Đầu vào thấp, trường phải có trách nhiệm đào tạo tốt
Bắt đầu từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền tự chủ cho các trường Đại học trong việc xác định điểm sàn xét tuyển, ngoại trừ nhóm ngành sư phạm.
Cần đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học |
Trên cơ sở đó nhiều trường đang hạ điểm sàn “kịch đáy” để tuyển sinh viên.
Điều này dấy lên sự lo ngại về chất lượng đào tạo giáo dục Đại học.
Dư luận đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là cách làm “vơ bèo vạt tép” bất chấp chất lượng đầu vào thấp?
Một số trường đang có điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển hệ Đại học chính quy ở mức 12- 14 điểm.
Chẳng hạn theo thông báo của Trường Đại học Bạc Liêu, mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển hệ Đại học chính quy theo điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia là 13 điểm. Riêng ngành Chăn nuôi và Bảo vệ thực vật là 12 điểm.
Đại học Đồng Tháp tăng điểm nhận hồ sơ lên 14 điểm thay cho mức điểm sàn công bố là 13 điểm.
Trong khi đó đề thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2019 được đánh giá có khoảng 60% kiến thức cơ bản.
Như vậy với mức điểm sàn từ 12-15 điểm rất khó để có chất lượng đầu vào tốt.
Thầy Dong lo ngại tình trạng tuyển sinh "vơ bèo vạt tép" đang diễn ra tại một số trường Đại học top dưới (Ảnh:Thùy Linh) |
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong cho biết: Nếu xét điểm vào Đại học mà lấy điểm thấp thì sẽ rất dở.
“Đại học là nơi đào tạo chuyên gia cho nên nếu lấy điểm xét tuyển thấp thì phải chấp nhận chất lượng đầu vào kém.
Môi trường Đại học là một mảnh đất ươm trồng tốt. Cho nên những trường Đại học tự chủ trước hết phải tự chủ được mặt học thuật.
Phải đảm bảo dạy tốt, có phương pháp, liệu trình điều chỉnh phù hợp với những thí sinh trường xét tuyển vào”.
Cũng theo Giáo sư Phạm Tất Dong: Đầu vào thấp hay cao không phải là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra.
“Điều quan trọng nhất các trường phải làm được đó là trong quá trình 4-5 năm học Đại học có thể biến sinh viên từ chỗ yếu kém trở thành giỏi được hay không.
Đầu vào chỉ là một phần, quan trọng hơn là môi trường Đại học có tốt hay không?
Nếu trường xét tuyển đầu vào thấp thì anh phải có trách nhiệm đào tạo tốt để đảm bảo đầu ra có chất lượng cao. Điều này phụ thuộc vào việc hướng dẫn học ở bậc Đại học”.
Nhiều trường Đại học có mức điểm xét tuyển rất thấp (12-15 điểm) (Ảnh: website Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên) |
Thầy Dong lo ngại: Năng lực trường kém lại vơ bèo vạt tép không thể nào có sản phẩm tốt được.
“Các trường Đại học lấy điểm thấp chủ yếu là những trường có năng lực kém. Vì năng lực của trường kém nên họ mới vơ bèo vạt tép lôi một lô những em có học lực, điểm thi kém vào.
Cho nên nếu như năng lực của trường đã kém mà lại những thí sinh kém vào thì không thể nào có sản phẩm tốt được.
Nhiều câu chuyện chứng minh, có những người học ở Phổ thông rất bình thường nhưng lên Đại học học trở nên giỏi và sau Đại học có người còn thành tài được.
Vì thế môi trường Đại học và sau Đại học rất quan trọng. Nếu môi trường Đại học và sau Đại học tốt thì vẫn có thể biến từ học sinh trung bình, yếu thành sinh viên xuất sắc.
Còn nếu như anh năng lực thấp mà lại nhận học sinh kém thì kiểu gì cũng ra phế phẩm chứ không thể ra chính phẩm được”.
