Trò chuyện với thí sinh có điểm Ngữ văn cao nhất tỉnh Bình Thuận

27/07/2019 06:18
Phan Tuyết
(GDVN) - Ngoài học văn hóa cũng cần học thêm cách chia sẻ với mọi người xung quanh.

Ngay từ khi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm học (2018-2019) vừa chấm xong, thông tin toàn tỉnh Bình Thuận có 1 bài Ngữ văn đạt 9 điểm.

Em Nguyễn Trần Nhật Nguyên học sinh lớp 12A9 Trường Trung học phổ thông Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh gia đình cung cấp)
Em Nguyễn Trần Nhật Nguyên học sinh lớp 12A9 Trường Trung học phổ thông Đức Linh,  tỉnh Bình Thuận. (Ảnh gia đình cung cấp)

Cũng không ít người đoán già đoán non, số điểm cao nhất tỉnh và duy nhất này chắc chắn sẽ ở thành phố, nơi học sinh có nhiều điều kiện học tập tốt nhất.

Hoặc sẽ rơi vào trường chuyên lớp chọn, nơi có nhiều học sinh giỏi và tập trung nhiều thầy cô giáo dạy giỏi, giàu kinh nghiệm.

Khác với những suy đoán ấy, điểm văn cao nhất tỉnh lại lọt về phố núi, một huyện vùng xa của tỉnh.

Thí sinh mang lại niềm vinh dự tự hào cho gia đình, cho trường học chính là em Nguyễn Trần Nhật Nguyên học sinh lớp 12A9 Trường Trung học phổ thông Đức Linh (tỉnh Bình Thuận).

Không chỉ sở hữu điểm văn cao nhất tỉnh, Nhật Nguyên còn giành luôn danh hiệu “Thủ khoa khối D1” của tỉnh.

Gia đình như mạch nước ngầm nuôi dưỡng niềm đam mê học văn của em

Cô Trần Thị Mỹ Ngọc giáo viên dạy văn của trường chính là mẹ của Nhật Nguyên cho biết, ngay từ khi Nguyên còn rất nhỏ, cô và bà ngoại thường xuyên ru em bằng những lời hát ru thấm đượm tình người, tình yêu quê hương, tình làng nghĩa xóm.

Trò chuyện với thí sinh có điểm Ngữ văn cao nhất tỉnh Bình Thuận ảnh 2
Học sinh một huyện miền núi tỉnh Bình Thuận giành thủ khoa khối D1

Hằng đêm, thường đọc cho con nghe những câu chuyện cổ tích và câu chuyện về đạo đức, lối sống.

Lên 3 tuổi, Nguyên đã làm cho gia đình, người thân “hốt hoảng” vì khả năng đọc chữ của mình.

Nhiều phép thử được đưa ra chỉ để khẳng định, do em thuộc vẹt vì nhập tâm những câu chữ người thân hay đọc? hay thật sự em biết chữ?

Đến lớp mẫu giáo, Nguyên cũng làm cô giáo bất ngờ, vì có lần, cô phát bài ra chưa kịp hướng dẫn các con cách làm, Nguyên đã làm xong.

Khi được cô hỏi: “Vì sao con làm được?” em đã trả lời: “Do con biết đọc chữ trong này”.

Lớn lên một chút, em đã biết thắc mắc: “Vì sao chị em lại có thể tàn sát nhau, và đồng loại lại ăn thịt lẫn nhau?” khi nghe câu chuyện “Tấm Cám”.  

Em có thể ngồi khóc ngon lành khi gặp một nhân vật hiền lành nào đấy bị bắt nạt hay gặp khốn khó ở trong câu chuyện.

Cô Ngọc cho biết, vào cấp 1, Nguyên đã bộc lộ rõ nét năng khiếu văn chương.

Những bài viết tả người, cây cối…của em luôn được thầy cô đánh giá cao vì Nguyên biết dùng biện pháp nhân hóa, so sánh trong bài viết.

Em rất thích thơ Trần Đăng Khoa, và trong khá nhiều tình huống có thể ứng đối thành thơ dù cho ngôn ngữ còn mộc mạc, trẻ con.

Đó là lần, vừa nhìn thấy mẹ quét sân, đàn gà lại chạy vào làm dơ bẩn.

