Ngày 23/7, Bộ trưởng Công thương - ông Trần Tuấn Anh cùng ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và đại diện nhiều bộ ngành, Bí thư tỉnh uỷ Thái Bình – ông Nguyễn Hồng Diên có buổi làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 để bàn cách "giải cứu” dự án này.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 khởi công từ tháng 10/2011 có tổng mức đầu tư hơn 41 nghìn tỷ đồng, sau khi hoàn thành, đi vào vận hành thương mại sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia mỗi năm khoảng 7,8 tỷ kWh, có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, đến nay tiến độ tổng thể đạt hơn 84%, nhưng đang đối mặt với nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ, do vướng mắc trong cơ chế cấp vốn.
Bộ trưởng Công thương thị sát tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. |
Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Công thương đánh giá, đây là thời điểm quan trọng với dự án, với hệ thống điện quốc gia, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng để tháo gỡ cho PVN và ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 để có hướng xử lý hiệu quả, đảm bảo thành công dự án và nguồn điện quốc gia.
“Bộ Công thương sẽ có báo cáo Thủ tướng về tình hình khó khăn của dự án, kiến nghị cơ chế chính sách xử lý. Không thể xử lý hết hệ lụy một sớm một chiều nhưng cũng phải đảm bảo bảo toàn vốn nhà nước, đưa dự án vào hoạt động”, Bộ trưởng cho biết.
Báo cáo về tiến độ dự án, ông Nguyễn Ngọc Hải - Trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cho biết, dự kiến dự án sẽ phát điện vào năm 2020, hiện nghiệm thu vốn đầu tư giải ngân 32 nghìn tỷ đồng, tiến độ đạt trên 84%, thiết kế đạt trên 90%, mua sắm trên 95%...
Tiếp tục chậm tiến độ sẽ thiệt hại lớn ở Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 |
Tuy nhiên, do dòng tiền chậm nên đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ dự án. Nhân sự tại công trường cũng ngày càng giảm, từ chỗ có 800 người giờ chỉ còn 300-400 người.
Nhiều cán bộ kỹ thuật bỏ đi, dự án còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế tổng thầu trong nước, quá trình triển khai xảy ra nhiều bất cập…
Đáng lưu ý, theo ông Hải, dự án cũng đang gặp nhiều khó khăn liên quan tới vấn đề tài chính.
“Tập đoàn đã giải ngân đến năm 2018. Năm 2019, PVN đang đề xuất, xử lý nhưng tiền vẫn chưa về. Những gì chủ đầu tư làm được đã làm hết rồi, tổng thầu thì rất khó khăn, nhân sự bỏ đi nhiều, thưởng chậm, những người có kinh nghiệm không còn nhiều. Chúng tôi mong muốn có nguồn lực để thực hiện dự án trong bối cảnh năng lực ngày càng yếu đi, dòng tiền mất cân đối, ngoài tầm xử lý của chủ đầu tư”, ông Hải thông tin.
Đại diện Tổng thầu EPC, ông Nguyễn Đình Thế - Tổng giám đốc PVC cũng nhắc tới những vướng mắc trong dòng tiền thực hiện dự án. “Phần xây dựng bằng tiền Việt đã thực hiện 80%, giải ngân 84%. Trong quá trình thực hiện đã phải dùng nguồn khác bù vào, trong đó có cả tiền tổng thầu tự chi ra, thậm chí còn nhiều hơn tiền từ chủ đầu tư giải ngân.
Nhiều khoản chưa giải ngân được do chưa có hướng dẫn, do sợ trách nhiệm quản lý. Nhiều khoản dở dang, nếu xử lý được thì dự án có thể đẩy tiến độ lên ngay được. Nguồn tài chính do đơn vị tự bỏ tiền ra từ vay ngân hàng, vốn chủ sở hữu… Nhưng do tái cơ cấu các đơn vị, hầu hết các đơn vị thua lỗ, nhiều dự án có vướng mắc nên tổng thầu không có nguồn bổ sung.
Tập đoàn và công ty đã kiến nghị cần có gói khẩn cấp để xử lý, cái gì quyết toán được thì quyết toán, giải quyết dòng tiền cho các đơn vị”, ông Thế đề xuất.
Tại cuộc họp, ông Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch PVN cũng bày tỏ: “Dự án hiện có vô vàn khó khăn. Trong quá trình làm, tổng thầu PVC có nhiều sai phạm hình sự, bị khởi tố, bắt bớ cả người của tập đoàn và tổng thầu... Các tổ chức tài chính cắt tín dụng, dự án không thể vay được nữa.
PVC đến giờ thực sự là tan nát vì dính rất nhiều dự án khác, bắt bớ liên tục không còn người để mà làm. Nhưng nếu Nhiệt điện Thái Bình 2 thay tổng thầu thì còn nguy hiểm hơn, bởi ai sẽ làm? Bản chất hiện nay Tập đoàn trực tiếp vào cuộc, chỉ đạo, vận hành mọi vấn đề từ con người, vốn… PVN đã lên kế hoạch triển khai tiếp khi có tiền”.
Chủ tịch PVN thẳng thắn nêu ra khó khăn: “Làm gì cũng phải có tiền. Nếu không có quyết sách sớm thì dự án đóng cửa sớm. Không có tiền không thanh toán được lương, không trả được cho nhà cung cấp... Anh em hoang mang, nhiều cán bộ đã bỏ đi. 32.000 tỷ đồng nằm chềnh ềnh ra đây. Đau xót và lo lắng vô cùng.
Các bộ ngành cứ chần chừ, không quyết sách cụ thể. Một ngày chậm, phải trả lãi ngân hàng hơn 6 tỷ đồng với các khoản đã vay. Trong khi đó, có câu hỏi đặt ra: Dự án làm tiếp hay không làm tiếp thực sự đã khiến cả hệ thống hoang mang”.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 chậm về đich do vướng mắc cơ chế sử dụng vốn. ảnh: KV. |
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công thương đánh giá, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cân đối cung cầu điện.
Nếu đảm bảo giải ngân chặt chẽ, đúng tiến độ thì đây là giải pháp quan trọng nhất để bảo toàn vốn đầu tư nhà nước cho những công trình điện quan trọng. Bộ Công thương đề nghị các bộ gửi ý kiến để Bộ tổng hợp trình Thủ tướng, thường trực Chính phủ dựa trên các đề xuất của PVN.
Bộ trưởng Công thương đề nghị Bộ tài chính tạo thuận lợi gia hạn các khoản vay nước ngoài phục vụ dự án, đồng thời yêu cầu: “PVN cũng cần chịu trách nhiệm các phương án để tổ chức quản lý, triển khai... đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án, đảm bảo năng lực tổng thầu, quản trị dự án, các hợp đồng với các nhà thầu khác khi đề xuất được thông qua.
PVN phải có phương án ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các nhà thầu khi nhà máy chạy thử và đi vào vận hành, kiện toàn lại PVC nhằm trách những hệ luỵ từ các dự án khác, ràng buộc trách nhiệm của PVC với nguồn vốn tăng thêm”.