Ngành y tế quyết tâm giảm tối đa rác thải nhựa

17/08/2019 06:09
Diệu Linh
(GDVN) - Nội dung này một lần nữa được Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định tại hội nghị trực tuyến tới 63 điểm cầu cả nước của ngành y tế được tổ chức vào ngày 16/8.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; ông Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp Hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bà Sitara Syed - Quyền trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam; Ông Ki Dong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt nam; Nghệ sĩ ưu tú Chiều Xuân, Đại sứ Phong trào chống chất thải nhựa.

Đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam; Y tế các Bộ, Ngành; Đại diện một số trường Đại học, công ty Dược, trang thiết bị y tế; các đơn vị cung cấp sản phẩm thân thiện môi trường; Đại diện các Tổ chức quốc tế gồm có Chương trình phát triển liên hiệp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chương trình môi trường liên hiệp quốc (UNEP), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tại Việt Nam, tổ chức JICA, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự tham dự của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường và đại diện các Sở, Ban, ngành liên quan; Công Đoàn Ngành Y tế tỉnh, thành phố; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh, thành phố; các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện; Một số công ty sản xuất cung cấp dược phẩm, trang thiết bị y tế, đơn vị cung cấp sản phẩm thân thiện môi trường trên địa bàn tỉnh, thành phố và các cơ quan báo đài của địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã gửi văn bản số 161/LĐCP kêu gọi các tổ chức chính trị, các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và toàn dân chung sức giải quyết vấn đề chất thải nhựa.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân các cơ sở y tế cũng làm phát sinh chất thải nhựa. Chất thải nhựa trong y tế phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và người sử dụng dịch vụ y tế và từ các hoạt động chuyên môn y tế như  từ bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế.

Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân. Theo báo cáo nhanh từ một số bệnh viện, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa (khoảng 22 tấn/ngày).

Chất thải nhựa là vấn đề có tính toàn cầu, nguy cơ ảnh hưởng sinh thái môi trường, phát triển bền vững và sức khỏe con người. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và cộng đồng.

Vì vậy, để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa nói chung cũng như giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giảm thiểu chất thải nhựa trong Ngành Y tế” nhằm phổ biến triển khai Chỉ thị 08/CT-BYT tới tất cả các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương trên cả nước; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế, tạo sự đồng thuận tham gia của người bệnh, người nhà người bệnh, các cấp, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, ngày 29/7/2019, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong Ngành Y tế. Đồng thời, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể và bước đầu thu được kết quả tích cực.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Trần Hồng Hà thăm khu trưng bày các sả phẩm thay thế sản phẩm nhựa.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Trần Hồng Hà thăm khu trưng bày các sả phẩm thay thế sản phẩm nhựa.

Thông qua hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo đứng đầu các cơ quan, đơn vị ngành Y tế ở Trung ương và tại 63 tỉnh/TP trên cả nước tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân,... phát động thi đua, khen thưởng, phát hiện và biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa;

2. Rà soát, đánh giá nguồn phát sinh, số lượng, chủng loại chất thải nhựa, xây dựng kế hoạch kèm theo lộ trình cụ thể thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị đảm bảo hiệu quả, khả thi và đạt chất lượng dịch vụ y tế;

3. Tiến hành nghiên cứu, áp dụng các giải  pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong Ngành Y tế;

4. Bố trí nguồn lực hợp lý đảm bảo để thực hiện kế hoạch đề ra;

5. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và báo cáo kịp thời kết quả thực hiện Chỉ thị về Sở Y tế, Bộ Y tế.

Bà Sitara Syed, Quyền trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Bà Sitara Syed, Quyền trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Ngành Y tế “dừng sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa 1 lần có thể thay thế được ngay từ hôm nay” góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Tại hội nghị, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cùng với phát triển kinh tế của đất nước, lượng chất thải y tế phát sinh ngày một gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp, trong đó có một lượng không nhỏ là chất thải nhựa.

Lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế khoảng 600 tấn/ngày, trong đó có khoảng 10% là chất thải y tế nguy hại ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương do số lượng cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng các sản phẩm dùng một lần trong y tế tăng cao...

Chất thải nhựa trong y tế phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và người sử dụng dịch vụ y tế, và từ các hoạt động chuyên môn y tế như từ bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế.

Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nếu các loại chất thải nhựa này không được kiểm soát tốt sẽ đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật thủy sinh, động vật biển, làm ô nhiễm môi trường, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội…

Hội nghị cũng được nghe phổ biến Chỉ thị số 08/CT-BYT của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế đến các địa phương.

Tại hội nghị trực tuyến điểm cầu của Bộ Y tế đã diễn ra lễ ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa giữa Bộ trưởng Bộ Y tế với giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K và Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội.

Cùng thời gian với điểm cầu Trung ương, tại các điểm cầu 63 tỉnh, thành cũng diễn ra lễ ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa giữa Giám đốc Sở Y tế với giám đốc các bệnh viện trực thuộc ngành.

Diệu Linh