Xét học bạ là một căn cứ chuẩn xác nhưng cần làm nghiêm túc, minh bạch
Bên cạnh việc lấy điểm sàn thấp, một số trường cũng đang có hình thức xét tuyển học bạ. Điều này diễn ra ngay cả với những trường Đại học top đầu.
Nếu điểm thi không cao, thí sinh đừng “bỏ tất trứng vào một giỏ” |
Đơn cử Học viện Tài Chính năm nay có tổng số 4200 chỉ tiêu và xét tuyển học bạ 2100 em (chiếm 50% tổng số chỉ tiêu).
Đánh giá về vấn đề này, Giáo sư Phạm Tất Dong cho biết: Việc xét tuyển bằng học bạ là một căn cứ chuẩn xác nhưng cần phải làm minh bạch, không có gian lận thì mới hiệu quả.
“Những trường top đầu họ rất tự tin vào năng lực của mình. Khi xét tuyển học bạ các trường sẽ đánh giá các môn họ đào tạo (khi học Đại học) thí sinh có đáp ứng yêu cầu của họ hay không.
Trong thời đại 4.0 hiện nay, nguyên tắc tuyển sinh viên: Trường tuyển sinh viên không đánh giá sinh viên đó đã được đào tạo như thế nào?
Mà đánh giá sinh viên có theo được điều kiện đào tạo của trường Đại học hay không?
Trước đây các trường chú trọng tuyển sinh viên đánh giá theo anh được đào tạo ra sao, bằng cấp như thế nào?
Nhưng hiện nay họ chú trọng việc sinh viên có thể theo được hệ thống đào tạo của trường và học tập suốt đời được hay không? Hai cái đấy khác nhau nhé!”.
Điểm sàn xét tuyển thấp kéo theo những lo ngại về chất lượng đào tạo giáo dục bậc Đại học (Ảnh: Trinh Phúc) |
Việc xét tuyển theo học bạ là một căn cứ chính xác nhưng cần phải làm nghiêm túc.
Thầy Dong nói: “Xét tuyển học bạ cũng chưa chắc đã chính xác. Bởi học bạ người ta có thể chữa một cách dễ dàng.
Nếu các trường học đã cố tinh chữa thì họ chữa được hết. Những cái khác nghiêm trọng hơn, tày đình hơn người ta còn chữa được nói gì đến học bạ.
Học bạ ở trong tay các trường họ có thể chữa một cách dễ dàng và không có ai giám sát.
Điểm thi còn có thể nhiều con mắt nhìn vào chứ học bạ thì ai nhìn được những cái đó. Chỉ có hội đồng giáo viên họ biết với nhau thôi.
Cho nên nếu học bạ trơn tru và không bị sửa thì căn cứ vào đó để xét tuyển sinh viên là một căn cứ chuẩn xác hơn so với điểm thi.
Nếu học bạ không bị sửa, các trường sẽ chỉ đánh giá một số môn họ yêu cầu có học lực khá giỏi còn những môn khác thấp cũng không quan trọng”.
Nói về nguyên nhân có tình trạng xét tuyển điểm sàn, điểm chuẩn thấp; xét tuyển học bạ ồ ạt.
Xét học bạ tuyển sinh là một căn cứ chính xác cần được làm minh bạch và công bằng (Ảnh:Kim Sơn) |
Giáo sư Phạm Tất Dong phân tích: “Nguyên nhân của tình trạng trên theo tôi xuất phát từ sự cạnh tranh. Rất nhiều trường nếu không vơ bèo vạt tép cho đủ chỉ tiêu thì họ khốn đốn.
Bây giờ mở ra rất nhiều trường Đại học. Việc cạnh tranh là cạnh tranh xem anh có kiếm được nhiều chỉ tiêu đào tạo hay không?
Nếu như anh thiếu chỉ tiêu thì bắt buộc phải tuyển cả học sinh có năng lực kém, điểm thi thấp.
Điều nguy hiểm nhất là đào tạo quá mức xã hội cần thiết khi đó sẽ xảy ra tình trạng cung nhiều hơn cầu.
Việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo Đại học nói riêng và ngành giáo dục nói chung”.