đầu năm, tôi giới thiệu trước cho học sinh về cách mà tôi dạy học bằng công nghệ, bằng máy chiếu, bằng các hoạt động để cho các em nắm bắt và dễ tiếp thu.
Tất cả phương pháp, ứng dụng đó tôi học từ những giáo trình tiên tiến, áp dụng vào giáo trình tự tôi biên soạn để giảng dạy.
Môn Địa lí với những kiến thức rộng lớn, khoảng cách mà học sinh không thể tới đó được, chính vì vậy tôi phải sử dụng những kênh thông tin, clip, hình ảnh minh họa sinh động để có thể truyền tải đến các em một cách rõ ràng nhất.
Nhờ đó mà các em dễ hình dung, dễ tưởng tượng và có một khái niệm về nội dung kiến thức Địa lí mà các em được học”, thầy Thắng cho biết.
Tôi đã biết cách sắp xếp lại thời gian tiết học, gần với học sinh hơn, chia sẻ kiến thức với các em bằng chính những lời nói của mình chứ không phải bằng công nghệ. Ảnh: Thầy Thắng cung cấp. |
Việc các thầy cô giáo quan tâm đến tâm tư tình cảm, cảm xúc của học sinh trong và ngoài giờ học là một việc rất khó, khó ở đây vì thời lượng tiết học ngắn trong khi phải dạy hết giáo trình, chính vì vậy hầu hết giáo viên ít có thời gian quan tâm đến học sinh.
“Đó cũng là một cản trở chung của rất nhiều thầy cô và trong đó có cả tôi, vô hình trung là tôi không quan tâm tới học sinh mặc dù rất muốn.
Tôi rất muốn quan tâm đến học sinh, thấy một em buồn ngủ, một em mất tập trung…nhưng nhiệm vụ của tôi là phải truyền đạt cho các em những kiến thức, nên không có thời gian để nhắc nhở, uốn nắn hay chia sẻ.
Nhưng giờ đây, tôi đã biết cách sắp xếp lại thời gian tiết học, gần với học sinh hơn, chia sẻ kiến thức với các em bằng chính những lời nói của mình chứ không phải bằng công nghệ.
Tôi đã thay đổi để các em bớt cảm thấy bị áp lực và nhận thấy các em có hứng thú hơn trong mỗi tiết học, tình cảm thầy trò cởi mở gần gũi hơn rất nhiều”, thầy Thắng chia sẻ.
Tìm hướng đi mới
Sau gần chục năm đi dạy nhưng đã có đôi lúc thầy Thắng thấy mình bế tắc về phương pháp giảng dạy, nhiều phương pháp sau một thời gian áp dụng không còn mới.
Học sinh cảm thấy nhàm chán với những tiết học giống nhau, một cái gì đó được dạy đi dạy lại qua bao năm đã thành lối mòn.
Nhiều thầy cô có cảm giác giống như thầy Thắng, họ bắt đầu thấy mất cảm hứng với những thứ mà trước kia họ tâm đắc. Không ít giáo viên cảm thấy bị cạn kiến thức.
Thầy Thắng cho biết: “Bản thân tôi sau một thời gian dài áp dụng công nghệ vào giảng dạy, tôi chợt nhận thấy giữa thầy và trò mỗi ngày khoảng cách càng lớn, mỗi tiết học tôi không còn thấy thoải mái như trước.
Chính vì vậy khi thấy chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” đưa ra mục tiêu phù hợp với những điều mà tôi đang trăn trở nên tôi đã viết đơn xin tham gia.
Các chuyên gia Giáo dục đã chỉ cho tôi thấy 2 điểm yếu mà tôi đang vướng mắc, và có thể coi đó là “người thứ 3” đang xen vào tình cảm giữa thầy và trò.
Thứ nhất là quá lạm dụng công nghệ. Trong mỗi tiết học tôi đều sử dụng rất nhiều thiết bị công nghệ để trợ giảng, nhưng đó lại là nguyên nhân chính tạo ra khoảng cách giữa người dạy và người học.
Thứ hai là vấn đề về cảm xúc. Cảm xúc giữa người dạy và người học không được kết nối, tôi vẫn vui vẻ, vẫn chuẩn mực… nhưng hoàn toàn không có chiều sâu trong việc nắm bắt, chia sẻ cảm xúc của học trò với mình.
Khi được chỉ ra như vậy thì tôi cũng rất phân vân? Bởi tôi nghĩ rằng mình đổi mới phương pháp như vậy, nhiều tư liệu giúp học sinh hứng thú mà tại sao chương trình lại nói là chưa tốt?
Bản thân tôi tự nhận thấy mình rất hòa đồng, cởi mở với học sinh, mà chương trình lại nói mình không gần gũi, không kết nối được cảm xúc với các em? Thực sự là tôi rất hoang mang.
Nhưng sau khi xem lại Video những tiết dạy của tôi thì lúc đó tôi mới thực sự nhìn thấy vấn đề của mình”.
Việc khó nhất là làm sao để học sinh biết rằng mình rất quan tâm đến các em, muốn các em tiến bộ, mong các em thay đổi. Ảnh: Thầy Thắng cung cấp. |
Quyết tâm thay đổi
“Việc đầu tiên tôi sẽ phải bớt đi việc sử dụng máy tính trong mọi hoạt động trên lớp, thay vào đó là các giao tiếp trực tiếp giữa thầy và trò, thông qua hoạt động nhóm, hoạt động cá nhân.
Giảm bớt công nghệ thì sẽ tạo thêm được khoảng trống về thời gian cho việc giao tiếp với học sinh.
