Mô hình đào tạo kiểu nối tiếp sẽ giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên

22/08/2019 06:26
Thùy Linh
(GDVN) - Với mô hình đào tạo giáo viên như hiện nay sẽ khó giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên cũng như không tạo ra được tính ổn định cho nhân lực ngành này.

Việt Nam đã và đang trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, trong đó đã xác định: “Quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trường, cơ sở dạy nghề đảm bảo phù hợp yêu cầu phát triển và điều kiện từng vùng, miền trên cả nước”. 

Điều này cho thấy, thực hiện điều này sẽ có ảnh hưởng đến đào tạo nguồn nhân lực có cơ cấu hợp lý nói chung cho cả nước và trong đó cần có sự đổi mới đối với đào tạo nhân lực ngành sư phạm.

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, công tác đào tạo giáo viên cũng đã trải qua nhiều cuộc cải cách nhưng công cuộc cải cách nào giúp các quốc gia trên thế giới đào tạo giáo viên ổn định bởi sự thích ứng và điều tiết cung cầu của nền kinh tế thị trường thì công cuộc cải cách đó được xem là thành công.

Hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên Việt nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc cung cấp nguồn nhân lực sư phạm đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục của đất nước. 

Tuy nhiên, nếu xem xét việc đào tạo nhân lực ngành sư phạm theo tiếp cận đáp ứng nhu cầu thị trường như vậy cho thấy công tác đào tạo giáo viên vẫn gặp nhiều thách thức từ năm 1986, khi Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cho tới nay. Điều này được thể hiện rõ khi mà tình trạng thừa thiếu giáo viên luôn được đề cập trong nhiều năm qua.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, với mô hình đào tạo giáo viên như hiện nay sẽ khó giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên cũng như không tạo ra được tính ổn định cho nhân lực ngành này. (Ảnh minh họa: Giáo dục thời đại)
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, với mô hình đào tạo giáo viên như hiện nay sẽ khó giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên cũng như không tạo ra được tính ổn định cho nhân lực ngành này. (Ảnh minh họa: Giáo dục thời đại)

Trước thực tế này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy (Vụ giáo dục đại học – Bộ giáo dục và Đào tạo) đã có phân tích tính hiệu quả của công tác đào tạo giáo viên theo tiếp cận nhu cầu thị trường để đề xuất những lựa chọn chính sách phù hợp cho công tác đào tạo này.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy chỉ rõ, tình trạng thừa thiếu giáo viên cũng như đào tạo nhân lực sư phạm chưa hiệu quả có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. 

Đó là, do công tác quy hoạch, dự báo của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả, nên nhiều địa phương tuyển dụng không đúng số lượng, cơ cấu đội ngũ dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ; việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập…

Việc chuyển đổi mô hình trường lớp bán công (không còn mô hình trường bán công) đã dẫn đến việc tuyển dụng giáo viên ở các trường lớp bán công vào các trường công lập tăng lên, nhiều nơi tuyển dụng vào các trường công lập nhiều hơn chỉ tiêu biên chế được giao.

Rồi tình trạng dân số cơ học tăng nhanh tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới tăng trường lớp, tăng số lượng giáo viên; 

Trong khi đó, đối với các vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, do đặc điểm đặc thù có nhiều điểm trường lẻ, sĩ số học sinh trong một lớp ít trong khi các lớp học này vẫn cần đảm bảo đủ giáo viên theo quy định.

Những con số nổi bật của giáo dục đại học Việt Nam
Những con số nổi bật của giáo dục đại học Việt Nam 

Rõ ràng, những nguyên nhân này xuất phát từ các chính sách tuyển dụng, sử dụng giáo viên chưa hiệu quả.

Có những nơi cần giáo viên thì không có biên chế để tuyển, có những nơi khác thừa giáo viên thì không biết điều chuyển như thế nào để phù hợp, hiệu quả. 

Điều này cho thấy cần sự điều chỉnh các chính sách vĩ mô của Nhà nước đối với công tác này. Bên cạnh đó, vấn đề có ảnh hưởng quan trọng đến công tác này là vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay.

Nhân lực ngành sư phạm có những đặc thù so với các ngành nghề khác. Quy mô đào tạo cũng là một trong các đặc thù đó. Quy mô đào tạo giáo viên thường sẽ thay đổi sau một giai đoạn nào đó do những nguyên nhân như: giáo viên về hưu, sự thay đổi quy mô dân số, đổi mới giáo dục và đào tạo…

Điều này được thấy ở nhiều thời điểm hoặc giai đoạn khác nhau, đào tạo giáo viên là thừa hoặc rất thừa nhưng ở nhiều thời điểm hoặc giai đoạn khác đào tạo giáo viên lại thiếu hoặc rất thiếu. 

