Nhiều địa phương cũng đã có kiến nghị gửi Thủ tướng và Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét đặc cách cho đội ngũ giáo viên có hợp đồng giảng dạy từ trước năm 2015.
Các địa phương phải xoay sở đủ cách để đảm bảo lực lượng giáo viên cho năm học mới.
Tiếp tục sử dụng giáo viên hợp đồng
Tại buổi làm việc về rà soát công tác chuẩn bị đầu năm học mới 2019-2020, ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đề nghị sở Giáo dục và các quận, huyện kiểm tra lại đội ngũ giáo viên.
Những lùm xùm quanh việc 104 giáo viên hợp đồng ở Quảng Nam khiếu nại vì không được xét tuyển đặc cách năm 2017 khiến nhiều địa phương cân nhắc hợp đồng với giáo viên. Ảnh: AN |
Những nơi nào còn thiếu thì cần khẩn trương hợp đồng giáo viên để đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp.
Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho hay, các trường học sẽ hợp đồng với số giáo viên có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng không dự tuyển được trong các kỳ thi tuyển giáo viên vừa qua.
Nếu các đợt tuyển dụng không đáp ứng đủ thì sẽ tiếp tục tuyển dụng số giáo viên hợp đồng này tiếp tục giảng dạy.
Các trường không được tự ý hợp đồng giáo viên giảng dạy từ năm 2019 |
Theo số liệu từ sở Nội vụ Đà Nẵng thì qua rà soát, bổ sung chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục thì Đà Nẵng còn thiếu 300 chỉ tiêu giáo viên. Dự kiến, ngành giáo dục sẽ tiếp tục thi tuyển trong tháng 10 tới để đáp ứng yêu cầu.
Tương tự, tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), với việc thiếu hơn 200 giáo viên bậc mầm non và tiểu học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, đã tham mưu ủy ban nhân dân huyện cho hợp đồng lại với một số giáo viên.
Trong đó, có cả giáo viên đã nghỉ hưu để đảm bảo đủ số lượng giáo viên cần thiết.
Chờ chính sách xét tuyển đặc cách
Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho hay, hiện địa phương này vẫn đang chờ ý kiến Chính phủ đối với việc xét tuyển đặc cách cho các giáo viên hợp đồng từ trước năm 2015.
Đây là một đội ngũ rất lớn nhằm bổ sung cho các trường học đang thiếu giáo viên trầm trọng.
Cô giáo dạy thể dục mang thai 6 tháng bị chấm dứt hợp đồng |
“Ủy ban nhân dân tỉnh rất quan tâm đến số giáo viên mầm non, tiểu học hợp đồng tính đến ngày 20/12/2015 mà chưa đủ xét đặc cách, còn thiếu 1-2 tháng.
Những người này dù chế độ đãi ngộ thấp nhưng vẫn yêu nghề và vẫn tiếp tục ở lại với ngành. Bây giờ, nếu căn cứ vào Nghị định 161 tổ chức thi tuyển thì khỏe rồi.
Nhưng nếu thi thì gần 1.102 giáo viên hợp đồng này mà rớt thì cũng rất đau lòng. Họ đã có nhiều cống hiến cho ngành”, ông Quốc nói.
Cũng theo Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, nếu các giáo viên hợp đồng này thi rớt sẽ tạo áp lực cho ngành và xã hội rất lớn và đó cũng là trăn trở của địa phương này.
“Vì vậy, khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào làm việc thì Quảng Nam đã chính thức có ý kiến đề nghị xét tuyển đặc cách đối với số giáo viên hợp đồng này. Bộ trưởng đã tiếp thu và xin ý kiến Chính phủ.
Như vậy, nếu Chính phủ đồng ý cho thì xét đặc cách, còn không thì phải thi, chứ không thể kéo dài”, ông Quốc cho hay.
Thi thố kiểu này không tuyển được giáo viên giỏi còn làm khổ học sinh |
Về các giải pháp trước mắt, ông Quốc nói, trong học kỳ 1 năm học 2019-2020 đã yêu cầu các Hiệu trưởng, Phòng giáo dục tính toán các giải pháp sao cho đủ thầy cô giảng dạy.
Cụ thể như: có thể tăng sĩ số lớp lên, hoặc huy động các thầy cô hiệu trưởng, hiệu phó tham gia giảng dạy một số môn, bên cạnh chuyên môn quản lý.
Về việc có tiếp tục hợp đồng mới với giáo viên không, ông Quốc chia sẻ thêm, khi có Nghị định 161 thì các trường công lập không được phép hợp đồng với giáo viên.
Nhưng một số nơi bằng “cách này, cách nọ”, tính toán để tránh trường hợp vi phạm, xảy ra chuyện khiếu nại, khiếu kiện.
Nên có trường có thể mời thầy cô thỉnh giảng, hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng ngắn hạn.
Những cái này đều có một thỏa ước lao động rõ ràng, để tránh những rắc rối đối với giáo viên hợp đồng như ở một số địa phương thời gian qua.