LTS: Cô Đinh Thu Hồng (Hong Dinh) là một chuyên gia của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tại Mỹ.
Cô là nhà giáo, hiện đang giải dạy bậc tiểu học tại Mỹ và cũng là một người mẹ. Sau khi nghe thông tin một em học sinh trường Gateway ở Hà Nội qua đời do bị để quên trên xe oto, cô Thu Hồng đã có bài viết chia sẻ.
Cô Thu Hồng hy vọng, bài viết này sẽ cung cấp đủ thông tin cho mọi người cùng tham khảo.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Chuyện cũng đã xảy ra rồi, quan trọng là những người liên đới rút ra được những bài học gì.
Ai cũng có lúc mắc lỗi và sai lầm, quan trọng là mình đã học được gì từ lỗi lầm ấy để không mắc lỗi tương tự một lần nữa. Tôi luôn nói với học trò như thế.
Đọc các bài báo tôi thấy mọi người nói về những cách dạy con xử lý khi bị nhốt trong xe, rồi luật về school bus bên Mỹ thế nào, thủ tục quy trình này nọ... Nhưng, chưa ai viết về YẾU TỐ CON NGƯỜI, về việc bố trí sắp xếp nhân sự, việc các trường học ở Mỹ điều động thầy cô và cán bộ trong trường thế nào để đảm bảo an toàn tối đa cho học sinh lúc đến và rời trường.
Quy trình có chặt chẽ đến mấy mà con người không làm được hay làm không tốt thì cũng không có giá trị gì.
Bên Mỹ, khi nói về cách đưa đón học sinh thì được chia ra thành những nhóm chính sau:
1. Walker/bike rider: đi bộ, đi xe đạp đến trường (có người đi cùng hoặc tự đi).
2. Car rider: bố mẹ đưa đón.
3. Bus rider: xe bus (school bus hoặc after care bus) đưa đón.
Xe bus đưa đón học sinh (Ành: tác giả cung cấp). |
Thầy cô nào cũng phải làm nhiệm vụ đón học sinh mỗi sáng hay tiễn mỗi buổi chiều giờ tan học. Tùy từng trường mà việc phân công nhiệm vụ lúc đi xe cho các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn ra sao.
Thường thì giáo viên chủ nhiệm phụ trách phía cửa ra vào lớp và khu vực hành lang ngay trước lớp. Các giáo viên môn phụ và bộ môn phụ trách phía ngoài cửa hay cổng trường và các khúc rẽ, khuất, hay lối lên xuống, đường/đoạn giao nhau/nối nhau giữa các toà nhà/khu vực trong trường.
Thường lúc đầu giờ sáng hay tan học, chỉ có 1-2 lối vào toà nhà, mỗi lối vào hay ra đều ít nhất có 2-3 giáo viên trở lên đứng làm nhiệm vụ.
Làm nhiệm vụ ở đây bao gồm: chào đón/tạm biệt, đảm bảo các em không chạy trong hành lang hay sân trường, hỏi han xem ngày học hôm đó của các em ra sao, có gì vui không, rồi đảm bảo học sinh đi đúng lối đúng làn của mình, không xô đẩy hay chơi đùa quá trớn...
Lúc đưa học sinh đi học
Khu vực cổng vào cho học sinh đi bộ vào trường có thầy cô đứng chào đón, chỉ đường.
Infographic: Dạy trẻ những kỹ năng này để thoát hiểm khi bị kẹt trên xe ô tô |
Nếu học sinh được bố mẹ đưa đón thì chắc chắn sẽ có thầy cô đứng sẵn phía lề đường làm nhiệm vụ mở cửa xe để các em bước xuống, đỡ các em xuống, giúp các em cầm túi hay đồ nặng...
Nếu học sinh đi xe do nhà trường đưa đón thì cũng có ít nhất 1-2 thầy cô đứng ngay chỗ xe bus thả học sinh, cầm danh sách học sinh để trò chuyện, trao đổi với lái xe xem hôm nay ai nghỉ ai đi.
