Giáo dục – vì đâu nên nỗi truân chuyên?

09/09/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Có phải Thanh tra Bộ và một số đơn vị cấp dưới khác đang lộng ngôn, đang thách thức chỉ đạo của lãnh đạo Bộ?

Phải mất hơn một năm, sau khi dư luận cả nước sôi sục về vụ gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại ba tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố xem xét kỷ luật 13 cán bộ, công chức thuộc biên chế cơ quan Bộ.

Theo danh sách công bố, Cục Quản lý chất lượng có 04 người; Thanh tra bộ có 06 người; Ba người còn lại là Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học.

Ngày 21/08/2018 Thứ trưởng ký ban hành Thông báo số 878/TB-BDĐT “Về việc xem xét kỷ luật công chức”.

Cùng ngày Bộ trưởng ban hành Quyết định số 2450/QĐ-BGDĐT về việc thành lập 13 “Hội đồng kỷ luật công chức” thuộc Bộ.

Ngày 22/08/2019, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 3817/BGDĐT-TCCB triệu tập những cá nhân vi phạm đến dự phiên họp Hội đồng kỷ luật công chức vào lúc 8g00 ngày 04/09/2019.

Ngày 29/08/2019, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thanh tra bộ) đã có văn bản số 818/TTr-HCTH  “phản pháo” lãnh đạo Bộ và Vụ Tổ chức cán bộ.

Trong văn bản số 818/TTr-HCTH, Thanh tra bộ đề nghị: “Hủy bỏ Quyết định số 2450/QĐ-BGDĐT ngày 21/08/2018” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lý do Thanh tra bộ đưa ra là:

“Việc xảy ra sai sót trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là rất nghiêm trọng xong đây là những hành vi vi phạm của một số cán bộ, công chức ở địa phương.

Các công chức thanh tra khi làm nhiệm vụ trong kỳ thi đã làm việc rất có trách nhiệm, đúng quy định. Không có hành vi nào liên quan trực tiếp đối với vi phạm và là nguyên nhân dẫn đến vi phạm”.

Kết luận của “Tập thể lãnh đạo Thanh tra” thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo là:

“Việc ban hành Quyết định số 2450/QĐ-BGDĐT ngày 21/8/2019 và các văn bản liên quan đến 6 công chức cơ quan Thanh tra là không thỏa đáng, gây ảnh hưởng đến cơ quan Thanh tra và cá nhân các đồng chí.

Đề nghị Chủ tịch Hội đồng kỷ luật tổ chức rà soát kỹ đối với trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm (nếu có) đúng quy định. Trước mắt xem xét dừng cuộc họp ngày 04/09/2019”.  

Giáo dục, tiếp tục...nói cho ra nhẽ!
Giáo dục, tiếp tục...nói cho ra nhẽ!

Thanh tra bộ đề nghị hủy bỏ quyết định và dừng cuộc họp theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, vậy điều gì đang xảy ra tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Nếu “phản pháo” của Thanh tra bộ là đúng thì lãnh đạo Bộ sai. Ngược lại, nếu lãnh đạo Bộ không sai thì có phải Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lộng ngôn, đang thách thức sự lãnh đạo của cấp trên?

Khả năng thứ ba là các bên đều có những sai sót nhưng chắc chắn không có khả năng thứ tư là cả hai phía đều đúng.

Nói đến khả năng thứ tư bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể chỉ kỷ luật “từ vai trở xuống” đồng thời Thanh tra giáo dục vô can trong các sai phạm liên quan đến vai trò quản lý nhà nước về giáo dục tại các địa phương.

Để hiểu thêm về hoạt động Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, xin nhắc lại một sự kiện xảy ra mấy năm trước, khi đó Chánh Thanh tra bộ vẫn là ông Nguyễn Huy Bằng, Phó Chánh Thanh tra là ông Phạm Ngọc Chúc.

Bộ Giáo dục xét kỷ luật 13 cán bộ là nghiêm minh, nhưng còn bỏ sót ai không?
Bộ Giáo dục xét kỷ luật 13 cán bộ là nghiêm minh, nhưng còn bỏ sót ai không?

