Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngày 15/7, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đã quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh yêu cầu điều tra bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 277; điểm a khoản 1 Điều 280 Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Việc trả hồ sơ được xem là một bước đi thận trọng trong xử lý gian lận điểm thi tại tỉnh này.
Theo tài liệu đã bị trả lại của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang, Cơ quan an ninh điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh được có yếu tố vụ lợi trong vụ án.
Có thể xác định được người đưa hối lộ ở Hà Giang không? (Ảnh minh hoạ: VTC14) |
Đã đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không gia đình nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm, ngoài ra lời khai của bị can Hoài, Lương không thừa nhận mà chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân.
Đây là điều quá sức vô lý bởi con số thí sinh được nâng điểm theo kết luận của cơ quan công an là 107 thí sinh (ít hơn Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố là 114 thí sinh) liên quan đến 210 phụ huynh liên quan đến gian lận.
Nếu nhận đưa tiền hay lợi ích vật chất khác, các phụ huynh sẽ bị khép vào tội danh đưa hối lộ.
Với tội danh đưa hối lộ, không ít phụ huynh sẽ dính vòng lao lý, thân bại, danh liệt vì họ là cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức nhà nước.
Những bí mật chưa thể làm sáng tỏ trong vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang |
Vì thế, “dù có chết, cũng không nhận tội” là tâm lý của phụ huynh này!
Thế có thể điều tra, quy kết các phụ huynh đưa hối lộ?
Cơ quan chức năng của Hà Giang đã đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không gia đình nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm; nên không có căn cứ để xác định tội danh đưa hối lộ!
Kẻ cắp, thì già mồm. Thật nực cười, có mấy kẻ ăn cắp nhận tội? Chúng sẽ chối tội leo lẻo. Chả nhẽ, cứ chối tội là vô tội?
Nguyên tắc xét xử, điều tra là suy đoán vô tội, nhiệm vụ của cơ quan điều tra là chứng minh, các bị can đã nạp tiền do hối lộ mà có, phần còn lại là của cơ quan điều tra chứng minh kẻ đưa tiền hối lộ.
Đã có ý kiến đề nghị, cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ công an vào cuộc. Dư luận rất đồng tình, chờ đợi kết quả điều tra, trả lại sự trong sạch cho nguyên bí thư Triệu Tài Vinh, trả lại sự thật cho các lời khai của các bị cáo.
Nếu không chứng minh được có việc đưa hối lộ, các bị cáo sao lại có tiền nộp lại? Số tiền đó được cho là nhận từ những người “nhờ xem điểm”. Như vậy, các bị cáo phạm thêm tội “Vu khống” người khác!
Với thời đại công nghệ thông tin, thế giới phẳng, không muốn ai biết, đừng làm, đã làm tất có dấu vết để lại; chỉ là người tìm dấu vết có muốn nhìn thấy hay không? Có đủ “trình độ, nghiệp vụ” nhìn thấy hay không?
Chỉ cần vẽ lại sơ đồ mối quan hệ của các bị cáo với các đầu mối “nhờ xem điểm”; lật giở lịch sử các cuộc gọi trên điện thoại, trên tin nhắn, trên Zalo, trên Facebook rất nhiều người tin rằng, dù kín kẽ đến đâu cũng lòi đuôi chuột.
Ngày trước, người ta nói “Khẩu vô bằng”; thế nhưng ngày nay, với công nghệ hiện đại, cùng trái tim yêu công lý, yêu tổ quốc; cái đầu lạnh đầy lý trí, nghiệp vụ của những người đã tốt nghiệp học viện An ninh, Công an, người viết tin rằng, không thể tội ác nào qua mắt họ được; không có kẻ nội xâm nào giấu mình được, chúng sẽ bị trừng trị đích đáng.
Những kẻ đã và đang tiếp tay gian lận thi cử; đang làm lạc lối giáo dục, đó là những kẻ nội xâm nguy hiểm nhất, chúng phải bị tuyệt diệt, trừng trị đích đáng; dù chúng là ai, đang làm gì, cũng phải lôi ra ánh sáng.