Theo đó, vấn đề đặt ra là nếu Nhà nước muốn tuyển dụng giáo viên để bù đắp số lượng giáo viên thiếu thì Nhà nước cần có các công cụ và dữ liệu để dự báo số lượng giáo viên thiếu trong giai đoạn nhất định nào đó để đào tạo mới hay đào tạo lại hay bồi dưỡng thay thế… 

Ngược lại, ở một giai đoạn khác nếu xác định được số lượng giáo viên thừa, Nhà nước cần có chính sách để giảm số lượng giáo viên ở giai đoạn này nhưng các chính sách của Nhà nước vẫn phải đảm bảo đến khi cần giáo viên, các địa phương vẫn sẵn sàng để tuyển được.

Rõ ràng câu chuyện này liên quan đến mô hình đào tạo giáo viên như thế nào để Nhà nước có thể thiết kế được các chính sách điều tiết vĩ mô giúp cho nhân lực ngành sư phạm được ổn định. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy dẫn chứng, ba mô hình đã được triển khai đào tạo giáo viên ở Việt Nam cho thấy:

Thứ nhất, đào tạo giáo viên theo phương thức truyền thống (mô hình khép kín) là vừa đào tạo khoa học cơ bản/chuyên ngành vừa đào tạo sư phạm (mô hình song song) được thực hiện 4 năm (trình độ cử nhân đại học) hoặc 3 năm (trình độ cử nhân cao đẳng). Tất cả các trường sư phạm đều thực hiện theo mô hình này.

Nếu đào tạo giáo viên theo kiểu khép kín như vậy thì cần xem xét theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước để đáp ứng nhu cầu giáo viên cho các trường công lập ở các địa phương hoặc nhu cầu các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục khác. 

Giáo sư Trần Hồng Quân: Các trườnng sư phạm nên theo hướng đa ngành nghề
Giáo sư Trần Hồng Quân: Các trườnng sư phạm nên theo hướng đa ngành nghề

Theo đó, mỗi đơn đặt hàng đào tạo giáo viên như vậy, ngoài các yêu cầu về chất lượng nhân lực được đào tạo cần có sự phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. 

Tuy nhiên, việc tuyển dụng giáo viên hiện nay ở các địa phương do sở hoặc phòng Nội vụ đảm nhiệm theo các quy định hiện hành về phân cấp trong khi sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo và các cơ sở giáo dục lại là các đơn vị quản lý, sử dụng giáo viên. 

Như vậy, đào tạo sư phạm theo mô hình khép kín trong bối cảnh hiện nay không hiệu quả. 

Hơn nữa, nếu đào tạo giáo viên theo mô hình này, khi ở một giai đoạn nào đó thừa giáo viên theo những sự biến động của xã hội thì sẽ rất khó giúp cho giáo viên có thể chuyển đổi nghề nghiệp dễ dàng. 

Ngoài ra, nếu áp dụng mô hình đào tạo này, các trường đại học chỉ đào tạo giáo viên sẽ khó khăn khi ở giai đoạn thừa giáo viên, đơn hàng của Nhà nước cũng như các cơ sở giáo dục tư nhân giảm đi trong khi các trường đại học này vẫn phải duy trì đội ngũ giảng viên để sẵn sàng thích ứng khi nhu cầu đào tạo sư phạm lại tăng lên bởi sự biến đổi không ngừng của kinh tế xã hội.

Thứ hai, đào tạo giáo viên theo mô hình nối tiếp gồm giai đoạn đào tạo về khoa học cơ bản, chuyên ngành và sau đó là giai đoạn đào tạo nghề sư phạm.

Mô hình này có thể thực hiện theo hình thức áp dụng đối với thí sinh theo học ngành sư phạm và cũng có thể áp dụng đối với sinh viên theo học hoặc tốt nghiệp các ngành khác nhưng có nhu cầu được đào tạo nghề sư phạm.

Nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức… đã lựa chọn mô hình này để đào tạo giáo viên bởi tính mềm dẻo và hiệu quả mà nó đem lại.

Với mô hình đào tạo này, khi nhu cầu giáo viên thiếu, việc tuyển dụng thêm giáo viên có thể nhanh chóng được đáp ứng bởi những người khác ngoài ngành sư phạm có thể học thêm phần kiến thức về nghề sư phạm trong chương trình đào tạo giáo viên, thực hành nghề sư phạm và được công nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền thì có thể trở thành giáo viên.

Cùng với đó, khi nhu cầu giáo viên giảm, những người đang theo học các chương trình giáo viên hoặc những người đã trở thành giáo viên có thể chuyển đổi nghề nghiệp nhanh chóng bởi họ đã được trang bị kiến thức nền tảng từ các ngành khoa học khác khi họ học theo mô hình nối tiếp.

