Tình trạng thí sinh bị trượt đại học "oan" vì nhà trường cố tình nâng điểm chuẩn cao chót vót vì lượng thí sinh đăng ký không đủ để tổ chức đào tạo khiến thí sinh rơi vào hoàn cảnh dở khóc, dở cười.
Mới đây nhất là câu chuyện của thí sinh Nguyễn Minh Quân (19 tuổi, ở Nhơn Trạch, Đồng Nai).
Minh Quân được 22,3 điểm đăng lý vào khoa sư phạm Vật lý của Đại học Đồng Nai nhưng trường này lại có điểm chuẩn lên 24,7.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng, ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại. |
Với mức điểm chuẩn này không có bất cứ thí sinh nào đậu.
Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng cảm với thí sinh Minh Quân bị đánh trượt và mong muốn em có cơ hội để theo đuổi ước mơ đại học.
Trước vấn đề này, trao đổi phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ, trong điều kiện quá ít thí sinh trúng tuyển, không đủ số lượng để mở lớp và duy trì lớp học nên một số trường đã nâng điểm trúng tuyển lên cao để thí sinh được chuyển sang xét tuyển ở nguyện vọng tiếp theo hoặc tham gia xét tuyển đợt sau.
"Chúng tôi hiểu được có nhiều lý do dẫn đến cách lựa chọn của trường, chủ yếu là các trường phải cân đối từ nguồn học phí;
Tính toán đến hiệu quả của hoạt động đào tạo… Tuy nhiên, cách giải quyết trên vẫn chủ yếu xuất phát từ góc độ của cơ sở đào tạo.
Ở góc độ đảm bảo quyền của người học, do cách thức đó của các trường dẫn đến thí sinh có thể không trúng tuyển đợt 1 hoặc không trúng tuyển vào nguyện vọng mà các em ưu tiên chưa được tính đến một cách đầy đủ" - Bà Phụng phân tích.
Hôm nay (15/8) là hạn chót để thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học |
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng, trong điều kiện các trường tự chủ tuyển sinh, các thí sinh được tự do lựa chọn ngành học, nơi học thì việc “điều tiết” của Bộ phải dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Quy chế tuyển sinh không thể quy định các trường phải mở lớp khi có thí sinh đăng ký xét tuyển vượt điểm sàn của trường, không kể số lượng trúng tuyển là bao nhiêu;
Cũng không thể quy định việc Bộ Giáo dục và Đào tạo “điều tiết” các thí sinh trúng tuyển vào trường không đủ số lượng mở lớp sang trường khác, vì còn phải tính đến nguyện vọng, điều kiện, ý kiến của thí sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã định hướng cho các trường minh bạch thông tin cho thí sinh lựa chọn, khi phát sinh những tình huống không mong muốn thì cần thông qua bộ phận quản lý cơ sở dữ liệu để trao đổi với thí sinh, thống nhất cách lựa chọn mà cả hai bên đều có thể chấp nhận.
Đối với các thí sinh, Bộ có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho thí sinh đến những trường đang đào tạo ngành đăng ký học mà thí sinh đủ điểm trúng tuyển, nếu thí sinh lựa chọn và có đơn đề nghị gửi Bộ và gửi trường xin được xét tuyển...
Nếu thí sinh chỉ có một nguyện vọng hoặc đây là nguyện vọng cuối thì trường có thể thỏa thuận với thí sinh để chuyển sang ngành khác, đủ điểm trúng tuyển, tại trường.
Hoặc thí sinh xin vào cùng ngành đăng ký xét tuyển ở trường khác, nếu đủ điểm trúng tuyển. Bộ đồng ý cho trường khác đó được xét tuyển.
Nâng điểm chuẩn sư phạm cao để đánh rớt thí sinh- câu chuyện buồn lặp lại |
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết thêm, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký ngành học của trường khác mà đủ điểm trúng tuyển rồi gửi đơn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vụ Giáo dục Đại học sẽ trình lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển đơn đến trường để tuyển thí sinh.
Bộ có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho thí sinh đến những trường đang đào tạo ngành đăng ký học mà thí sinh đủ điểm trúng tuyển, nếu thí sinh lựa chọn và có đơn đề nghị gửi Bộ và gửi trường xin được xét tuyển...
Theo bà Phụng, trong toàn hệ thống, các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh như Trường Đại học Đồng Nai, Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh không nhiều.
Để kiểm soát được hiện tượng này, bên cạnh một số tác động như buộc các trường phải nâng cao chất lượng để thu hút thí sinh, buộc phải đánh giá nhu cầu của thị trường khi mở ngành;
Buộc phải khảo sát nhu cầu của thị trường và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi những ngành cũ giảm đi, ngành mới phát sinh… thì cũng cần tính đến các giải pháp hợp lý để đảm bảo quyền của thí sinh và quyền tự chủ của các trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tạo ra cơ chế đề các trường và thí sinh thực hiện.
Theo đó, hiện có những giải pháp đã và đang được thực hiện như công khai minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường, về tình hình tuyển sinh và đào tạo những năm trước để người học lựa chọn;
Và quy định chế tài nếu vi phạm đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 05 năm;
Nếu 05 năm không tuyển sinh thì bị đóng ngành; trao quyền tự chủ cho trường để trường phải tính toán đến nguồn lực đảm bảo hoạt động của nhà trường khi không có sinh viên theo học…
Có những giải pháp cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, đổi mới… để điều chỉnh pháp luật ngày càng hiệu quả hơn.