Trường học tại Quảng Ninh đang “nói không với rác thải nhựa”

01/09/2019 07:09
HẰNG NGẦN
(GDVN) - Các trường học tại tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể để hiện thực hóa phong trào “nói không với rác thải nhựa”, góp phần bảo vệ môi trường.

Trong giờ ra chơi những ngày cuối tháng 8/2019 tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), các em học sinh đã được cô giáo hướng dẫn bọc vở bằng giấy gói quà thay cho bọc nilon như những năm trước.

Những đôi tay nhỏ nhắn, xinh xắn của các em nhỏ khéo léo miết từng mép giấy trong tâm trạng hào hứng.

Thi thoảng, sau khi bọc xong một cuốn vở, các em lại vui vẻ khoe với nhau thành quả của mình.

Khi chúng tôi trò chuyện với các em, thật bất ngờ vì các em đều hiểu được ý nghĩa của hoạt động này.

Giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm hướng dẫn học sinh bọc vở bằng giấy gói quà (Ảnh: Hằng Ngần)
Giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm hướng dẫn học sinh bọc vở bằng giấy gói quà (Ảnh: Hằng Ngần)

Em Đinh Trung Hiếu, học sinh lớp 4A1 hào hứng cho biết: “Được tham gia hoạt động ngày hôm nay, chúng em ai nấy đều rất vui.

Ở nhà, năm nay mẹ em cũng bọc vở cho em bằng giấy gói quà, vì giấy thì phân hủy dễ dàng trong thời gian ngắn chứ nilon thì không thể tự phân hủy được”.

Được biết, hàng ngày, cùng với các hoạt động học tập, học sinh của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cũng được học và thực hành các quy định phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ và bỏ rác đúng nơi quy định.

Đồng thời, các em học sinh tham gia nhặt rác toàn trường vào chiều Thứ 6 hàng tuần.

Tại Trường Mầm non Hoa Lan (phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long), các cô giáo đã tận dụng những loại vỏ chai nhựa, giấy báo, bút hết mực, vỏ hộp sữa…. làm vật liệu tái chế để tạo hình các con vật, đồ chơi cho trẻ cũng như các đồ trang trí cho lớp học.

Trẻ em đã biết bảo vệ môi trường còn nhiều người lớn thì sao?
Trẻ em đã biết bảo vệ môi trường còn nhiều người lớn thì sao?

Đó vừa là sản phẩm bảo vệ môi trường, lại là cơ hội để cô và trò thể hiện được sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ cũng như tạo nên sự đa dạng, sinh động về đồ dùng, đồ chơi, học cụ và nét độc đáo riêng có của mỗi lớp học.

Hơn nữa, hoạt động này đã tạo môi trường, nguyên vật liệu mở cho trẻ hoạt động tích cực. 

Nhờ thực hiện tuyên truyền sâu rộng, các em học sinh còn tích cực thu gom các loại vỏ chai nhựa và túi nilon sau khi sử dụng để tái chế thành gạch sinh thái xây bồn hoa, ghế ngồi trong nhà trường.

Theo cô giáo Vũ Thị Ninh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (thành phố Hạ Long), thực hiện phong trào trường học không rác thải nhựa, nhà trường đã thường xuyên phổ biến, tuyên truyền cho giáo viên, học sinh, và phụ huynh, bằng cách lồng ghép trong các buổi chào cờ đầu tuần và họp phụ huynh.

Nhờ đó, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía học sinh và phụ huynh trong việc thu gom rác thải nhựa.

Điều đáng mừng là hiện nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung cũng tiến hành các biện pháp cụ thể để hiện thực hóa phong trào “Nói không với rác thải nhựa” trong trường học.

Cô và trò Trường Mầm non Hoa Lan (phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long) cùng nhau làm đồ chơi từ vật liệu tái chế (Ảnh: Hằng Ngần)
Cô và trò Trường Mầm non Hoa Lan (phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long) cùng nhau làm đồ chơi từ vật liệu tái chế (Ảnh: Hằng Ngần)

Được biết, năm học 2019-2020, phong trào này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục đưa vào kế hoạch năm học.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, để thực hiện phong trào một cách có hiệu quả, các trường học trên địa bàn sẽ tăng cường tổ chức và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về nguy cơ ô nhiễm nhựa và túi nilon.

Trong các hoạt động giảng dạy sẽ sử dụng các vật dụng thay thế thân thiện với môi trường nhằm tiến tới loại bỏ hoàn toàn chất thải nhựa sử dụng một lần.

Bên cạnh đó, nội dung “Giáo dục Bảo vệ môi trường” sẽ tiếp tục được lồng ghép vào môn học và các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường, phù hợp với từng cấp học.

Ngoài ra, việc phát động học sinh thu gom và phân loại rác thải tại nguồn, tái sử dụng rác thải nhựa cần được thực hiện thường xuyên, hàng ngày.

Đến thời điểm này có thể thấy, nhận thức về việc hạn chế sử dụng chất thải nhựa trong chính học sinh, phụ huynh và cán bộ, giáo viên đã được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, việc làm này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng những hành động cụ thể, để “nói không với rác thải nhựa” sẽ trở thành thói quen của mỗi cá nhân và lan tỏa trong cả cộng đồng chứ không chỉ dừng lại ở phong trào.

HẰNG NGẦN