Lúc các em học sinh được đón về dù đi bộ hay xe hay bus thì danh sách ai đón hết sức nghiêm ngặt.
Ngay trước khi năm học mới bắt đầu, các phụ huynh sẽ đến trường đăng ký (nếu là học sinh mới) hay thông báo nếu thay đổi về hình thức di chuyển (nếu là học sinh cũ). Phụ huynh phải liệt kê tên những ai được đón, quan hệ thế nào với học sinh, số điện thoại.
Nếu học sinh đi bộ, đi xe đạp đến trường (có người đi cùng hoặc tự đi) sẽ có thầy cô dõi theo, đi theo một đoạn
Học sinh có bố mẹ đưa đón thì mỗi xe có số riêng treo trên kính trước xe, lúc đến đón xếp hàng rồi thầy cô gọi theo số để học sinh đó ra.
Việc chuyển từ số sang gọi được tên học sinh ra đúng giờ, đúng lúc, trật tự quy củ là cả một quy trình được thiết lập chặt chẽ, với sự phối hợp của nhiều người.
Vì trung bình có khoảng 300-400 xe lúc giờ tan học, tùy quy mô và tính chất của từng trường. Sẽ có người mở cửa xe, dắt ra xe (nhất là học sinh bé).
Cũng có trường cô giáo dẫn ra ngay cổng, phụ huynh đậu xe ở bãi đậu của trường rồi đi bộ ra đón con.
Mỗi xe bus sẽ được phân loại theo màu của tuyến đi, theo số hay theo tên của điểm đến tùy mỗi học khu. Đây là cách di chuyển phổ biến nhất ở những trường công tại Mỹ.
Lái xe school bus cũng phải qua quá trình tuyển chọn ngặt nghèo của học khu như làm background check (kiểm tra hồ sơ cá nhân xem có phạm tội gì không), xét nghiệm máu và nước tiểu, lăn tay...
Nếu học sinh được đón sớm thì cũng được quy định rất kỹ. Phải thông báo lý do trước cho cô chủ nhiệm và phải đón trước ít nhất 45 phút đến 1 tiếng trước giờ tan học (dismissal time).
Bên trong xe bus đưa đón học sinh (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Tôi muốn nhấn mạnh yếu tố kết nối (personal connection) giữa thầy trò và giữa học sinh với những người làm trong trường học nói chung.
Thầy cô dạy trong trường thường thuộc tên thuộc mặt học sinh, nhất là học sinh trong khối mình dạy và những khối lân cận.
Sáng ra lúc làm nhiệm vụ là đã biết hôm đó ai nghỉ ai không, ai vui ai buồn, gia đình đang có chuyện gì...
Rồi ngay cả những người làm văn phòng trường, biết hết tên họ từng em, di chuyển thế nào, hoàn cảnh gia đình ra sao...
Thậm chí người lái xe school bus biết hết tên từng em trong tuyến của mình, nói chuyện thân tình với các em, kể chuyện rồi động viên rồi biết tính cách từng em học sinh...
Các em ngược lại cũng hay nói chuyện với thầy cô và các cán bộ, lái xe, biết ai mới đi ăn cưới, mới đi chơi đâu về...
Việc bạn nào đó nghỉ học mà đến chiều thầy cô mới biết hay cả ngày không phát hiện ra là điều không thể xảy ra.
Bởi, thầy cô phải điểm danh bằng máy tính mỗi đầu giờ sáng. Ai nghỉ hệ thống sẽ tự động gọi điện thoại báo cho bố mẹ.
Các thầy cô, nhân viên trong trường mỗi ngày gặp nhau nhiều lần ở nhiều chỗ khác nhau trong trường, phòng ăn, sân chơi, hành lang...
Trò chuyện hỏi han về học sinh của nhau, xem có ai nghỉ hay học hành ra sao, thái độ thế nào...Nhất là mấy ngày đầu sĩ số hay thay đổi, việc điểm danh cực kỳ quan trọng.