Nguyên vừa đuổi gà, vừa đọc lớn: “Sân nhà mẹ mới quét xong/Sao mà mày lại vô sân ỉa hoài?”

Rồi khi ngắm mưa, nhìn những cảnh vật xung quanh, em tự viết ra những mẩu chuyện nho nhỏ, có bài mẹ khen cảm xúc, có bài mẹ lại bảo chưa hay.

Nhưng không ngờ đó chính là sự khởi đầu cho khả năng viết văn của em sau này.

Cô Ngọc nói: “ Thấy con quá nhạy cảm và có tâm hồn lãng mạn nên sợ con yếu đuối, tôi cũng đã tìm cách kìm hãm bớt khả năng này của cháu”.

Đam mê đọc sách

Trò chuyện với thí sinh có điểm Ngữ văn cao nhất tỉnh Bình Thuận ảnh 3
Trò chuyện với thủ khoa khối B của tỉnh Đồng Nai với 2 điểm 10 tuyệt đối

Lúc nhỏ nghe ba mẹ đọc sách, lớn lên em có lòng đam mê với sách một cách lạ kỳ.

Nhớ một lần, em đi học võ nhưng không về nhà mà ghé lại nhà bác hàng xóm để được bác cho những cuốn sách về đọc.

Quá giờ không thấy con về, ba mẹ lo lắng tất tả đi tìm khắp nơi.

Em thường vào phòng mẹ lấy sách đọc lén một cách miệt mài, say sưa.

Lớn hơn một chút, em được ba mua cho những đầu sách văn học kinh điển của Việt Nam và cả nước ngoài.

Những câu chuyện đã hấp dẫn em tới mức em đọc đến sờn ố cả trang giấy.

Ví như cuốn sách "Robison Crusoe lạc trên hoang đảo", em vô cùng ấn tượng với bản năng sinh tồn mãnh liệt của nhân vật Robinson.

Trong hoàn cảnh khốc liệt nhất - một mình trên đảo hoang xa xôi, anh vẫn sống. Từ đó, em nhận ra rằng, ngoài những kiến thức mà ta đã học được qua sách vở thì kĩ năng sống cũng là một yếu tố góp phần vào sự thành công của bản thân sau này.

Sau khi đọc xong các tác phẩm, em thường nhờ ba ''dò bài'', tức là gọi tên một chi tiết, một cái tên để em xác định điều đó nằm ở phần nào của câu chuyện.

Học văn giỏi nhưng chọn thi học sinh giỏi Anh văn cho ba vui

Nói về Nguyễn Trần Nhật Nguyên, thầy Phan Dương Thy cũng là một người hàng xóm thân thích bên nhà em kể rằng:

“Con bé hồi học tiểu học mỗi khi làm được bài văn hay, cô giáo chấm điểm 9.5; hay 10 đ, nó thường đem sang khoe và thường được mình tặng sách, kẹo socolate.

Nó mừng hớn hở chạy về. Chữ nó viết như mẫu, mình phô tô, đến giờ trả bài phát cho các anh chị lớp 12 đem về làm mẫu rèn chữ".

Khi vào trường trung học phổ thông, nhận thấy khả năng học văn của em nên thầy Phan Dương Thy (lúc này là tổ trưởng môn Ngữ văn của trường) đã động viên Nhật Nguyên tham gia đội tuyển học sinh giỏi văn.

Nhưng khi đi thi học sinh giỏi, bất ngờ Nhật Nguyên xin dự thi môn tiếng Anh chỉ với một lý do thật dễ thương:

“Con muốn đem chút vinh dự về cho ba” (ba Nguyên vốn là giáo viên tiếng Anh).

Và bất ngờ thay, Nguyên đã đạt giải ba học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh năm đó.

Bản thân người viết bài cũng thật sự ấn tượng khi nghe cô bé nói:

“Con ngoài học văn hóa cũng học thêm cách chia sẻ với mọi người xung quanh”.

Có lẽ vì điều này, Nhật Nguyên luôn đẹp trong mắt thầy cô, bạn bè và những ai dù chỉ một lần tiếp xúc ngắn ngủi với em.

Phan Tuyết