Nhiều địa phương đã dừng dạy chương trình VNEN nhưng vẫn bắt giáo viên theo VNEN

27/08/2019 06:34
THANH AN
(GDVN) - Người dạy chương trình VNEN theo VNEN thì đã đành nhưng những trường, những giáo viên đang dạy sách giáo khoa năm 2000 cớ gì lại bắt họ phải làm theo VNEN?

Sau một số năm ồ ạt mở rộng quy mô áp dụng chương trình VNEN ở cấp tiểu học và trung học cơ sở thì 2 năm nay nhiều địa phương đã không mở rộng thêm, thậm chí nhiều địa phương chủ trương bỏ VNEN để trở lại chương trình, sách giáo khoa năm 2000.

Tuy nhiên, điều mà giáo viên cảm thấy bóng dáng của VNEN vẫn tồn tại hiện hữu trong các chỉ đạo của ngành. Việc triển khai chuyên môn vẫn đang lấy mô hình trường học mới làm kim chỉ nam cho đổi mới giáo dục. 

Học sinh học chương trình VNEN ( Ảnh minh họa: TTXVN)
Học sinh học chương trình VNEN ( Ảnh minh họa: TTXVN)

Nói thật, chương trình VNEN, sách VNEN đã khiến cho nhiều giáo viên, phụ huynh chán ngán và vấn đề này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, đặt nhiều câu hỏi cho Bộ Giáo dục.

Nhiều địa phương cũng đem ra mổ xẻ những ưu điểm, hạn chế tại các cuộc họp của Hội đồng nhân dân tỉnh. Và, chúng ta đã thấy nhiều địa phương đã phải dừng VNEN như là một quy luật tất yếu.

Những trường còn dạy chương trình VNEN bây giờ không nhiều và giáo viên vẫn thường xuyên lên tiếng về vấn đề này.

Không chỉ sách giáo khoa đắt gấp nhiều lần sách giáo khoa hiện hành mà trong quá trình giảng dạy thì rất khó triển khai các hoạt động dạy học do sĩ số đông. Nhiều trường vừa dạy cả chương trình hiện hành và VNEN lẫn nhau.

Sách giáo khoa thì cũng không có trọn bộ, một số môn vẫn dạy chương trình hiện hành gây nên những khó khăn cho cả người dạy, người học.

Điều mà nhiều giáo viên chúng tôi bất ngờ là trong năm học này thì những chỉ đạo của ngành giáo dục vẫn yêu cầu soạn giáo án theo 5 bước của VNEN. Đó là: Khởi động; Hình thành kiến thức; Luyện tập; Vận dụng; Tìm tòi mở rộng.

Nhiều địa phương đã dừng dạy chương trình VNEN nhưng vẫn bắt giáo viên theo VNEN ảnh 2VNEN đang được "phục hoạt" trong chương trình mới như thế nào?

Trong rất nhiều đợt tập huấn đổi mới dạy học thì giáo viên chúng tôi vẫn đang được hướng tới “hồn cốt” của VNEN và lãnh đạo ngành giáo dục nói đó là ưu điểm nên ngành kế thừa.

Nếu chỉ kế thừa thì chỉ nên lấy những cái gì tinh túy nhất nhưng đằng này đang kế thừa một cách máy móc và có phần phi khoa học.

Những bài viết sách giáo khoa hiện nay được các tác giả viết theo kiểu tích hợp và có liên hệ chặt chẽ giữa các bài và phân môn với nhau.

Nhưng, mấy năm nay thì ngành giáo dục triển khai bắt buộc phải dạy học theo chủ đề. Vì thế, các tổ chuyên môn trong các nhà trường phải xây dựng một số chủ đề cho từng môn học.

Chính vì chủ trương là vậy nên giáo viên bắt buộc phải "ép" một số bài học lại với nhau để thành một chủ đề.

Chẳng hạn như môn Ngữ văn đang được viết theo kiểu tích hợp các bài với nhau giữa 3 phân môn là Tiếng Việt, Tập làm văn và Văn bản văn học. Nhưng, bây giờ dạy theo chủ đề thì chỉ có thể dạy theo từng chủ đề của từng phân môn.

Vô tình, phá vỡ mối quan hệ chặt chẽ đã có từng bài trong chương trình sách Ngữ văn hiện hành.

Trong các tiết thao giảng chuyên đề của Hội đồng bộ môn, trong các tiết thi giáo viên giỏi các cấp thì giáo viên đều phải tuần tự thực hiện theo 5 bước của chương trình VNEN.

Người xây dựng chuyên đề, người chấm thi đều là thành viên Hội đồng bộ môn và lãnh đạo các nhà trường. Họ đều xây dựng theo định hướng của VNEN và bắt buộc các tổ chuyên môn, các giáo viên phải thực hiện theo cách dạy của VNEN.

Nhiều địa phương đã dừng dạy chương trình VNEN nhưng vẫn bắt giáo viên theo VNEN ảnh 3Chương trình, sách giáo khoa mới đang đi theo vết xe đổ VNEN?

Các trường học hiện nay còn bắt các tổ chuyên môn và giáo viên phải đăng ký và tham gia các hoạt động chuyên môn trên website Trường học kết nối để sinh hoạt chuyên môn và đưa các bài giảng, các chủ đề lên trang này theo quy định.

Trong khi, VNEN đã bị phản đối mạnh mẽ trong các năm gần đây và dẫn đến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải buông bỏ không dám triển khai công khai nữa. Bộ chỉ khuyến khích địa phương nào có “đủ điều kiện” thì duy trì chứ không ép buộc như trước.

Nhiều trường học sau một vài năm thực hiện thí điểm cũng phải kê bàn ghế lại cho học sinh học chương trình sách giáo khoa năm 2000.

Như vậy, thực tế đã chứng minh VNEN không được giáo viên, phụ huynh và học sinh đón nhận và tất nhiên cũng không đạt được kỳ vọng như những gì lãnh đạo dự án đã nói khi mới bắt đầu thực hiện. Nhưng, tại sao lãnh đạo ngành giáo dục vẫn luyến tiếc VNEN mà bắt giáo viên mãi đi theo VNEN để làm gì?

Giáo viên là người trực tiếp thực hiện giảng dạy nhưng cũng là người có quyền hạn thấp nhất và họ đương nhiên phải thực hiện theo sự chỉ đạo của lãnh đạo của ngành.

Song, có nhất thiết giáo viên phải thực hiện “đồng phục” soạn giáo án theo 5 bước của VNEN hay không?

Người dạy sách VNEN theo VNEN thì đã đành nhưng những trường, những giáo viên đang dạy sách giáo khoa năm 2000 thì cớ gì lại bắt họ phải làm theo VNEN? Sự chỉ đạo tréo ngoe này đang làm khó giáo viên của mình?

Phải chăng ngành giáo dục đang muốn áp dụng, "kế thừa" chương trình VNEN vào chương trình giáo dục phổ thông mới nên đang có những bước tạo đà cần thiết cho giáo viên?

THANH AN