Lớp nào có học sinh nghỉ là văn phòng sẽ thông báo lý do cho thầy cô nếu biết lý do hoặc đốc thúc thầy cô liên lạc với gia đình xem tại sao lại nghỉ, luôn luôn như thế.
Mọi thay đổi về cách thức hay người đưa đón phải được thông báo trước với thầy cô chủ nhiệm và văn phòng. Nếu gọi điện cho cô không được (vì trong giờ học không được làm phiền thầy cô) thì để lại tin nhắn cho văn phòng.
Tôi đã viết về liên lạc giữa phụ huynh và giáo viên bên Mỹ trong cuốn sách “Học kiểu Mỹ tại nhà” của mình (sách có bán trên Tiki).
Cũng có khi xảy ra sự cố như nhầm lẫn: cô giáo thay vì để em học sinh có bố mẹ đưa đón của ngày hôm đó như phụ huynh dặn thì lại cho bạn ý đi xe bus như những ngày khác. Vì có những bạn học sinh vào những ngày nhất định sẽ đi xe bus của trường, còn lại là bố mẹ đưa đón.
Liên lạc và giao tiếp giữa phụ huynh và giáo viên tại Mỹ như thế nào? |
Hoặc bình thường học sinh tự đi học 1 hôm (ví dụ cả nhà đi chơi chẳng hạn) thì lại để danh sách bố mẹ đưa đón.
Thầy cô thì nhiều việc, nhiều khi nhận email hay điện thoại của phụ huynh từ sáng rồi đến chiều quên. Mỗi lần nhầm lẫn là phụ huynh sẽ cáu, bực. Rồi hiệu trưởng sẽ khiển trách giáo viên. Thường bất cứ thay đổi nào về phương tiện di chuyển thì phụ huynh bắt buộc phải thông báo cho văn phòng trường.
Cũng có lần tôi chứng kiến sự cố nặng hơn tại trường mình từng dạy, một em học sinh mẫu giáo mãi không thấy về nhà. Hôm đó cả trường lo lắng, tìm mọi cách điện thoại gọi khắp nơi mà không ai biết em đó ở đâu.
Mãi hơn 1 tiếng sau mới biết hóa ra bác đón về mà bị tắc đường, điện thoại của bác lại hết pin. Bác lại không báo cho bố mẹ bạn ý biết. Ai cũng hú hồn hú vía, nhất là cô giáo của bạn đó, mặt mũi thẫn thờ, rối bời.
Hôm đó cả trường sau khi học sinh ra về hết phải họp khẩn cấp để nhìn nhận lại sự việc.
Đưa đón trong ngày đầu tiên đi học
Trong ngày gặp gỡ thầy cô trước khi năm học mới bắt đầu, phụ huynh sẽ điền thông tin về việc đưa đón con.
Các thầy cô và toàn thể nhân viên trong trường hôm trước ngày học đầu tiên sẽ họp rất kỹ về việc đưa đón của học sinh được thực hiện ra sao, phải có tập huấn cho các giáo viên mới. Năm nào cũng như năm nào.
Mọi người cùng chung tay (All hands on deck) để ngày học đầu tiên ít sự cố nhất có thể. Ai biết rõ việc gì và tên tuổi học sinh, biết là học sinh cũ hay mới... hoặc bất cứ thông tin nào thì sẽ chia sẻ và xốc vác luôn bất cứ phần việc nào có thể.
Mục tiêu ngày đầu tiên của năm học chỉ đúng 2 điều đơn giản sau:
1. Đảm bảo cho các em ai cũng được ăn trưa và 2. Đảm bảo về nhà an toàn (We get them fed and make sure they get home safely).
Vì ngày đầu tiên chắc chắn mọi sự sẽ rối bời, bận rộn. Thế nên chỉ cần 2 mục tiêu quan trọng nhất ấy hoàn thành là ổn rồi.
Chúc các bạn nhỏ và các thầy cô một năm học mới nhiều niềm vui! Nếu muốn đọc thêm về cách các bạn nhỏ bên này thực tập đối phó với các tình huống khẩn cấp, xin vui lòng đọc sách Học kiểu Mỹ tại nhà.