Bồi dưỡng thay sách, giáo viên chúng tôi có phải đóng vai học sinh nữa không?

17/08/2019 07:22
Phan Tuyết
(GDVN) - Trước thềm thay sách, chúng tôi cứ canh cánh một điều, đợt thay sách lần này, có còn áp dụng những tiết dạy đóng thế như thế này nữa không?

Những thầy cô giáo đủ mọi lứa tuổi, người mới vào nghề, người sắp về hưu thay nhau đóng vai những đứa học trò lớp 1, lớp 2 giả giọng, ngọng líu ngọng lo với những câu trả lời cố tỏ ra ngộ nghĩnh, ngây thơ và những trận cười không thể nhịn được là những hình ảnh xảy ra thường xuyên trong những buổi tập huấn ở các chương trình thay sách trước.

Gấp rút bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng chương trình mới (Ảnh VOV)
Gấp rút bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng chương trình mới (Ảnh VOV)

Thường thì sau khi báo cáo viên kết thúc buổi báo cáo phần lý thuyết của mình, họ sẽ ra bài tập thực hành bằng những tiết dạy trên lớp để đánh giá xem nội dung và phương pháp dạy học hiệu quả đến mức nào trong thực tế.

Giáo viên sẽ soạn bài và lên dạy một tiết học cụ thể của một bộ môn nào đấy do báo cáo viên lựa chọn.

Chỉ có điều, học sinh không phải là các em đang học ở khối lớp ấy mà là các thầy cô giáo đi học bồi dưỡng chương trình đóng thế.

Tiết dạy sẽ được diễn ra đúng trình tự vừa mới được tập huấn.

Người lên giảng bài cũng sẽ tổ chức các hoạt động dạy học y chang như dang dạy thật sự trên lớp.

Giáo viên sẽ đặt câu hỏi tìm nội dung, những câu chất vấn vì sao em biết? cũng ra bài tập, cũng chấm bài, sửa bài để đánh giá mức hiệu quả…

Giáo viên lúc này phải đóng vai là những đứa trẻ của từng lớp học theo yêu cầu.

Nhưng dù sao, những câu trả lời, những bài tập phần lớn là không thể nào đúng hơn thế nữa.

Một số thầy cô giáo muốn lớp học vui hơn và giúp giáo viên linh hoạt hơn trong tiết dạy đã cố tình tạo tình huống để thầy cô có cơ hội xử lý.

Bồi dưỡng thay sách, giáo viên chúng tôi có phải đóng vai học sinh nữa không? ảnh 2
Các địa phương chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đến đâu rồi?

Như việc trả lời sai, trả lời ngây ngô không biết gì hoặc là đặt ra một số câu hỏi để làm khó giáo viên.

Kết thúc phần thực hành tự giảng, cả lớp sẽ góp ý mặt ưu và những tồn tại.

Ai có thể chỉ ra tồn tại khi người học lại là những thầy cô giáo?

Thế là cơn mưa lời khen về nội dung truyền tải, về phương pháp dạy học được nêu ra.

Và chắc chắn, những lời khen đó sẽ được đề cập trong những báo cáo về hiệu quả triển khai.

Chỉ chắc chắn một điều rằng mang vào tiết dạy thực tế ở trường mà đối tượng học sinh khi ấy chính là các em học sinh nó lại chẳng thể “thuận buồm xuôi gió” như thế.

Không ít giáo viên gọi đây là những tiết dạy “đóng thế”.

Những tiết dạy đóng thế kiểu này đã tồn tại khá lâu rồi.

Vì thế, trước thềm thay sách, chúng tôi cứ canh cánh một điều, đợt thay sách lần này, có còn áp dụng những tiết dạy đóng thế như thế này nữa không?

Phan Tuyết