Thay đổi cách dạy tôi cảm thấy rất khó khăn, bỡ ngỡ vì bao lâu nay mình đã quen làm như vậy, mọi giáo trình và bài giảng tôi đã chuẩn bị sẵn, thiết kế trên máy tính thì giờ đây tôi phải thay đổi và làm lại từ đầu.
Vì áp dụng công nghệ quá lâu nên khi quay lại với cách dạy truyền thống thì tôi lại cảm thấy lúng túng, ngay như việc viết trên bảng tôi cũng bỡ ngỡ, vì thế mà chữ viết cũng rất xấu.
Mặc dù thay đổi phương pháp dạy nhưng chất lượng kiến thức tôi truyền đạt cho học sinh vẫn không hề thay đổi, dù là truyền thống hay hiện đại thì mục tiêu cuối cùng là phải đảm bảo được cho học sinh những kiến thức và kĩ năng cơ bản.
Khi dạy bằng phương pháp hiện đại thì sẽ thuận lợi hơn, nhiều kênh hình phong phú, các Video đang dạng…nhưng khi trở lại cách dạy truyền thống thì người giáo viên phải có năng lực sư phạm tốt hơn, cố gắng và nỗ lực hơn nhiều.
Giáo viên phải làm sao để ấn định kiến thức đó bằng phương pháp truyền thống mà học sinh vẫn hiểu, vẫn nắm bắt, tư duy về một vấn đề rõ ràng, chính xác không bị sai lệch”, thầy Thắng nói.
Rõ ràng, việc các thầy cô thay đổi phương pháp một chút như vậy đã có tác động rõ rệt đến học sinh, các em sẵn sàng đón nhận và thấy rõ sự cố gắng thay đổi của giáo viên.
“Bản thân tôi là một giáo viên thân thiện, cởi mở và yêu quý học sinh nhưng tôi chưa biết cách thể hiện điều đó với các em, đây là việc rất khó. Tôi đã chăn trở rất nhiều và cho đến tận bây giờ tôi vẫn loay hoay để cố thay đổi mục tiêu thứ 2 này.
Việc khó nhất là làm sao để học sinh biết rằng mình rất quan tâm đến các em, muốn các em tiến bộ, mong các em thay đổi.
Làm sao để học sinh đón nhận một cách tự nhiên và biến sự quan tâm tình cảm đó thành động lực giúp cho việc học tập của các em có chất lượng hơn.
Một số học sinh thiếu tích cực trong việc học tập thì trước đây thì tôi sẽ nói các em ngay tại lớp với các bạn, nhưng giờ đây tôi đã thay đổi bằng cách viết thư riêng cho những em đó, dùng những câu chuyện tương tự để dẫn dắt các em vào chính những việc mà các em đang vướng mắc.
Với những trường hợp như vậy thì hầu hết các em đều có phản hồi lại, có em thì nói lời cảm ơn, có em nhận ra việc làm của mình và đều có thay đổi tích cực.
Thậm chí ngày 20/11 tôi lại chủ động mời các em đến nhà chơi, làm một vài món ăn nhẹ để thầy trò ngồi hàn huyên, qua những câu chuyện tôi lại càng hiểu về tâm tư, hoàn cảnh học sinh của mình.
Tôi cũng dành nhiều thời gian hơn để chia sẻ với các em về sở thích cá nhân như bóng đá hoặc một số môn thể thao, các em cũng rất hưởng ứng và thích thú, qua những lần như vậy thì tình cảm thầy trò lại càng gắn bó hơn”, thầy Thắng cho biết.
Xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lí học sinh, nếu giáo viên làm cho các em cảm thấy bị tổn thương, bị xúc phạm thì mọi chuyện sẽ bị phản tác dụng.
Nếu giáo viên nói trực diện ra lỗi của học sinh thì sẽ không có tác dụng, mà phải làm sao đưa ra những dẫn chứng, những suy luận, những câu chuyện, những vấn đề và từ đó các em sẽ tự nhận ra lỗi.
Thầy Hà Văn Thắng và học sinh trong buổi dã ngoại. Ảnh: Thầy Thắng cung cấp. |
Chia sẻ mong muốn
Giáo viên không thể tự nhìn nhận ra điều gì đó, không tự thấy mình đang dần kém đi hoặc chưa tốt, mà chuyện đó phải được đánh giá và thuyết phục bằng một lực lượng khác thì mọi sự thay đổi mới diễn ra nhanh chóng và có hiệu quả.
“Mọi nỗ lực của giáo viên đều hướng đến học trò, vậy nên những điều tốt đẹp nhất hãy dành cho học trò, người giáo viên dạy như thế nào, đổi mới ra làm sao, có cái gì tốt thì hãy nghĩ đến học trò.
Giáo viên có thể chuẩn bị một bài giảng rất hay nhưng lại dành cho ban giám hiệu xem thì bài giảng đó vô nghĩa.
Tôi không thể làm các em sợ mình được, tôi cũng không hiểu tại sao? |
Bài giảng của mình phải thay đổi được nhận thức và cho học trò được tri thức thì đó mới là điều quan trọng.
Quan niệm của tôi là học trò không thể giỏi toàn diện các môn được, mỗi em có một sở thích và năng khiếu khác nhau nên không thể đánh giá các em dựa trên cùng một tiêu chí.
Tôi cũng thường nói với học trò rằng: Các em học là để có kiến thức cơ bản chứ không nhất thiết phải giỏi.
Bằng những hoạt động, bằng những nỗ lực tôi đã kéo các em tới với môn Địa lý, với kiến thức của môn học chứ không phải kéo các em đến với bản thân mình. Như vậy các em sẽ thấy thoải mái chứ không bị áp lực, ép buộc”, thầy Thắng nhấn mạnh.