Có doanh nghiệp đạo đức kém, tìm mọi cách trốn đóng bảo hiểm của người lao động

23/10/2019 11:19
Trúc Diệp
(GDVN) - Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 25/6/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2019.

Ngày 15/8/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự.

Thực hiện pháp luật về bảo hiểm, trong 5 năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng chống tội phạm, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Bộ Luật Hình sự năm 2015 bổ sung 03 tội danh là tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tội gian lận bảo hiểm y tế; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Việc bổ sung này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn có nhiều quy định định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

Thực hiện kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41 của Quốc hội trong Tòa án nhân dân, để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự.

Nhằm thông tin sâu rộng Nghị quyết nêu trên đến các Thẩm phán và cán bộ, công chức Tòa án để nghiêm túc thực hiện; giới thiệu Nghị quyết đến các cơ quan, tổ chức và nhân dân để theo dõi, giám sát, Tòa án nhân dân tối cao công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự. (Thông tin cụ thể về Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP).

Còn nhiều doanh nghiệp tìm cách trốn bảo hiểm

Trong năm 2018, lực lượng thanh tra chuyên ngành đóng của Bảo hiểm xã hội các địa phương phát hiện nhiều trường hợp người lao động được chủ doanh nghiệp ký hợp đồng lao động mùa vụ 25 ngày nhiều lần liên tục trong 2 năm.

Sau khi hết hạn hợp đồng 2- 5 ngày, họ lại được ký tiếp “Hợp đồng lao động mùa vụ”. Hay như, thanh tra tại một doanh nghiệp khác, đoàn thanh tra phát hiện nhiều người lao động được ký họp đồng lao động một năm (từ 6/2017) nhưng chưa tham gia Bảo hiểm xã hội.

Theo hồ sơ doanh nghiệp cung cấp, đến tháng 12/2017 người lao động xin thôi việc nhưng đến tháng 4/2018 (3 tháng sau) lại được tiếp nhận vào làm việc với hợp đồng lao động mới và tham gia Bảo hiểm xã hội từ tháng 4/2018...

Ông Dương Quang Hớn - Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra (Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An) cho biết, trong quá trình thanh tra, các đoàn còn phát hiện nhiều doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động trong hợp đồng lao động (ngoài lương) là khoản trợ cấp sáng kiến, thưởng hoàn thành nhiệm vụ với mức tiền cố định hàng tháng theo từng chức danh công việc. Từ đó, các doanh nghiệp không đưa các khoản này làm căn cứ để tính đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế…

Tại nhiều doanh nghiệp, khi thanh tra mới phát hiện hàng chục người lao động chưa được tham gia Bảo hiểm xã hội; thậm chí hàng ngàn người lao động bị đóng thiếu thời gian, đóng thiếu mức tiền so với thực tế.

Lúc này, trách nhiệm của đoàn thanh tra là phải thu thập bằng chứng, tài liệu, đối chiếu quy định pháp luật mới có thể buộc doanh nghiệp thực hiện đúng. Đơn cử như thời gian qua Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An đã phát hiện 2.737 trường hợp người lao động bị doanh nghiệp đóng thiếu so với quy định và trên 500 trường hợp không tham gia…

Theo ông Nguyễn Trọng Nam - Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra (Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh), trước đây, “chiêu” mà các doanh nghiệp thường áp dụng là ký hợp đồng lao động thời hạn dưới 3 tháng.

Họ ký tối đa 2 hợp đồng rồi sau đó giấu đi, chỉ khi bất đắc dĩ mới phải cung cấp. Theo ông Nam, các doanh nghiệp thường có 3 loại hồ sơ (gồm hợp đồng lao động, bảng lương), trong đó một bộ để lưu hành trong nội bộ doanh nghiệp, giữa các cổ đông; một bộ để báo cáo cơ quan chức năng, ngân hàng và một bộ để dùng cho chính người lao động.

Tuy nhiên, từ 1/1/2018, “chiêu” ký 2 hợp đồng dưới 3 tháng sẽ không thể áp dụng, vì Luật Bảo hiểm xã hội quy định hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên phải đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động nên khả năng phát hiện doanh nghiệp gian lận sẽ cao hơn.

Theo đại diện Bảo hiểm xã hội một số tỉnh phía Nam, khi bị thanh tra, nhiều doanh nghiệp còn cố tình cung cấp hồ sơ không đúng thực tế (bảng lương, hợp đồng lao động, quy chế trả lương…) gây khó cho công tác thanh tra.

Thời gian gần đây, việc liên thông dữ liệu thuế hỗ trợ rất lớn cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc đối chiếu, kiểm tra các hành vi gian lận.

Trước đây, doanh nghiệp có thể báo cáo thuế thu nhập doanh nghiệp một đằng và đóng Bảo hiểm xã hội một nẻo. Nhiều doanh nghiệp khai báo thuế trả tiền lương, tiền công cho người lao động với số tiền vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng để làm chi phí khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng không đóng Bảo hiểm xã hội cho ai.

Nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã có dữ liệu của ngành Thuế để đối chiếu nên doanh nghiệp khó “lách” được, thậm chí bị chế tài xử lý vi phạm rất nặng.

Trúc Diệp