Bị “tuýt còi”, 'Sát thủ đầu mưng mủ' vẫn gây sốt

03/11/2011 15:08
Dù có yêu cầu ngừng phát hành và thu hồi mấy ngày trước, nhưng cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ - thành ngữ sành điệu bằng tranh" vẫn gây sốt.
Ảnh hưởng của cuốn sách này tới giới trẻ cũng đang là đề tài gây nhiều tranh cãi. Mấy ngày nay, trên phố sách Nguyễn Xí, Hà Nội, ấn bản của Sát thủ đầu mưng mủ (đa số là sách lậu) đang được bán rất chạy, và đã nâng mức giá từ 45.000 đồng lên 90.000 đồng. Không chỉ có các bạn tuổi teen, mà không ít người lớn tìm mua để đọc vì tò mò, một số người còn mua về cho con đọc. Dù vậy, đến nay vẫn có không ít ý kiến trái chiều về cuốn sách này. Với nhiều người, đây là cuốn sách mang tính giải trí, đọc cho vui, thậm còn phản ánh đúng những gì đang diễn ra trong cách dùng ngôn ngữ của giới trẻ, nhưng không ít người lại cho rằng đó là cuốn nhảm nhí, không có giá trị và chỉ có thể ảnh hưởng xấu tới thế hệ đang trưởng thành.
Bìa sách "Sát thủ đầu mưng mủ".
Bìa sách "Sát thủ đầu mưng mủ".
Nghe nhiều đồng nghiệp kháo nhau, chị Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) đã chạy ra hiệu sách gần cơ quan mua một cuốn Sát thủ đầu mưng mủ về đọc và không ngại đưa cho cậu con trai 8 tuổi tham khảo cùng rồi hai mẹ con cười rúc rích. "Mình thấy đơn giản đây chỉ là cuốn sách gây cười, thậm chí nó còn giúp mình cập nhật hơn trong cách nhìn nhận tuổi teen bây giờ", chị Ngọc giải thích. Còn chị Kim (Đống Đa, Hà Nội), dù đã tải về máy cuốn sách này để đọc cho thỏa chí tò mò nhưng khi cô con gái lớp 8 nằng nặc đòi mua thì chị không đồng ý. "Mình sợ con bắt chước, toàn nói kiểu 'sành điệu' đó thì chẳng hay ho gì", chị cho biết. Vậy nhưng, ngay tối hôm sau, chị đã thấy cô bé ngồi đọc một trang giấy viết tay những câu “thành ngữ tuổi teen” này rồi khúc khích cười. Hóa ra, cô bé mượn sách bạn rồi chép lại những câu này vào cuốn sổ để tự “nghiên cứu”. Không thể cấm con xem được nữa, chị Ngọc đành để mặc cháu. Theo tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con (Hà Nội) thì nếu như sách này dùng cho trẻ nhỏ là không nên vì các cháu có thể bắt chước mà không hiểu đúng, nhưng trên sách đã ghi rõ là dành cho 15+ nên không có gì đáng bàn. "Các em teen khi đọc cuốn này sẽ thấy vui vui một chút, ngoài ra không có gì hơn", chị nói.
Một số thành ngữ gây tranh cãi trong cuốn sách.
Một số thành ngữ gây tranh cãi trong cuốn sách.
Chị cho rằng, điều ảnh hưởng đến các em nhiều hơn những cuốn sách kiểu thế này chính là cách sử dụng ngôn ngữ của phụ huynh hằng ngày. Nếu bố mẹ nói năng tùy tiện, không tiết chế trước mặt con trẻ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách nhận thức và sử dụng ngôn ngữ của các em. Về cuốn sách, chị Thụy Anh cho rằng, có lẽ không đáng làm to chuyện, chỉ có điều, do chưa biên tập kỹ nên còn những câu chưa hay và nhạy cảm khiến nhiều người thấy phản cảm. Thậm chí, ngay cái tiêu đề ‘sát thủ đầu mưng mủ” dù không trực tiếp nói về bạo lực nhưng cũng khiến người ta liên tưởng tới điều này và tạo dấu ấn không hay. Là người thường xuyên tiếp xúc với các em tuổi teen, nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy -  Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống Smile’s House (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thực tế, từ khi chưa có cuốn sách này thì những câu “thành ngữ sành điệu” trong đó đã được nhiều trẻ sử dụng phổ biến.
