Các buổi họp mặt cựu học sinh ở khắp ba miền đất nước, sự hiện diện của thầy, luôn là mong muốn của học trò cũ.
Được gặp lại thầy Trần Trọng Chấm, thần tượng của không ít học trò nối nghiệp giáo, là mong muốn của rất nhiều học trò cũ.
Nhận lời mời của đồng nghiệp ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, tôi tham dự chuyên đề “Thí nghiệm biểu diễn hóa học bằng dụng cụ cải tiến”; bất ngờ nhất, chuyên đề do thầy giáo Trần Trọng Chấm báo cáo.
Thao tác thoăn thoắt, chính xác; âm điệu rõ ràng, dễ nghe, dễ hiểu, kéo mấy chục giáo viên trẻ vào chuyên đề say mê.
Tuyệt đối không ai làm việc riêng, nói chuyện riêng khi “báo cáo viên” trình bày; đó là điều “đặc biệt” tôi thấy ở chuyên đề này.
Nhìn ánh mắt háo hức của những giáo viên trẻ khi quan sát thầy biểu diễn thí nghiệm, tôi biết chuyên đề đã thành công ngoài mong đợi.
Thầy Trần Trọng Chấm, 83 tuổi, đang hướng dẫn giáo viên thực hiện thí nghiệm bằng dụng cụ cải tiến |
Cô Thái Thị Tường Lâm, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng cho biết:
“Tôi là học sinh cũ của thầy, trong một lần ghé thăm; thấy thầy ngồi say mê chế tạo dụng cụ để làm thí nghiệm, tôi vô cùng ngạc nhiên.
Tôi biết, thầy đã về hưu lâu rồi, thế nhưng một số trường Trung học phổ thông, phòng giáo dục, Sở giáo dục mời thầy làm chuyên đề “Thí nghiệm biểu diễn hóa học bằng dụng cụ cải tiến”.
Thầy tuyệt đối không đòi hỏi bất cứ một đồng thù lao nào, hoàn toàn miễn phí.
Tôi mời Thầy về, làm chuyên đề “Thí nghiệm biểu diễn hóa học bằng dụng cụ cải tiến” tại trường; đồng thời mời giáo viên bộ môn Hóa Học huyện Đức Trọng tham dự”.
Thầy Trần Trọng Chấm tâm sự “Mình tốt nghiệp Sư phạm, về trường Trung học phổ thông Hương Sơn, Hà Tĩnh dạy; sau đó vào Chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai.
Chỉ có một việc mình đam mê, đó là dạy Hóa học. Tâm, trí, mình dành cho dạy Hóa học.
Chuyện một người thầy trên phá Tam Giang |
Về hưu, nhiều thời gian, suy ngẫm, mình viết cuốn sách “Tư liệu Hóa học”; nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành; cuốn sách ghi lại tất cả những kinh nghiệm, tư liệu bổ sung của cả đời dạy Hóa học của mình; được đồng nghiệp đón nhận nhiệt tình.
Với môn Hóa Học, chạm vào tâm trí của học trò, không gì hơn là thí nghiệm trực quan.
Với bộ thí nghiệm của chương trình giáo dục phổ thông, còn nhiều bất cập, khó thực hiện, khi đi dạy mình đã phát hiện và cải tiến.
Mình cải tiến, làm ra bộ thí nghiệm này, đơn giản, gọn nhẹ, rẻ tiền, tiện lợi. Giáo viên dạy có thể tự sắp xếp, không cần nhân viên thư viện; giáo viên chỉ cần có tâm huyết, ai cũng làm được.
Chỉ cần “cái hộp nhỏ này”, mọi thí nghiệm trong chương trình phổ thông đều làm được, an toàn, thành công.
Mình muốn giới thiệu với đồng nghiệp trẻ, giúp họ cải tiến, tận dụng những vật liệu sẵn có, giảm dạy chay trong dạy Hóa học.
Hạnh phúc hơn, được các giáo viên trẻ đánh giá cao, ứng dụng vào thực tế dạy học”.
Trong cuộc đời dạy học của mình, thầy Trần Trọng Chấm đã gặt hái nhiều thành công; Thầy được nhiều lần công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp, Chiến sĩ thi đua các cấp; được học sinh, phụ huynh công nhận là nhà giáo của nhân dân. Nay Thầy đã về hưu, sống tại Biên Hòa cùng con cháu.
Thầy giáo băng rừng, lội suối để đến với học trò Ba Chẽ |
Nói về chuyên đề, cô giáo Hoàng Thị Thắm, chia sẻ “Bất ngờ, quá bất ngờ về đam mê, nhiệt huyết, kiến thức bao la của một người thầy đã ngoài tám mươi.
Cách thầy dạy, cách thầy truyền đạt, mang phong cách thời đại 4.0. Hình ảnh người thầy vì sự nghiệp, vì học trò, một tấm gương xúc động cho bất cứ giáo viên nào có mặt.
Kiến thức có thể học bất cứ đâu; hình ảnh người thầy nhiệt huyết, đam mê với nghề còn hơn ngàn lời giáo huấn; thầy truyền đạt hay, hay hơn là đam mê của thầy giáo già đã khơi dậy nhiệt huyết, đam mê trong lòng giáo viên trẻ.
Dự chuyên đề, em thấy mình còn nhỏ bé quá; phải tự rèn, trau dồi chuyên môn, mới không thấy xấu hổ với những tấm gương thầy giáo tuyệt vời thế này”.
Trời Đức Trọng hôm nay se lạnh, thế nhưng thật ấm lòng, vẫn có những tấm gương vì học sinh thân yêu như thế.
Chúc thầy Trần Trọng Chấm thật khỏe, truyền nhiệt huyết, đam mê tới thật nhiều, thật nhiều giáo viên Việt Nam.
Cho đi là còn mãi, cho học trò nhiệt huyết, đam mê, còn mãi lòng biết ơn, kính trọng; tài sản vô giá của người thầy.