LTS: Thẳng thắn cho rằng, có thể coi “diễn” vào ngày này khai giảng là “diễn” báo cáo buổi “chung kết” một cuộc thi, thầy Thạch Lam Giang đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nếu nói chuyện thi giáo viên giỏi là thi “diễn” thì chuyện khai giảng cũng có khai giảng “diễn”.
Nhiều người cho rằng đó là khai giảng thật vì cũng có lớp lang, có trình tự một buổi lễ nghiêm trang, chu đáo từ đầu tới cuối.
Xin thưa, tất cả đều là “diễn” và có “nhuần nhuyễn” được như vậy vì cả trường đã “tập khai giảng” gần hai tuần nay.
Cứ nhìn vào những gương mặt của các em học sinh không còn vẻ háo hức, mong chờ, những ánh nhìn có vẻ mệt mỏi là đủ biết các buổi “tập khai giảng” đã tốn hao sức lực các em như thế nào.
Buổi lễ khai giảng năm học mới của học sinh (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Cũng như khâu văn nghệ chuyện khai giảng muốn tiến hành suôn sẻ, đúng thời gian, mọi tiết mục đều ăn khớp với chương trình, không muốn trục trặc kỹ thuật thì phải tập đi tập lại, chừng nào “nhuyễn như cháo” mới thôi.
Đó là cả hàng trăm học sinh chạy tới chạy lui dưới nắng, theo hiệu lệnh của thầy phụ trách để xếp hàng cho đúng vị trí lớp mình…
Đó là hàng trăm học sinh lớp đầu cấp, trên tay cầm lá cờ nhỏ sẽ được hướng dẫn phần đón tiếp học sinh mới như thế nào.
Các em phải cười tươi ra sao, tay vẫy vẫy thế nào, đi cách quãng bao nhiêu, qua khán đài thì ngẩng đầu lên như thế nào…
Đó là các giáo viên chủ nhiệm phải đứng ở vị trí nào, nhắc nhở học sinh lớp mình ra sao… Cả thầy và trò hôm nào cũng mồ hôi nhễ nhại, cố gắng làm đúng theo yêu cầu của ban tổ chức…
Thầy hiệu trưởng cùng mấy thầy cô trong ban giám hiệu thỉnh thoảng ra xem xét, chỉ đạo phải đi như thế này, phải vẫy cờ như thế kia…mới sinh động.
Hà Nội yêu cầu ngày khai trường phải thực sự là ngày hội của học sinh |
Ngày khai giảng đã đến. Có thể coi “diễn” vào ngày này là “diễn” báo cáo buổi “chung kết” một cuộc thi.
Tất cả vào hàng ngũ chỉnh tề, vị trí của ai nấy đứng, không chen lấn vì đã tập xong theo sơ đồ của mấy ngày trước.
Đối với người ngoài, các đại biểu là chưa biết trình tự các tiết mục, còn học sinh đã “nắm chắc” tất cả diễn biến buổi lễ khai giảng.
Rồi giáo viên dẫn chương trình ra đọc như một cái máy cài sẵn chương trình… Sau mỗi tiết mục là tiếng vỗ tay vang lên (vỗ tay cũng phải quy định thống nhất trước) chứ không phải muốn vỗ sao thì vỗ.
Rồi lần lượt các tiết mục trôi qua. Đến giữa chừng thì ngưng lại để xem văn nghệ thư giãn… Xong vài ba tiết mục văn nghệ, buổi lễ lại tiếp tục theo trình tự có sẵn…
Phía dưới lúc này trời nắng cao nên các em hơi ồn ào vì nắng…Buổi “diễn” khai giảng cứ từ từ đi về phần kết thúc và tiếng vỗ tay vang dậy khi tất cả được… giải thoát.