LTS: Quý vị độc giả đang theo dõi bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi. Không biết, mong ước của ông có trùng với chúng ta không?
Tòa soạn trân trọng giới thiệu 9 điều ước này với độc giả.
Chúng ta biết rằng, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Thời gian qua giáo dục Việt Nam đạt những thành tựu đáng khích lệ.
Trước thềm năm học mới 2019 – 2020, Bộ Giáo dục đề ra 9 nhóm nhiệm vụ để phát triển giáo dục, bản thân tôi là giáo viên lâu năm trong nghề cũng mạo muội đưa ra 9 điều ước để đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Điều ước 1: Cải cách sách giáo khoa
Chúng ta biết rằng, cải cách sách giáo khoa là một chủ trương đúng đắn để đưa giáo dục Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới.
Vì vậy, trong quá trình biên soạn, cần nghiên cứu thật kỹ để lựa chọn những kiến thức đưa vào sách giáo khoa phải thỏa mãn là mới ở hiện tại và không lạc hậu trong tương lai, tuổi đời của sách giáo khoa phải dài.
Theo tôi, một chương trình gọi là phù hợp với từng đối tượng học sinh thì mỗi bài học cần chia ra hai phần. Phần 1 là kiến thức cần đạt, phần 2 là kiến thức mở rộng và nâng cao.
Những học sinh trung bình và yếu chúng ta chỉ dạy phần 1, những học sinh khá giỏi ngoài phần 1 ta dạy thêm phần 2.
Khi đó, dư luận xã hội không thể lên án là quá tải hay non tải và học sinh cũng thấy rõ chỗ đứng của mình trong sách giáo khoa. Khi ra đề kiểm tra hay đề thi thì phần 1 chiếm 65% và phần 2 chiếm 35%.
Điều ước thứ 2: Không cho học sinh trung học cơ sở sử dụng máy tính cầm tay trong quá trình học
Hiện nay, học sinh quá lệ thuộc vào máy tính dẫn đến mất đi khả năng tư duy thao tác trong tính toán. Những phép toán đơn giản cũng dùng máy tính để tính và xem nó như là bảo bối.
Hôm nào, học các môn tự nhiên mà học sinh không mang máy tính thì loay hoay trông giống như gà bị mắc thóc vì tính bằng tay không được.
Lần cải cách này, tôi mong ước học sinh bậc trung học cơ sở không được dùng máy tính cầm tay.
Điều ước thứ 3: Không bắt buộc học sinh bậc trung học phổ thông học chứng chỉ nghề phổ thông
Hiện nay, học sinh học nghề là lấy bằng để bổ sung vào khâu xét tốt nghiệp trung học phổ thông, còn học nghề phổ thông chẳng có tác dụng gì chỉ tốn thời gian và vô bổ.
Phân luồng 30% Trung học cơ sở đi học nghề, trở ngại lớn nhất là ...phụ huynh |
Xét tốt nghiệp thì học sinh yếu và trung bình mới cần bằng nghề để khỏi trượt, còn học sinh khá giỏi thì không cần. Do đó, tôi mong muốn học nghề không bắt buộc, học sinh nào cần thì học còn không thì thôi.
Trong tương lai gần, Bộ cần tính phương án giải tán các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề vì không còn phù hợp trong thời đại 4.0.
Điều ước thứ 4: Không còn bạo lực học đường
Bạo lực học đường gây nhức nhối cho toàn xã hội, nguyên nhân dẫn đến bạo lực rất nhiều. Một mình nhà trường không làm nổi mà phải có sự kết hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Muốn vậy, tôi mong ước Bộ Giáo dục kết hợp với các bộ liên biên soạn những tài liệu để tuyên truyền đến từng gia đình và từng trường học; về phía nhà trường hiệu trưởng thường xuyên có bài nói chuyện để ngăn chặn bạo lực học đường.
Về phía gia đình và xã hội thì chính quyền địa phương thường xuyên đẩy mạnh phong trào gia đình văn hóa, khu phố văn hóa bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.
Điều ước thứ 5: Sắp xếp lại hệ thống trường chuyên
Hiện nay, hệ thống trường chuyên được phát triển rất rầm rộ; tỉnh nào cũng có trường chuyên, thậm chí một số tỉnh có đến hai trường chuyên.
Ngân sách dành cho trường chuyên gấp nhiều lần so với trường phổ thông, học trường chuyên với mục đích vào đại học là quá tầm thường.
Khi vào đại học học sinh chuyên và không chuyên lại học như nhau hóa ra ta đang “đẽo cày” giữa đường.
Hàng năm, chúng ta có rất nhiều giải Quốc gia và Quốc tế nhưng chỉ tập trung vào một số trường chuyên nổi tiếng.
Trường chuyên chỉ toàn thấy...lợi bất cập hại |
Chính vì vậy, tôi mong ước sắp xếp lại hệ thống trường chuyên, cả nước chỉ cần thành lập 6 trường chuyên là hợp lý.
Các trường chuyên được quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục (miền Bắc thành lập 2 trường, miền Trung và Tây Nguyên thành lập 2 trường và miền Nam thành lập 2 trường).