Điều này cũng sẽ giúp các cơ sở đào tạo giáo viên thu hút được sinh viên giỏi cũng như giúp sinh viên sư phạm có khả năng thích ứng cao với nhu cầu xã hội đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng hay sử dụng nhân lực ngành sư phạm. 

Nếu lựa chọn mô hình đào tạo này, các trường đại học đào tạo giáo viên hoàn toàn có thể thích ứng được với sự thay đổi và phát triển không ngừng của kinh tế xã hội.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp có 5 góp ý để đào tạo giáo viên
Giáo sư Lâm Quang Thiệp có 5 góp ý để đào tạo giáo viên

Khi nhu cầu đào tạo giáo viên giảm xuống, giảng viên ở các trường này vẫn tham gia đào tạo các ngành khác và khi nhu cầu đào tạo giáo viên tăng lên thì các trường này chỉ cần có chính sách điều tiết để những giảng viên có đủ năng lực chuyển sang đào tạo giáo viên mà không nhất thiết phải tuyển mới.

Thứ ba, mô hình đào tạo liên thông (Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm; Cao đẳng sư phạm lên Đại học sư phạm), thường theo hình thức vừa học vừa làm. Phương thức này góp phần rất lớn trong việc chuẩn hoá hoặc nâng cao trình độ đào tạo của giáo viên nhưng cũng chính là nguyên nhân chính của việc nhiều giáo viên có năng lực không tương xứng với trình độ đào tạo. 

Với mô hình này chỉ giải quyết được bài toán thiếu giáo viên nhưng lại không đem lại chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc giáo dục, dạy học.

Bên cạnh đó, những người học nâng chuẩn theo các chương trình này cũng chưa được sát hạch hay công nhận đủ điều kiện để trở thành giáo viên ở các trình độ cao hơn hay các loại giáo viên thiếu khác.

Điều dễ dàng nhận thấy là Nhà nước đóng vai trò chính, quan trọng đối với giáo dục mầm non, phổ thông nhưng các bên liên quan, các yếu tố ảnh hưởng không chỉ xuất phát từ Nhà nước mà từ tất cả các thành phần trong xã hội, các thành phần khác ngoài Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. 

Theo đó, nhu cầu của giáo dục cũng sẽ tăng giảm hay phải thích ứng với mọi sự thay đổi sẽ kéo theo sự cần thiết phải thích ứng của nhân lực ngành sư phạm.

Tuy nhiên, các mô hình đào tạo giáo viên ở Việt Nam hiện nay phần lớn theo mô hình khép kín. Việc đào tạo giáo viên theo mô hình nối tiếp cũng đã được áp dụng nhưng việc áp dụng chưa đúng bản chất và hiệu quả mang lại chưa cao.

Do đó, mô hình đào tạo giáo viên ở Việt Nam hiện nay chưa mềm dẻo và chưa thích ứng được với sự thay đổi liên tục của nhu cầu thị trường theo sự phát triển kinh tế xã hội, khi mà Việt nam đã chuyển đổi sang cơ chế thị trường từ năm 1986. 

Qua phân tích một số mô hình đào tạo giáo viên ở Việt Nam cũng như thực tiễn đào tạo giáo viên ở một số nước trên thế giới, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng mô hình đào tạo giáo viên cần thay đổi để đảm bảo hiệu quả hơn.

Bởi lẽ, với mô hình đào tạo giáo viên như hiện nay sẽ khó giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên cũng như không tạo ra được tính ổn định cho nhân lực ngành sư phạm trong những năm sắp tới.

Việc lựa chọn mô hình đào tạo giáo viên theo kiểu nối tiếp được xem là mô hình ưu việt hơn cả trong bối cảnh nhân lực ngành sư phạm luôn biến động theo các giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước.

Mô hình này có thể giúp giải bài toán đào tạo thừa hay thiếu giáo viên bằng một hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên hiệu quả, mang tính ổn định và bền vững. 

Tuy nhiên, việc lựa chọn mô hình này cũng cần những thay đổi đối với chính sách đi cùng như: đổi mới tuyển sinh, chương trình đào tạo sư phạm, phân công, phân cấp quyền tuyển dụng, sử dụng giáo viên, công tác dự báo nhân lực ngành sư phạm, chính sách sát hạch để trở thành giáo viên chính thức, chính sách thăng tiến hay phát triển nghề nghiệp của giáo viên…

Bên cạnh đó, lựa chọn mô hình khép kín vẫn có thể thực hiện nhưng chỉ nên giới hạn ở một tỷ lệ nào đó mà Nhà nước cần phải xác định được sự cần thiết của nó.

Thùy Linh