Năm nay, ngoại trừ thủ khoa khối D 01 (Toán, Văn, tiếng Anh) là một thí sinh ở huyện Đan Phượng - Hà Nội, thì thủ khoa các khối còn lại đều ở các vùng nông thôn, các tỉnh như Thanh Hóa, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Không ít người thắc mắc, tại sao thủ khoa hầu hết đều đến từ các vùng nông thôn thay vì các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh...?
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc : Vấn đề về thủ khoa mà chúng ta vẫn thường nói tới thì chính xác là thủ khoa tuyển sinh Đại học, chứ không phải là thủ khoa thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2019. Ảnh: Tùng Dương. |
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - nguyên giáo viên dạy môn Toán tại Trường Trung học phổ thông Thăng Long - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ: “Giáo dục là vấn đề tôi vẫn thường quan tâm, vui buồn trăn trở với nó hàng ngày.
Nhưng trước hết, vấn đề về thủ khoa mà chúng ta vẫn thường nói tới thì chính xác là thủ khoa tuyển sinh Đại học, chứ không phải là thủ khoa thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2019.
Đôi khi chúng ta bị lẫn khái niệm, do vô tình hoặc cũng có thể cố tình để cho mọi người nhầm lẫn, muốn hiểu thế nào thì hiểu?
Người ta cộng 3 điểm vào để tuyển sinh Đại học, và rồi thấy 3 điểm 9 hoặc 3 điểm 10 thì bảo đó là thủ khoa.
Và sau 3 điểm 10 đó thì còn bao nhiêu điểm thấp và gần như điểm liệt của những học sinh đó thì không thấy ai nói đến, và điều đó có chấp nhận được không”?
Xoay xung quanh những thủ khoa này còn có rất nhiều vấn đề mà chúng ta cũng nên đặt ra để xem là tại sao sự việc lại như vậy? Tại sao ở nông thôn và các tỉnh lại như thế này và thành phố lại thế kia?
Chất lượng thủ khoa như thế nào và liệu sau này các em vào đời có thỏa mãn được nhu cầu của xã hội, của thế giới hội nhập hay không?
“Năm 1975 khi tôi làm chủ nhiệm lớp, lúc đó có một gia đình từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, 2 vợ chồng nhà đó cố gắng học, rồi Liên Xô học tiếp để trở thành Tiến sĩ, họ có 1 con trai và 1 con gái đều gửi ở nhà tôi.
Sau nhiều năm khi đã thành đạt, gia đình kia mới tâm sự với tôi rằng: Bác xem cả đời chúng em và con cháu là chỉ muốn thoát khỏi cảnh nghèo ở tỉnh lẻ, ở khu 4 thầy biết là khổ thế nào rồi.
Vậy bác bảo chúng em phải làm thế nào? Chỉ còn cách học thôi, vợ chồng em học rồi đi Liên Xô thì bây giờ con em cũng phải thế.
Thực tế hiện nay cả 2 cháu đó đã trở thành Tiến sĩ khoa học và sống ở nước ngoài. Con đường thoát nghèo của họ là như vậy và có lẽ đó cũng là mẫu số chung”, thầy Ngọc nói.
Phải chăng học sinh ở các thành phố lớn còn nhiều mối quan tâm hơn khiến cho các em sao nhãng việc học?
Hay học sinh ở thành phố còn có mục đích khác để vươn lên như đi du học… nên điểm số trong kì thi này không phải là điều quan trọng nhất đối với các em?
“Theo tôi đó là điều thực tế trong xã hội hiện nay, tôi có một cô cháu gái, khi còn nhỏ thì cháu học rất khá và học cấp 3 tại Singapore, học Đại học ở Mỹ và hiện nay cháu sống và làm việc ở Bắc Âu.
Như vậy vấn đề đặt ra ở đây là đối với học sinh ở Hà Nội và những gia đình có điều kiện, thì người ta thấy rằng cái hướng thoát là phải trang bị cho con mình trí tuệ ngang tầm với thế giới, có thể sẵn sàng làm việc và sinh sống ở bất cứ đâu nếu như thấy thích hợp.
Cháu gái tôi có nói, sau khi học ở Singapore thì con lại muốn sang Mỹ xem cuộc sống thế nào, nhưng sau khi biết Mỹ rồi thì con cảm thấy không thích hợp nên đã sang Bắc Âu làm việc, chắc con sẽ định cư ở đây luôn.
Thế giới hiện đại và lớp trẻ bây giờ rất thông minh, một em học sinh cũ nói với tôi rằng: Để đạt 24 điểm vào Đại học đối với em là chuyện quá dễ.
Tôi hỏi em có biết tại sao môn Lịch sử năm nay điểm lại kém như vậy không? Em đó trả lời rằng có biết lịch Sử dạy cái gì đâu, chả bao giờ em học lịch Sử cả.