Mỗi trường một năm chỉ tuyển khoảng 200 học sinh, học sinh muốn vào trường chuyên thì phải thi tuyển qua nhiều vòng, học trường chuyên được nhà nước nuôi và cấp hỏng bổng. Giáo viên dạy học trường chuyên cũng được tuyển chọn kỹ lưỡng.
Bộ Giáo dục cần có một bộ sách giáo khoa cho trường chuyên, những môn khoa học tự nhiên dạy học bằng tiếng anh Bộ cần thành lập những trường đại học đặc thù để tiếp quản những học sinh này hoặc cho đi du học; nếu làm được như vậy thì trong vòng từ 10 đến 20 năm Việt Nam có đội ngũ tài giỏi trên khắp mọi lĩnh vực.
Điều ước thứ 6: Sắp xếp lại các trường đại học
Hiện nay, chúng ta có rất nhiều trường đại học, mỗi trường đại học lại tuyển sinh quá nhiều, dùng nhiều chiêu thức để tuyển cho đủ số lượng.
Đào tạo như vậy dẫn đến “vàng, thau” lẫn lộn và hệ quả sinh viên ra trường thì không tìm được việc làm đành phải đi làm công nhân.
Nếu giao quyền tự chủ cho các trường đại học thì quy mô đào tạo còn tăng lên bất ngờ và dĩ nhiên lượng sinh viên thất nghiệp tiếp tục tăng; đồng thời học phí cứ thế lại tăng theo từng năm dẫn đến con nhà thu nhập thấp và trung bình không có cơ hội được vào đại học.
Qua theo dõi, một số trường đại học tuyển sinh đầu vào với điểm chuẩn quá thấp thì chất lượng đào tạo làm sao tốt được.
Theo tôi, đào tạo đại học là lĩnh vực chuyên sâu, nên tuyển chọn những học sinh thật sự giỏi và số lượng hạn chế.
Do đó, tôi mong ước sắp xếp và để lại khoảng 150 trường đại học, số còn lại đóng cửa hoặc chuyển sang trường đại học với mục đích đào tạo nghề.
Ngành nghề đào tạo phải đạt chuẩn của khu vực và thế giới, cam kết đầu ra để phụ huynh yên tâm khi cho con vào học.
Mỗi người khi tốt nghiệp đại học thì có một quá trình học tiếng anh và tin học từ lớp 6 cho đến đại học, nếu đòi chứng chỉ tin học và ngoại ngữ khi đi xin việc thì mâu thuẫn trong nội tại của nó.
Điều ước thứ 7: Bổ nhiệm hiệu trưởng bằng con đường tranh cử
Hiện nay, ai được bổ nhiệm hiệu trưởng thì làm miệt mài cho đến khi về hưu, làm lâu như vậy dẫn đến lạm quyền và độc đoán.
Đà Nẵng thi tuyển Hiệu trưởng |
Tôi mong ước Bộ Giáo dục nghiên cứu chuyển hiệu trưởng từ công chức sang viên chức và quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng bằng con đường tranh cử.
Nhiệm kỳ mỗi hiệu trưởng là 5 năm, hết nhiệm kỳ mà muốn tiếp tục làm thì phải ra tranh cử tiếp, nếu thắng thì làm còn thua thì thôi.
Hàng năm, cấp trên xuống khảo sát để thăm dò mức độ tín nhiệm của hội đồng sư phạm đối với hiệu trưởng, đồng thời xem xét những cam kết khi tranh cử thực hiện có đúng không. Khi đó, tình trạng lạm quyền, chia bè kết cánh, nâng đỡ người này và trù dập người kia sẽ không còn.
Điều ước thứ 8: Thăng hạng chức danh giáo viên
Từ khi Bộ Giáo dục biên soạn thông tư để xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên. Đến thời điểm này, địa phương nào cũng mở lớp bồi dưỡng để cấp chứng chỉ cho giáo viên. Qua theo dõi, tôi chưa thấy các địa phương nào xét thăng hạng cho giáo viên bậc trung học phổ thông.
Vì vậy, tôi mong muốn Bộ Giáo dục tác động các địa phương lập hội đồng xét thăng hạng phải cho giáo viên, thông tư ra rồi, chứng chỉ học xong rồi mà thăng hạng thì chờ đến bao giờ?
Điều ước thứ 9: Không còn tình trạng lạm thu trong trường học
Cứ vào năm học mới, báo chí lại đưa tin về tình trạng lạm thu lại của một số trường học. Nguyên nhân dẫn đến lạm thu thì nhiều lý do mà hiệu trưởng tìm cách tạo ra.
Để không còn tình trạng lạm thu, tôi mong ước Bộ Giáo dục và ủy ban nhân nhân tỉnh ra văn bản chỉ rõ khoản nào được thu và khoản nào không được thu; mức thu mỗi khoản là bao nhiêu cũng ghi rõ.
Ví dụ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể nên trả về cho phường xã thu, nhà trường chỉ thu học phí và những khoảng phục vụ cho học sinh.