Chính sách Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ tháng 8/2019

31/07/2019 16:09
Trúc Diệp
(GDVN) - Từ tháng 8/2019, nhiều chính sách mới liên quan tới lương hưu, phụ cấp Bảo hiểm xã hội và thanh toán khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế chính thức có hiệu lực.
Chính sách bảo hiểm xã hội ngày càng ưu việt hơn.
Chính sách bảo hiểm xã hội ngày càng ưu việt hơn.

Tăng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội với cán bộ xã đã nghỉ việc

Thông tư 09/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ, có hiệu lực ngày 01/8/2019, hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng từ ngày 01/7/2019 đối với cán bộ xã, phường, thị trấn già yếu đã nghỉ việc.

Theo đó, mức lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của nhóm đối tượng này sẽ tăng thêm 7,19% trên mức trợ cấp được hưởng (Mức hưởng từ tháng 7/2019 = Mức hưởng tháng 6/2019 x 1,0719).

Cụ thể, mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ nguyên là bí thư đảng ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã sẽ là hơn 2,1 triệu đồng/tháng.

Đối với cán bộ nguyên là phó bí thư, phó chủ tịch, thường trực đảng ủy, ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, thư ký Hội đồng nhân dân xã, xã đội trưởng, trưởng công an xã... là hơn 2 triệu đồng/tháng. Các chức danh còn lại hưởng mức hơn 1,8 triệu đồng/tháng.

Thêm 3 trường hợp được thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế

Thông tư 09/2019/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 01/8/2019 hướng dẫn một số nội dung trong công tác khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

Theo đó, bổ sung 3 trường hợp người có thẻ Bảo hiểm y tế được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh, gồm:

1. Người bệnh có thời gian tham gia Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả kinh phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

2. Trường hợp dữ liệu thẻ Bảo hiểm y tế không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác về thông tin về thẻ Bảo hiểm y tế.

3. Trường hợp người bệnh không xuất trình được thẻ Bảo hiểm y tế trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức, tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.

Với những trường hợp này, Bảo hiểm xã hội nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp chịu trách nhiệm thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế theo mức hưởng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế.

Tăng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội với 4 nhóm đối tượng

Thông tư 10/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 15/8/2019 hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với 4 nhóm tượng, gồm:

- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng;

- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng;

- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/8/2000, Quyết định 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng;

- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Theo đó, lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ tháng 7/2019 của các đối tượng nêu trên sẽ tăng thêm 7,19% so với mức hướng tháng 6/2019. Cụ thể: Mức hưởng từ tháng 7/2019 = Mức hưởng tháng 6/2019 x 1,0719.

Trúc Diệp