Cảm động cô học trò địu em trai trên lưng, vượt hơn 3 km để tới trường

18/08/2019 07:09
HOÀI MINH
(GDVN) - Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng hơn 1 năm qua, cô học trò Trình Thị Lan phải địu em trai trên lưng, đi bộ vượt hơn 3 km đường rừng để tới trường học.

Nhắc đến Trình Thị Lan, hầu như các thầy cô và học sinh tại điểm trường Làng Cổng (Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Đồn Đạc) đều biết, bởi Lan là tấm gương sáng về vượt khó trong học tập.

Trình Thị Lan năm nay 10 tuổi, người dân tộc Dao. Em sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo ở thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh).

Bố em Lan ốm đau liên miên, mọi công việc trong gia đình đều do một tay mẹ em gánh vác.

Để mẹ yên tâm đi làm mỗi ngày, Lan đã sớm phải cáng đáng việc nhà. Hàng ngày, Lan lo chuyện cơm nước, chăm bố và trông em (mới gần 2 tuổi).

Theo lời kể của cô giáo Nguyễn Việt Hà, giáo viên chủ nhiệm của Lan, mẹ em bảo bố đau ốm thế này, mỗi mình mẹ đi làm thuê, không có ai trông em nhỏ.

Vì thế, để giúp mẹ có thời gian kiếm tiền, Lan phải nghỉ học ở nhà nấu cơm, trông em giúp mẹ.

 Nghe cô giáo chủ nhiệm kể lại chính câu chuyện của mình, Lan rơm rớm nước mắt.

Mỗi ngày, Trình Thị Lan địu em trai trên lưng đi bộ hơn 3km tới trường (Ảnh: Hoài Minh)
Mỗi ngày, Trình Thị Lan địu em trai trên lưng đi bộ hơn 3km tới trường (Ảnh: Hoài Minh)

Cô Hà kể: Trình Thị Lan rất hiếu học, nhưng bố mẹ muốn em nghỉ học. Lan rất buồn, nhưng vì thương mẹ, nên em đành ở nhà chăm sóc em bé và phụ giúp người cha đau yếu dù rất muốn đến lớp, muốn được tiếp tục học.

 Tôi nhớ nhất câu hỏi của Lan “Em địu em bé đến trường học cùng có được không cô?”

Niềm đam mê học tập, mong mỏi được đến trường của Lan đã khiến cô Hà xúc động.

Hiểu được hoàn cảnh của em, cô Hà đã vận động những giáo viên khác trong trường ủng hộ gia đình em đồ dùng, quần áo và tiền mặt;

Đồng thời động viên bố mẹ cho Lan đến trường và báo cáo Ban giám hiệu nhà trường về nguyện vọng của em. Cô Hà cũng thường xuyên đến vận động gia đình cho Lan đến lớp.

Chị Trình Thị Lý, mẹ của Lan cũng muốn cho con đi học nhưng lại lo không có ai chăm em nhỏ, trong khi trường mầm non lại quá xa.

Với căn bệnh về thần kinh, bố của Lan không đủ điều kiện sức khỏe để đưa con nhỏ tới lớp học mầm non.

Nữ sinh dân tộc Mông mồ côi, vượt khó nuôi ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn
Nữ sinh dân tộc Mông mồ côi, vượt khó nuôi ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn

Giải pháp duy nhất cho việc này là Lan sẽ cõng em mình đến lớp học cùng, đợi đến lúc em bé cứng cáp hơn, gia đình sẽ tính chuyện cho bé đi trẻ.

Thương cô bé nghèo với quyết tâm đến trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Chẽ, Ban Giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Đồn Đạc 2, cùng cô giáo chủ nhiệm đã đồng ý với việc có thêm thành viên nhí 2 tuổi trong lớp học tại điểm trường Làng Cổng.

Từ nhà Lan đến điểm trường Làng Cổng là quãng đường dài hơn 3km, đường chỉ được trải bê tông chưa đến một nửa, còn lại là lối mòn lầy lội, gập ghềnh đá sỏi.

Đi một mình còn khó, Lan còn nhỏ, lại phải địu thêm cả em bé trên lưng, nhưng niềm vui được học khiến Lan quyết tâm đến trường, bất kể ngày mưa hay nắng.

“Em muốn được đến trường vì có các bạn, có thầy cô và được học. Sau này em muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho bố”, Lan chia sẻ.

Việc đưa em đến lớp học có khá nhiều bất tiện, nhưng được sự hỗ trợ của các thầy cô giáo và bạn bè, Trình Thị Lan đã cố gắng khắc phục. (Ảnh: Hoài Minh)
Việc đưa em đến lớp học có khá nhiều bất tiện, nhưng được sự hỗ trợ của các thầy cô giáo và bạn bè, Trình Thị Lan đã cố gắng khắc phục. (Ảnh: Hoài Minh)

Vượt qua những khó khăn, Lan luôn cố gắng để có được kết quả học tập tốt nhất.

Trong 4 năm học vừa qua em đều đạt danh hiệu học sinh hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học tập và rèn luyện.

Niềm vui và hạnh phúc của Lan trong năm học mới này là được thầy cô, nhà trường lo cho đầy đủ sách vở, bàn học tại gia đình từ nguồn kêu gọi, vận động giúp học sinh nghèo vượt khó.

Còn nữa, mẹ của Lan đã hứa sẽ sắp xếp công việc để đưa em trai Lan đi học vào buổi sáng mỗi ngày.

Có thể nói, ở nơi mà việc vận động học sinh ra lớp vẫn còn lắm gian nan như Ba Chẽ, việc những em nhỏ hiếu học như Trình Thị Lan vượt qua khó khăn đến trường và học giỏi đã trở thành tấm gương sáng về tinh thần hiếu học.

Lan được đến trường cũng cho thấy tấm lòng của các thầy cô và sự nỗ lực trong công tác vận động học sinh ra lớp ở địa bàn vùng khó.

HOÀI MINH