Bộ Giáo dục và các chuyên gia nói gì về đạo đức lối sống của học sinh phổ thông?

01/08/2019 07:07
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Việc giáo dục về đạo đức, lối sống cho học sinh cần có sự tham gia với trách nhiệm của cả nhà trường, gia đình và xã hội.

LTS: Đưa ra những chia sẻ về công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh phổ thông, thầy Sông Trà đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Mới đây, tại phiên họp của Ủy ban đổi mới Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016-2021 và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021 (nội dung chủ yếu tập trung thảo luận về công tác giáo dục, đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, Bộ đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Bộ cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đổi mới chương trình giáo dục, trong đó đặc biệt quan tâm tới nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Từ năm 2017, môn Giáo dục công dân được chọn là một môn thi trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Kết quả thi trung học phổ thông quốc gia môn Giáo dục công nhân luôn nằm trong nhóm các môn có điểm thi cao nhất”, Bộ trưởng cho hay.

Nhìn nhận một số kết quả quan trọng trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, Bộ trưởng cho biết, chương trình, nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống đã có nhiều đổi mới, phù hợp hơn ở từng cấp bậc học.

Giáo dục truyền thống ‘Uống nước nhớ nguồn’ trong lễ chào cờ điểm
Giáo dục truyền thống ‘Uống nước nhớ nguồn’ trong lễ chào cờ điểm

Hoạt động chào cờ và hát Quốc ca tại các buổi lễ trong trường học đã được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, toàn thể cán bộ, nhà giáo, học sinh trực tiếp hát Quốc ca.

Các nhà trường quan tâm xây dựng khuôn viên, cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp; phân công học sinh trực nhật lớp, vệ sinh trường học, khu vực quanh trường, chăm sóc cây xanh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế:

Nội dung giáo dục đạo đức chưa thiết thực; công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập; công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ; một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở một số địa phương gây bức xúc, lo lắng cho xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Từ phân tích kết quả đạt được cũng như những vấn đề còn hạn chế, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quán triệt, chỉ đạo đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Một trong những nhiệm vụ được ngành Giáo dục ưu tiên hàng đầu trong năm học tới là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Nhiệm vụ này sẽ được chúng tôi triển khai cụ thể, chi tiết từng việc, để ngay sau năm học sẽ thấy sự thay đổi rõ nét từ học sinh, giáo viên cho tới nhà trường”, Bộ trưởng nêu rõ.

Cần đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Cần đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Trao đổi tại phiên họp, Giáo sư Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục cho rằng, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống không thể giải quyết được nếu “đóng khung” trong trường học.

Không nên và không thể dồn hết trách nhiệm cho các trường. Ông Thanh lí giải, khái niệm trường học và học tập trong bối cảnh hiện nay hoàn toàn khác.

Các hình thức giáo dục, học tập ngoài trường học phổ biến hơn bao giờ hết, cho nên, việc giáo dục về đạo đức, lối sống cho học sinh cũng cần có sự tham gia với trách nhiệm của cả nhà trường, gia đình và xã hội.

Việc này không thể làm được bằng khẩu hiệu chung chung như trước nay vẫn nói là “phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội”, mà cần có những điều chỉnh cụ thể trong các hướng dẫn thực hiện Luật giáo dục, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật báo chí, Luật điện ảnh, Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em và các quy định pháp luật khác.

Nhằm nâng hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, cần tổ chức, thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có ý nghĩa thực sự, không hình thức. Nếu người lớn gương mẫu hơn, thì chắc chắn trẻ cũng sẽ tốt hơn.

Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng nhấn mạnh việc cần xử lý nghiêm trường hợp vô kỷ luật, không chỉ với giáo viên mà cả học sinh.

Đồng thời, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm soát tốt hơn thông tin xấu trên không gian mạng; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm tốt công tác xây dựng gia đình thành tổ ấm thực sự, bố mẹ thực sự gương mẫu, là tấm gương để giáo dục con em mình.

Giáo viên phải đặt việc giáo dục đạo đức cho học sinh lên hàng đầu
Giáo viên phải đặt việc giáo dục đạo đức cho học sinh lên hàng đầu

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, thời gian qua công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường đã đạt được kết quả tích cực; từ những việc nhỏ như hát quốc ca khi chào cờ, vệ sinh trường lớp,… đã có chuyển biến.

Nhưng, yêu cầu phát triển trong tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh.

Theo Phó Thủ tướng, các phong trào, nếp sinh hoạt truyền thống như “Năm điều Bác Hồ dạy”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”… phải tiếp tục duy trì và phát huy.

“Đổi mới lễ khai giảng với tinh thần “vì học sinh thân yêu”, giữ gìn vệ sinh trường học, đưa các môn thể thao, võ thuật vào trường học… có chuyển biến trong vài năm gần đây nhưng chưa mạnh mẽ.

Năm học tới Bộ Giáo dục và Đào tạo phải siết chặt hơn nữa, phong trào phải thiết thực, tránh hình thức”, Phó Thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức quản trị trong trường phổ thông, phát huy dân chủ trong trường học, với ý nghĩa đây là một thiết chế có sự tham gia của ban giám hiệu, tập thể giáo viên, cộng đồng, phụ huynh và học sinh, chính quyền địa phương.

Có như vậy học sinh mới ở vị trí trung tâm, được dạy dỗ, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất theo chương trình giáo dục mới. 

SÔNG TRÀ