Như thông tin Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải ngày 16/8, Đại học Tôn Đức Thắng được xếp tốp 901- 1.000 của Academic Ranking of World Universities (viết tắt là ARWU) năm 2019.
Cùng với bảng xếp hạng THE, QS, ARWU là một trong ba bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới.
Trong đó, ARWU được đánh giá là khó nhất.
Với kết quả này, Đại học Tôn Đức Thắng là đại học của Việt Nam đầu tiên được xếp trong bảng này.
Đây là vinh dự lớn cho giáo dục Việt Nam cũng là một minh chứng cho thấy chủ trương giao quyền tự chủ đại học là một hướng đi đúng đắn của giáo dục nước ta.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đi tiên phong trong việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học. (Ảnh: TTXVN) |
Trước đó, ngày 1/8/2019, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, theo thống kê của Web of Science (là một dịch vụ lập chỉ mục trích dẫn khoa học quốc tế thuộc Viện Thông tin Khoa học (ISI, Institute for Scientific Information – Hoa Kỳ), tính từ ngày 1/8/2018 đến ngày 31/7/2019, Trường Đại học Tôn Đức Thắng dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế với 1.407 công trình trên các tạp chí hàng đầu thế giới thuộc danh mục ISI.
Cùng với những thành công về công bố quốc tế, trường này đã thành công vượt bậc nhiều mặt, từ giáo dục, khoa học công nghệ, đến quốc tế hóa, xếp hạng đại học và kiểm định trường học, kiểm định chương trình.
Được biết, đến nay trường đã được kiểm định bởi HCERES (Pháp), được kiểm định 4 chương trình giáo dục bởi AUN-QA (tổ chức kiểm định thuộc Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á).
Trong thời gian tới trường tiếp tục đặt mục tiêu đạt chuẩn bị kiểm định các chương trình còn lại bởi AUN-QA, ABET (Hoa Kỳ) và AACSB (Association to Advance Collegiate Schools of Business - Hiệp hội phát triển giảng dạy doanh thương bậc đại học (Hoa Kỳ).
Lần đầu tiên Việt Nam có trường lọt tốp 1.000 đại học uy tín |
Lý giải về thành công của trường Đại học Tôn Đức Thắng, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho rằng thành quả này có được do trường Tôn Đức Thắng thực hiện tự chủ đại học.
Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến, theo dõi trường Đại học Tôn Đức Thắng trong nhiều năm, đặc biệt trong khoảng 10 năm trở lại đây, cho thấy đây là trường đại học đi tiên phong trong việc thực hiện chủ trương tự chủ và cả trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.
Nghiêm túc và kiên định thực hiện các chủ trương này trường đã gặt hái được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, vượt xa nhiều trường đàn anh khác.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đã chỉ ra những thành quả thành quả mà trường Tôn Đức Thắng đạt được cụ thể, có tốc độ phát triển kỳ diệu cả về quy mô và chất lượng (thí dụ tổng số bài báo được công bố quốc tế dẫn đầu và chiếm 1/6 tổng số công bố quốc tế của khối trường-viện cả nước);
Cơ sở vật chất được gìn giữ và không ngừng phát triển; Đời sống giảng viên và viên chức không ngừng được cải thiện;
“Nói không quá, nếu bây giờ mà có một cuộc bình chọn cơ sở giáo dục đại học tiêu biểu cho thời kỳ đổi mới của đất nước ta những năm vừa qua, thì bất cứ ai, nếu đã có dịp đến thăm trường Đại học Tôn Đức Thắng một vài lần, đều không ngại ngần bỏ phiếu cho trường này ở vị trí đầu bảng” – Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Được biết, ngay từ những năm 2008 dù là trường công lập, nhưng ngược với toàn bộ các đại học công khác được Ngân sách nhà nước đầu tư như Luật giáo dục quy định, thì Đại học Tôn Đức Thắng tự chủ tài chính hoàn toàn, không nhận chi thường xuyên và chi đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tài sản của Nhà trường do Nhà trường làm ra từ nguồn tự tích lũy.
Đại Học Tôn Đức Thắng luôn nằm trong nhiều bảng xếp hạng uy tín thế giới: Về giáo dục và khoa học-công nghệ: có lượng học viên sau đại học hơn 1300 người; Được tổ chức kiểm định QS Star Ratings tái kiểm định và được xếp hạng 4 sao/5 sao. Trở thành thành viên liên kết mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục ASEAN; |