Đại học Huế vừa có báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2018-2019 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2019-2020 trong đó có đề ra nhiều mục tiêu quan trọng.
Đại học Huế sẽ ưu tiên mở các ngành, chuyên ngành thích ứng với cuộc cách mạng 4.0. |
Trong năm học 2018-2019, Đại học Huế đã tiến hành rà soát, tái cấu trúc ngành nghề đào tạo của các đơn vị thành viên, Phân hiệu, Khoa trực thuộc.
Trong đó, ban hành quyết định mở 19 ngành đào tạo mới, dừng tuyển sinh và đào tạo 4 ngành cao đẳng, 18 ngành đào tạo đại học không tổ chức đào tạo vì không có người học.
Bên cạnh những thành tích đạt được thì Đại học Huế cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Điển hình như tình trạng mất cân đối trong tuyển sinh và đào tạo, những ngành mới mở đang có sự thu hút đối với xã hội thì đội ngũ giảng viên cơ hữu mỏng.
Đại học Huế tuyển 1.196 chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả học bạ |
Ngược lại, những ngành truyền thống, có thế mạnh về cán bộ cơ hữu trình độ cao gặp khó khăn trong việc tuyển sinh.
Tuyển sinh nhiều ngành còn gặp khó khăn như các đơn vị thành viên: Đại học Khoa học, Sư phạm, Nông lâm, Nghệ thuật, Phân hiệu, Giáo dục thể chất…
Tình trạng mất cân đối trong tuyển sinh năm 2019 vẫn chưa được cải thiện.
Theo đánh giá thì việc triển khai thực hiện lộ trình tự chủ đại học, tự chủ tài chính ở Đại học Huế còn chậm và lúng túng do Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành văn bản hướng dẫn.
Về đường hướng phát triển trong năm học 2019-2020, Đại học Huế sẽ tiến hành sắp xếp, cơ cấu lại ngành nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước, thu hút người học, phát huy thế mạnh của Đại học Huế định hướng đại học nghiên cứu và ứng dụng.
Ngoài ra, sẽ tạm dừng và xoá tên các ngành, chuyên ngành đào tạo không còn trong danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV, không tuyển sinh được trong 3 năm, không đảm bảo đội ngũ cán bộ cơ hữu theo quy định...
Mở các ngành, chuyên ngành, liên ngành mới, thí điểm, đáp ứng nhu cầu xã hội, có tính liên thông, tạo điều kiện cho sinh viên học liên thông hoặc học cùng lúc 2 văn bằng.
Ưu tiên mở các ngành, chuyên ngành thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối khối, an toàn thông tin mạng, mật mã, điều khiển, tự động hóa, robotics, năng lượng xanh;
Quy hoạch không gian và đô thị; hệ thống cấu trúc kinh tế xã hội và thiên nhiên; vật lý, thiên văn và vũ trụ; quản lý điều hành, sức khỏe…