Khi tôi xem bảng điểm các môn khác của em đó thì kết quả là: Toán 8,2. Tiếng Anh 9,4. Vật Lý 7.0. Vậy vấn đề là đạt 24 điểm vào Đại học đối với em này là quá dễ dàng.
Nhưng các môn khác như Văn thì em đó đạt 4,75. Môn Hóa 3,75. Môn Sinh 4,75 và Khoa học tự nhiên 5,0.
Rõ ràng là học sinh không muốn học những môn các em cho là không quan trọng?
Vậy làm thế nào để số đông học sinh có một quyết tâm nội lực rằng yêu nước, thương dân thì phải làm Khoa học kỹ thuật, để đất nước và bản thân mình cũng giàu lên, đó mới là điều quan trọng số 1, là động lực để các cháu học. Còn cứ như hiện nay chỉ là học đối phó, khập khiễng giữa các môn học.
Tôi thấy ở Hà Nội họ có cần học nhiều đâu, vì vậy chỉ tiêu thủ khoa không phải là mối quan tâm của họ, thậm chí nhiều môn học trên lớp các em cũng không quan tâm mặc dù các em học rất giỏi”, thầy Ngọc nói.
Nhưng có những môn khác của thủ khoa lại rất kém và thậm chí gần trượt, nếu như không nói là ở ngưỡng điểm liệt với môn tiếng Anh đạt 1,2, như vậy thì quá thất vọng. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Thủ khoa học không đồng đều
Vấn đề thủ khoa năm nay nếu như đi sâu hơn một chút, nhìn bảng điểm sẽ thấy 3 môn thi xét tuyển vào Đại học của các em đó rất cao.
“Nhưng có những môn khác của thủ khoa lại rất kém và thậm chí gần trượt, nếu như không nói là ở ngưỡng điểm liệt với môn tiếng Anh đạt 1,2, như vậy thì quá thất vọng.
Điểm như vậy thì không thể gọi là thủ khoa phổ thông được. Nếu đứng trên góc độ xét ở trường phổ thông thì tôi thấy phải loại những em đó. Vì sao? Nếu nói là đào tạo phổ thông thì trình độ văn hóa, ngoại ngữ…rất kém và các môn không đồng đều.
Đào tạo như vậy thì sau mấy năm Đại học ra các em đó sẽ thui chột hết, và nếu nói là đi đối chọi với thế giới chắc chắn sẽ thua, vì ngay như kỹ năng ngoại ngữ các em đó không có thì làm sao mà hội nhập được.
Nhưng cách dạy và cách tuyển sinh của ngành Giáo dục như hiện nay đã tạo ra cách học như vậy.
Ngành Giáo dục hãy nhớ lại chúng ta đã có một giai đoạn phổ thông từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước và đó là những thế hệ tuyệt vời.
Lớp học sinh đó là những con người toàn diện, tư cách và tư duy tốt, có những người hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố gắng tự học và hiện nay đứng đầu về ngoại ngữ, về âm nhạc, về điện ảnh, về Toán học, về nghiên cứu và khoa học kỹ thuật…Và cách giáo dục đó đã tạo nên những ông bố bà mẹ rất tốt.
Nhưng với cách dạy học như hiện nay thì sau này các em sẽ là những ông bố bà mẹ trình độ ra sao và họ sẽ dạy con như thế nào?
Nên thay đổi lại cách đánh giá, cách thi tuyển. Việc học sinh tốt nghiệp phổ thông là một chuyện và việc tuyển sinh Đại học là việc của các trường Đại học.
Không thể nào bắt một học sinh đi học để rồi cố cày cục thi đỗ Đại học, trong khi còn bao nhiêu thứ ở phổ thông lại không quan tâm đến thì đó là những sản phẩm không đạt”, thầy Ngọc nêu quan điểm.
Hiện nay thế giới họ quan niệm thế nào? Một người thành tài phải có 2 điều quan trọng cơ bản: Anh phải có cái đầu, có tư duy chính xác, có trình độ và kỹ năng hiện đại.
Tiếp đến anh phải có ngôn ngữ, phải nói được tiếng mẹ đẻ uyên bác, phải nói tối thiểu một ngoại ngữ thành thạo để giao tiếp với thế giới, ngoài ra tay nghề hay những thứ khác là vấn đề tiếp theo.
Một học sinh đi thì là cả nhà từ ông bà, bố mẹ cũng đều đi "thi", vất vả lo nghĩ mất ăn mất ngủ. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Đôi điều suy nghĩ
“Theo tôi thì thủ khoa xuất hiện ở vùng nào, nhiều hay ít đều không quan trọng, tại sao? Bởi vì quy luật tất yếu là những vùng xa vùng sâu, khó khăn thì họ cần phải vươn lên, đó cũng là chuyện bình thường.
Ở Thành phố và các đô thị lớn còn có nhiều thứ thu hút học sinh, việc săn học bổng ở các trường nổi tiếng trên thế giới còn khó hơn là thi đỗ Đại học mà các em còn đạt được, thì việc thủ khoa là quá bình thường.
