Ngày 20/8, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Rào cản phát triển giáo dục tư thục, từ nhận thức đến cơ chế chính sách”.
Đến dự buổi Hội thảo có bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí;
Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An;
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Ông Đào Hồng Cường, Vụ phó Vụ pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Tiến sĩ Đặng Minh Chưởng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Giáo dục Minh Sang;
Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở và Trung học phổ thông Marie Curie Hà Nội;
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội;
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm –Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội;
Thạc sĩ, nhà giáo ưu tú Trần Hữu Hy, Nguyên Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An;
Thầy Hoàng Hữu Niềm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kinh Đô, Hà Nội;
Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội).
Hội thảo về chủ đề “Rào cản phát triển giáo dục tư thục, từ nhận thức đến cơ chế chính sách" ngõ hầu làm rõ những kỳ thị còn rơi rớt từ nhận thức, chính sách, cơ chế và thực tiễn triển khai, để góp ý cho các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách giáo dục (ảnh Vũ Ninh). |
Phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Ngày 3/6/2017, thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngày 16/5/2019, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cho biết:
"Hôm qua tôi có nói: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân.
Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa. Nhà nước cũng thế, không phải nhà nước tất cả cái gì đều tốt. Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát…”
Nghệ An đấu giá đất trường các cô phải quỳ là thực thi pháp luật chưa chuẩn |
Phát triển giáo dục tư thục, kêu gọi và tạo điều kiện để khối tư nhân đầu tư vào phát triển giáo dục đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội VIII và được thể chế hóa rõ ràng trong Luật Giáo dục 1998 - lần đầu tiên công nhận chế độ đa sở hữu đối với các cơ sở giáo dục, bao gồm công lập, bán công, dân lập và tư thục. Đây là một bước nhảy vọt về nhận thức và chính sách.
Từ đó đến nay Đảng và Nhà nước có khá nhiều chính sách thúc đẩy giáo dục tư thục phát triển, nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi.
Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 đánh giá:
Tổng các nguồn lực của xã hội thu hút vào khối ngoài công lập còn rất thấp so với tiềm năng.
Đến nay, ở các địa phương đều có loại hình giáo dục đào tạo ngoài công lập với 2.955 cơ sở (chiếm 6,68% trong tổng số 44.228 cơ sở giáo dục đào tạo của cả nước);
1,35 triệu học sinh, sinh viên (chiếm 6% trong tổng số 22,5 triệu học sinh, sinh viên cả nước); tạo ra gần 100 nghìn việc làm cho nhà giáo, người lao động.
Phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước về chống kỳ thị đối với kinh tế tư nhân gợi mở vấn đề, phải chăng chính sự kỳ thị còn rơi rớt đối với giáo dục tư thục đang là rào cản lớn nhất của việc triển khai các chủ trương, chính sách xã hội hóa giáo dục?
Tiến sĩ Đặng Minh Chưởng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Giáo dục Minh Sang chia sẻ câu chuyện thực hiện đầu tư dự án trường mầm non Tuổi thơ Thanh Chương, Nghệ An - nơi có vụ việc cô giáo quỳ để giữ trường tại Hội thảo (ảnh Vũ Ninh). |
Vì vậy, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo về chủ đề “Rào cản phát triển giáo dục tư thục, từ nhận thức đến cơ chế chính sách", ngõ hầu làm rõ những kỳ thị còn rơi rớt từ nhận thức, chính sách, cơ chế và thực tiễn triển khai, để góp ý cho các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách giáo dục thực hiện thắng lợi chủ trương xã hội hóa giáo dục, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.