Tuy nhiên, bà cho rằng, việc đưa những câu này vào sách là không có tính giáo dục, thậm chí còn phản giáo dục. "Khi những câu cửa miệng này được đưa vào sách, các em có thể sẽ không phân biệt được đúng, sai và thấy những điều chúng từng nói, từng nghe kiểu như thế này là chuẩn mực, được tán dương và mang ra sử dụng tràn lan", nhà giáo bày tỏ. Bà cho rằng, đúng là từ ngữ phát triển theo xã hội và ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay đã khác nhiều nhưng cái gì cũng cần có những chuẩn mực riêng và không nên khuyến khích giới trẻ sử dụng từ ngữ tùy tiện. "Nếu như đó chỉ là câu nói cho vui giữa các em với nhau thì không có gì phải bàn, bởi theo thời gian, những câu không phù hợp sẽ theo quy luật bài trừ và tự mất đi. Nhưng để thành sách, lan truyền rộng rãi thì lại khác. Những cuốn sách kiểu vô bổ này dễ khiến các em ảnh hưởng lối suy nghĩ hời hợt, nông cạn...", bà nói. Theo nhà giáo dục, những câu tục ngữ, thành ngữ truyền thống ngoài có vần điệu, dễ nhớ, dễ thuộc còn là những lời răn dạy các bài học hữu ích, có nghĩa đen, nghĩa bóng phong phú. Việc đưa ra kiểu thành ngữ tuổi teen không nghiêm túc này vô tình đã phá hủy về giá trị ngôn ngữ truyền thống.
"Đã là sách dành cho đông đảo độc giả, nhất là cho người trẻ, dù đã ở lứa tuổi cận trưởng thành thì không thể chỉ cho vui, truyện cười cũng phải có định hướng, nếu không, vô tình đã hướng trẻ tới sự tùy tiện", bà Thủy bày tỏ. Về điều này, tiến sĩ Hoàng Anh Thi, Giám đốc Trung tâm ứng dụng ngôn ngữ Việt và Việt ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội, cho rằng, ngôn ngữ trong Sát thủ đầu mưng mủ đơn giản là chế lại tục ngữ theo lối mới và chỉ để vui cười. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ những hình ảnh để minh họa. Chẳng hạn những câu như “Đã xấu mà lại còn xa, đã sida lại còn xông pha hiến máu" với hình ảnh ông bác sĩ tá hỏa khi lấy máu từ một anh chàng lở loét hay bộ đội chơi trội với hình vẽ hai người mặc áo lính đang chơi trò đá... lựu đạn... tạo ra liên tưởng không hay. Những hình vẽ minh họa mang tính gán ghép ý nghĩa này làm hỏng những hình ảnh vốn được coi là đẹp, được xã hội tôn trọng... Nó làm tầm thường hóa những chuyện bình thường, thậm chí là tốt. “Thực tế, nếu là chơi chữ đơn thuần thì đây chỉ là một trò chơi ngôn ngữ khá vui và nó sẽ mất dần theo thời gian, nhưng khi gắn với hình ảnh, tạo sự liên tưởng, thì đã làm hỏng sự trong sáng của tiếng Việt, mất đi tính giáo dục của thành ngữ, tục ngữ”, tiến sĩ Thi nói. Tuy nhiên, bà cho rằng, với trẻ nhỏ, những câu thành ngữ chính thống cũng chưa đủ trải nghiệm để hiểu thì dù đọc được những “thành ngữ sành điệu” này, các em sẽ chỉ coi như trò chơi và sẽ quên trong chốc lát. Theo Vnexpress