Học sinh hiện nay bị “nhốt” chung vào một phòng, thi chung với nhau nhưng mục đích và ý tưởng thì khác nhau.
Có em với mục đích chính là chỉ cần tốt nghiệp phổ thông rồi sau đó đi du học, học nghề…vậy tại sao lại bắt những em học sinh đó làm những câu hỏi của những em thi vào Đại học? Quá vô lý.
Ngược lại, những em thi với mục đích vào Đại học, mà vào Đại học phải có trình độ cao, tư duy sâu hơn người để đào tạo ra những người tài xây dựng đất nước… thì lại phải làm nhưng câu hỏi thi không xứng tầm.
Chính xác thì khoảng 10 câu đầu của tất cả các đề thi là trình độ của trẻ con, với những người không có vấn đề gì về trí tuệ, và cũng không cần phải học đến lớp 12 thì đều có thể trả lời dễ dàng mà không cần kiến thức cao siêu.
Nếu cứ cố duy trì kiểu thi 2 trong một này thì dẫn đến méo mó việc học, sẽ làm mất đi chất lượng phổ thông.
Vấn đề ở đây là suy nghĩ của các em sẽ lệch lạc, cố tình học chỉ để thi đỗ Đại học, chứ không phải học để trở thành con người toàn diện, có kiến thức và tư duy hiện đại, tầm hiểu biết ngang với thế giới.
Học sinh sẽ bị mất đi tất cả những cái gì gọi là năng khiếu, cá tính riêng bị thui chột bởi vì bị gò mãi vào 3 môn thi Đại học.
Còn nhiều vấn đề khác bỏ ngỏ, mà biết đâu đó là những năng khiếu thiên tài của các em thì lại bị mất đi”, thầy Ngọc nhấn mạnh.
Con người sống là để chia sẻ, thương yêu, hòa đồng với tự nhiên và hướng tới phát triển toàn diện!
Chứ không phải con người sống để kiếm lợi riêng cho cá nhân mình, để thực hiện mục tiêu riêng, và rồi từ đó nảy sinh những hành động sai trái.
“Vấn đề giáo dục tân tiến trên thế giới người ta đã làm mãi rồi mà tạo sao chúng ta không học tập?
Mỗi đất nước có đặc điểm riêng nên phải dạy cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là lòng yêu nước.
Lòng yêu nước ở đây là phải học tập phấn đấu để thành những người có kiến thức, trình độ vượt trội để xây dựng đất nước hùng mạnh, sánh vai các cường quốc trên thế giới.
Phải giúp trẻ ngay từ nhỏ tự nhận biết bản thân trẻ mạnh ở điểm nào, yếu cái gì?
Phải biết mình là ai, đang đứng ở đâu chứ không phải nhồi vào đầu trẻ rằng: Mình là con ông cháu cha thì sẽ nghiễm nhiên có mọi thứ mà không cần phấn đấu, học hành”, thầy Ngọc nêu quan điểm.
Việc nguy hiểm nhất là đánh giá không đúng về bản thân, tự cao tự đại coi thường mọi thứ từ nhỏ. Nhiều tài năng bị thui chột ngay từ bé vì ý muốn của gia đình, bố mẹ.
“Dạy cho trẻ hiểu rằng tất cả các nghề đều đáng quý và đáng được trân trọng, nhưng các ông bố bà mẹ hiện nay đều đề cao một số nghề lên quá mức và muốn con mình phải vào cho bằng được.
Mà quên rằng nếu hướng trẻ như vậy sẽ nảy sinh ở trẻ tính coi thường người khác. Điều quan trọng là làm người lương thiện giúp ích cho đời.
Khả năng và hoàn cảnh của mỗi con người chỉ đạt được ở lĩnh vực nào thì nên làm ở lĩnh vực đó, chứ không nên cố làm ông nọ bà kia và chúng ta không nên dạy con trẻ như vậy.
Thậm chí không nên kích các em được bao nhiêu điểm, xếp thứ mấy…xã hội hiện nay có không ít người chưa ngộ ra điều này. Tại sao ở các nước người ta không công bố điểm?
Điểm số là việc rất bình thường, nó chỉ đánh giá trong một phạm vi rất nhỏ và của một con người cụ thể nên nó không nói lên được gì cả. Nó không có gì to tát và càng không phải là thước đo một con người.
Chưa kể đến việc mang điểm của người này so với người kia, so con mình với con hàng xóm…không thể so sánh như vậy được vì mỗi người một hoàn cảnh, một thể chất, điều kiện kinh tế.
Anh có thể thành đạt về mặt này thì tôi lại thành đạt ở mặt khác, tại sao lại mang cái này so với cái kia?
Vậy nên theo tôi thủ khoa hay không thủ khoa thì cũng vừa vừa thôi. Quan trọng là ra đời thế nào và giúp ích được gì cho đời? Đó mới là điều quan trọng”, thầy Ngọc nhấn mạnh.