Thầy cô ơi, coi chừng bị lừa

04/08/2019 06:38
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Giáo viên chưa sống được bằng lương, họ làm đủ nghề tay trái, nuôi nghề tay phải, nuôi “nghiệp giáo” của mình.

Thời đại bùng nổ thông tin, không ít giáo viên tham gia mua bán online, một phương thức làm thêm nhẹ nhàng, phù hợp với hoàn cảnh của thầy cô giáo.

Hàng hóa đủ thứ, thượng vàng hạ cám có đủ; chưa thu thuế, nên cũng “sống khỏe”, thu nhập có khi gấp mấy lần “đồng lương còm”.

Có giáo viên trở thành “cao thủ” trong làng bán hàng online, thu nhập hàng tháng, thuộc dạng mơ ước của anh chị em trong trường.

Cô giáo M. đầu hè này khoe trên facebook, được đi dự hội thảo, dự tiệc ở những nhà hàng sang trọng, do đối tác mời, nhiều người nhìn thấy mà phát thèm.

Cái tin M. vỡ nợ, nhà chứa đầy hàng hóa, cần giải cứu, làm thầy cô trong trường thật bất ngờ.

M kể trong nước mắt: “Lúc đầu em bán ba thứ lặt vặt, do em làm, em lấy hàng si, lấy công làm lãi. Nhưng cũng “sống được”. Sau đó có người liên hệ, giới thiệu là người của công ty lớn, có nguồn hàng uy tín, cần đại lý, cộng tác viên.

Chỉ cần đăng bài, ảnh sản phẩm lên trang cá nhân của em, khi có khách mua hàng, em báo cho họ, họ gửi hàng cho khách, em được hưởng 10% giá trị đơn hàng.

Cần cẩn trọng với những chiêu thức tuyển cộng tác viên bán hàng online.(Ảnh minh họa: 1001vieclam.com)
Cần cẩn trọng với những chiêu thức tuyển cộng tác viên bán hàng online.(Ảnh minh họa: 1001vieclam.com)

Mỗi tháng, lúc đầu em cũng được một hai triệu, tăng dần bốn năm triệu đồng, dù chẳng phải làm gì vất vả cả.

Sau đó họ bảo, em trả tiền trước, nhập hàng về, tự làm đơn hàng, được hưởng 20% giá trị đơn hàng.

Cứ thế, em kiếm thêm gần chục triệu mỗi tháng. Lấy càng nhiều hàng, lãi suất càng lớn.

Nếu lấy hai trăm triệu trở lên, được tính 30%, em ngồi tính, nếu tốc độ bán hàng như vừa rồi, lấy hàng của họ, chỉ cần bán 2 tháng là hết, kiếm vài chục triệu thật dễ.

Thế là em huy động bạn bè, gia đình hơn ba trăm triệu đồng, trả tiền, họ chuyển hàng đến nhà.

Từ đó đến nay, bán rất chậm, đã vậy còn bị trả lại vì hàng quá đát, hàng không chất lượng, mở ra coi lại, bất ngờ toàn dạng hàng quá hạn sử dụng, hàng nhái không thầy ạ.

Gọi điện thoại cho giao dịch viên trước đây, họ chặn máy, có người nhận thì trả lời họ đã nghỉ việc, bảo họ cũng bị lừa như em. Hơn ba trăm triệu hàng mua về, coi như bỏ.

Thầy ăn lương vợ, tranh thủ việc trường, làm ngoài là chính
Thầy ăn lương vợ, tranh thủ việc trường, làm ngoài là chính

Đến lúc này mới biết mình bị lừa. Những người mua hàng mình trước đây, chỉ là “chim mồi”.

Em bị vậy vẫn còn ít, nghe nói có người ôm tiền tỷ cơ, em còn “may mắn”.

Em hỏi luật sư, hy vọng lấy lại được phần nào, người ta cười, bảo hàng em mua online, không hóa đơn, chứng từ… thôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Nhưng buồn nhất, giờ khách hàng không còn tin em nữa, kết thúc bán hàng luôn”.

Muôn nẻo lừa đảo, thả con săn sắt, bắt con cá rô; cả tin là một phần, nhưng trong đó do chữ “tham” che lấp lý trí. Hãy tin rằng, không có bữa trưa miễn phí, để cảnh giác.

Ở đời này, người tốt không hiếm, người xấu cũng nhan nhản; mua bán hàng trực tuyến là xu hướng tất yếu.

Để tránh bị lừa, nên chọn lựa nhà cung cấp đáng tin cậy. Đọc kĩ thông tin chi tiết, kích cỡ, chế độ bảo hành, đổi trả sản phẩm, trước khi mua hàng. Kiểm tra sản phẩm bên trong rồi sau đó thanh toán, nhận sản phẩm.

Trường hợp khi mua những sản phẩm, từ những nhà cung cấp không đưa ra chính sách được xem hàng trước, khi nhận hàng có thể kiểm tra ngay sau khi thanh toán, có mặt người vận chuyển; nếu có điều bất ổn ngay lập tức liên hệ với nhà cung cấp sản phẩm, để được tư vấn đổi trả.

Nhưng tốt nhất nên xem kỹ về thông số của sản phẩm, có chính sách hỗ trợ, bảo hành và đổi trả như thế nào. Hoặc có thể liên hệ trực tiếp với nơi mua sắm đó để biết rõ hơn.

Đồng tiền đi liền khúc ruột, cảnh giác, cẩn thận kẻo bị lừa; tiền mất, hàng ôm khi mua, bán hàng online trong thời đại công nghệ, không thừa trong cuộc sống.

Sơn Quang Huyến