Iran sử dụng chiến thuật tăng cấp độ làm giàu urani để gây sức ép lên châu Âu

18/07/2019 06:57
Thanh Bình
(GDVN) - Iran vượt ngưỡng cấp độ làm giàu urani có mức độ khiêu khích hơn nhiều so với việc phá vỡ giới hạn trữ lượng lần đầu tiên và nguy cơ về việc phổ biến hạt nhân.

Đúng tròn 01 năm Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, ngày 08/5/2019, Tổng thống Iran, Rouhani đã ra tuyên bố, Iran ngừng thực hiện một số điều khoản của Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trước việc Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận cũng như phong tỏa toàn diện sau đó trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự, ngoại giao, ngày 07/7/2019, Iran tuyên bố đã tăng cấp độ làm giàu urani vượt ngưỡng 3,67% (giới hạn được phép theo Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015).

Động thái nói trên của Iran cho thấy kế hoạch đối phó của Tehran đã được chính quyền nước này thể hiện khá rõ ràng và không khoan nhượng.

Tổng thống Iran, Hassan Rouhani muốn dùng chiến thuật tăng cấp độ làm giàu urani để gây sức ép với châu Âu và Mỹ (Ảnh: Aljazeera).
Tổng thống Iran, Hassan Rouhani muốn dùng chiến thuật tăng cấp độ làm giàu urani để gây sức ép với châu Âu và Mỹ (Ảnh: Aljazeera).

Chạm vào chủ đề làm giàu urani là đủ để kích động các dây thần kinh nhạy cảm của một số chuyên gia kiểm soát vũ khí phương Tây.

Họ cho rằng, một khi đã nhấn nút khởi động làm giàu urani thì cần phải cảnh giác ngưỡng 20%. Nếu đạt đến mức 20%, thời gian cần thiết để tăng từ 20% đến 90%, được coi là cấp độ vũ khí, sẽ rất ngắn.

Do đó, việc Iran vượt ngưỡng cấp độ làm giàu urani có mức độ khiêu khích hơn nhiều so với việc phá vỡ giới hạn trữ lượng của lần đầu tiên và nguy cơ về việc phổ biến hạt nhân càng lớn.

Đây được cho chỉ là một bước trong những bước đi liên tục của Tehran nhằm gây sức ép lên các nước tham gia thỏa thuận, đặc biệt là châu Âu.

Cựu Đại sứ Trung Quốc tại Iran, Hoa Lê Minh nhận định, động thái này của Iran chủ yếu xuất phát từ việc Iran không hài lòng với châu Âu.

Reuters cho rằng tuyên bố ngày 07/7/2019 của Iran là một thất bại đối với Anh, Pháp, Đức.

Trong vài tháng qua, 03 nước ký kết Thỏa thuận hạt nhân Iran này luôn hối thúc Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận với mong muốn cứu văn bản thỏa thuận.

Đáng chú ý nhất là để giúp Iran lách các lệnh trừng phạt của Mỹ, châu Âu dốc sức xây dựng cơ chế thanh toán thương mại đặc thù với công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX), cho phép các doanh nghiệp EU và Iran chuyển hàng hóa cho nhau và thanh toán trong nội bộ.

Các chuyên gia cho rằng, các biện pháp khẩn cấp của châu Âu là nỗ lực vô ích đối với Iran, trong cơn bão trừng phạt, căn bản không thể ngăn chặn được đà suy thoái kinh tế của một quốc gia.

Quan trọng hơn là ý định tốt đẹp của châu Âu không thể làm giảm mối quan tâm chính của Iran, đó là xuất khẩu dầu mỏ.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến huyết mạch của nền kinh tế Iran, với nguồn thu chính từ hoạt động bán dầu mỏ.

Theo thống kê, lượng xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã giảm từ 2,5 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2018 xuống còn 300 nghìn thùng/ngày vào cuối tháng 6/2019.

Lệnh trừng phạt của Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu dầu mỏ, huyết mạch nền kinh của Iran (Ảnh: Reuters).
Lệnh trừng phạt của Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu dầu mỏ, huyết mạch nền kinh của Iran (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Iran, Hassan Rouhani từng cảnh báo, nếu các nước châu Âu ký thỏa thuận hạt nhân không thực hiện cam kết đối với Iran, ông sẽ khởi động lại lò phản ứng nước nặng Arak, gia tăng sản lượng làm giàu urani.

Nói cách khác, theo quan điểm của Tehran, người châu Âu đã làm quá ít và quá muộn để cứu vãn thỏa thuận.

Trong tuyên bố tăng cấp độ làm giàu urani, Thứ trưởng Ngoại giao Iran, Abbas Araghchi đã chỉ trích các nước châu Âu không thực hiện cam kết của họ.

Có một thực tế là chính quyền tại châu Âu muốn giữ lại thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng các công ty và doanh nghiệp tại châu Âu lại không phối hợp.

Sau khi Tổng thống Trump đưa ra lệnh cấm tất cả các quốc gia và công ty nhập khẩu dầu mỏ của Iran, tập đoàn dầu mỏ Total của Pháp và Siemens của Đức đã nhanh chóng rút khỏi Iran bởi lẽ lợi ích của họ ở Mỹ quá lớn.

Ngoài ra, điều đáng chú ý là cùng với việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, thái độ của châu Âu đối với Iran cũng khá tế nhị.

Gần đây, vụ tàu chở dầu bị bắt đã tạo ra sóng gió dữ dội trong quan hệ Iran-Anh. Tàu chở dầu của Iran bị coi là vi phạm lệnh trừng phạt của liên minh châu Âu (EU), cung cấp dầu mỏ cho Syria, bị Anh bắt giữ ở eo biển Gibraltar.

Ngay lập tức, Iran đã triệu Đại sứ Anh tại nước này để bày tỏ không hài lòng, lãnh tụ tối cao của Iran, Ali Khamenei cũng chỉ trích gay gắt, cho rằng Anh cần cảm thấy sợ hãi vì sự trả thù của Tehran.

Hãng tin BBC của Anh cho rằng vận mệnh của thỏa thuận hạt nhân Iran hiện nay bất ổn hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ.

Hiện nay, quan hệ căng thẳng Mỹ-Iran vẫn ở trạng thái nóng và với những bước đi của Iran vừa qua, có thể tình hình rối ren của khu vực Trung Đông, vốn đã bất ổn vẫn chưa thể được giải quyết.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.reuters.com/article/us-usa-military-shakeup/shakeup-in-u-s-navy-leadership-adds-to-pentagon-churn-idUSKCN1U32C6

2. Tài liệu tham khảo 171 ngày 10/7/2019 của Thông tấn xã Việt Nam;

3. https://www.aljazeera.com/news/2019/07/european-powers-warn-iran-nuclear-deal-collapse-urge-talks-190715060004987.html

4. https://www.foreignaffairs.com/articles/iran/2019-07-12/how-iran-sees-its-standoff-united-states

Thanh Bình