Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa cho phép nhưng Trường Đại học Đông Đô vẫn ngang nhiên tuyển sinh, đào tạo, cấp văn bằng 2.
Việc diễn ra trong một thời gian dài vậy kỷ cương phép nước đi đâu?
Trách nhiệm quản lý Nhà nước của Thanh tra Bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đến đâu khi sai phạm này xảy ra?
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức. Ảnh: VOV |
Liên quan đến vấn đề này, báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến từ Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh: “Thực tế từ vụ việc của Trường Đại học Đông Đô đào tạo"chui" văn bằng 2 cho thấy quản lý của ngành giáo dục đang còn rất nhiều lỗ hổng.
Nó cho thấy những người có trách nhiệm quản lý ở đây tinh thần trách nhiệm chưa cao”.
Trường Đại học Đông Đô tuyển sinh công khai trong khi việc đào tạo, cấp văn bằng 2 chưa được Bộ cho phép cho thấy Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không thể hiện được vai trò của đơn vị này.
“Rõ ràng, việc Đông Đô xin hoãn thanh tra thì Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải hỏi rất kỹ bằng văn bản về lý do hoãn thanh tra.
Trường chuyển địa điểm thì có tiếp tục hoạt động không? Việc trường Đông Đô chuyển địa điểm không quan trọng bằng việc có hoạt động hay không? Trường vẫn có hoạt động thì vẫn phải thanh tra theo quy định.
Người làm công tác quản lý phải nhạy cảm về việc lý do họ hoãn thanh tra như vậy có đủ thuyết phục không?”, ông Chức nêu quan điểm.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, vụ việc của Trường Đại học Đông Đô là một trường hợp cụ thể. Còn rộng hơn là quản lý giáo dục còn rất nhiều vấn đề.
Ngành giáo dục đang "ôm" làm sự nghiệp giáo dục không chuyên tâm vào quản lý giáo dục. Nên hễ có sự vụ gì trong giáo dục xảy ra thì chúng ta lại thấy có lỗ hổng rất lớn trong quản lý giáo dục.
“Bộ Giáo dục không có nhiệm vụ là đi dạy học mà hãy để các trường làm việc đó. Bộ, Sở hãy là nơi quản lý sự dạy và sự học bằng cách giám sát, kiểm tra thường xuyên. Kiểm tra chứ không phải “hành”.
Nếu thanh tra theo kiểu “thanh tra, thanh mẹ, thanh gì” thì khó mà phát hiện vi phạm được? Thậm chí đơn vị được thanh tra lại yên tâm tiếp tục vi phạm vì “đã qua đợt thanh tra rồi”! Đó là việc rất nguy hiểm”, Tiến sĩ Chức nói.
Ông quan ngại: “Đông Đô là trường hợp vi phạm đã được phát hiện, tôi lo là không chỉ Đông Đô mà còn có những trường chưa bị phát hiện vì những lỗ hổng trong quản lý".
Vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu một thực tế, chuyện bằng giả, bằng rởm hiện nay được tiếp thị đến từng người dân một cách khá dễ dàng.
Người học văn bằng 2 ở Trường Đại học Đông Đô còn có vẻ học, trong đó có người học thật. Nhưng có nhiều người chả học ngày nào cũng có bằng.
“Thậm chí, đến tôi – một vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội còn được người ta nhắn tin tiếp thi mua bằng giả từ cao đẳng đến đại học. Thực sự, đó là điều cực kỳ nguy hiểm.
Bộ Giáo dục chưa bao giờ cho phép trường Đông Đô đào tạo bất kỳ văn bằng 2 nào |
Từ vụ việc của Đông Đô, tôi muốn nhấn lại một lần nữa là công tác quản lý giáo dục và đào tạo đang có rất nhiều vấn đề”, ông nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 19/7/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại trường Đại học Đông Đô.
Ngày 30/7/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với 4 bị can.
Trong số 4 bị can bị khởi tố, có ông Dương Văn Hòa, sinh năm 1983, trú tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, là Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô.
Sau khi vi phạm ở Trường Đại học Đông Đô bị phát giác, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phát đi thông tin nhấn mạnh, Bộ chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của Trường Đại học Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo văn bằng 2.
Từ năm 2016 đến năm 2018, Trường Đại học Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.
Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ Giáo dục và Đại học của trường không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2.
Do Trường Đại học Đông Đô không gửi hồ sơ xin phép đào tạo văn bằng 2, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không yêu cầu trường báo cáo (theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT).
Triển khai kế hoạch thanh tra 2018, Bộ đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh năm 2018 của Trường Đại học Đông Đô (Quyết định 80/QĐ-TTr ngày 19/9/2018).
Tuy nhiên, Trường Đại học Đông Đô đã có văn bản đề nghị hoãn thanh tra, lý do trường đưa ra là thời điểm đó trường chuyển trụ sở, toàn bộ hồ sơ giấy tờ đều đã đóng gói niêm phong. (1)
Tài liệu tham khảo:
1/ https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-chua-bao-gio-cho-phep-truong-dong-do-dao-tao-bat-ky-van-bang-2-nao-post201594.gd