Ngày 22/01/2014, chuyên mục Tuần Việt Nam báo điện tử Vietnamnet.vn đăng bài: “Công nhận bằng tiến sĩ đào tạo chui?” liên quan đến việc cổ đông sáng lập một đại học ngoài công lập tố cáo một số lãnh đạo trường này sử dụng bằng tiến sĩ “rởm” và mạo nhận học vị thạc sĩ. Bài báo có đoạn:

“Có thể thấy Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo không những không quan tâm đến ý kiến của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng mà còn tùy tiện giải thích luật pháp của Cộng hòa Sec khi cho rằng “việc tố cáo ông … mạo nhận học vị thạc sĩ là không đúng”…

Qua các phân tích trên đây, hy vọng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Bùi Văn Ga xem xét, kiểm tra lại kết luận của Thanh tra bộ.

Cần phải cho thanh tra chính cơ quan thanh tra của Bộ để đảm bảo các kết luận thanh tra thực sự công tâm, đúng pháp luật, để cán bộ, giáo viên, sinh viên và người dân có thể đặt niềm tin vào đội ngũ cán bộ thanh tra của Bộ”. [1]

Liên quan đến bài báo này là bản kết luận thanh tra số 1147/KL-TTr do Phó Chánh thanh tra Phạm Ngọc Chúc ký.

Bản kết luận này cho rằng việc công dân tố cáo một số lãnh đạo trường CVA sử dụng bằng tiến sĩ “rởm”, mạo nhận học vị thạc sĩ là không có cơ sở.

Đây là bản kết luận hoàn toàn sai trái so với thực tế đồng thời không đếm xỉa gì đến ý kiến khá nhiều tờ báo có uy tín phản ánh, cụ thể là các báo Anninhthudo.vn [2], Baotintuc.vn [3], Congly.vn [4], Giaoduc.net.vn [5],…

Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã phải ký ban hành văn bản kết luận số 816/KL-BGDĐT (của Bộ) bác bỏ các kết luận của Thanh tra bộ trong văn bản 1147/KL-TTr.

Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó là ông Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã xử lý những người chịu trách nhiệm thuộc Thanh tra bộ bằng một cách không thể khó hiểu hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố bất kỳ hình thức kỷ luật nào với những lãnh đạo và thanh tra viên đã ban hành văn bản hoàn toàn sai trái.

Ông Phạm Ngọc Chúc sau đó nghỉ hưu còn ông Nguyễn Huy Bằng vẫn giữ nguyên chức Chánh Thanh tra bộ cho đến ngày nay.

Vì lý do gì mà Bộ Giáo dục và Đào tạo không kỷ luật những người liên quan trong việc ban hành văn bản thanh tra sai trái thì chỉ có cựu lãnh đạo Bộ và Thanh tra Bộ biết.

Phải chăng Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo được “chiều quá hóa hư” hay vì biết nhiều “bí mật cung đình” nên tự cho mình quyền bất khả xâm phạm?

Liệu Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có nằm ngoài tình trạng như Thượng tướng Lê Quý Vương đã nói thẳng: “Một ngày cán bộ thanh tra xuống địa phương đã kiếm tiền tỷ”? (Tapchimattran.vn – 04/09/2019)

Có vẻ như với “kinh nghiệm chinh chiến” qua nhiều nhiệm kỳ nên lãnh đạo Thanh tra bộ tự tin đủ lý luận và công cụ phản bác chỉ đạo của cả Bộ trưởng lẫn Thứ trưởng?

Liệu có phải Thanh tra bộ đang “giúp” cấp trên sửa chữa sai lầm?

Để trả lời những câu hỏi này, cần phải dựa vào các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật bởi Thanh tra bộ đã yêu cầu Thứ trưởng An cho biết lãnh đạo bộ “dựa vào điều nào của văn bản nào”.

Vì văn bản của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng khái niệm “Tập thể lãnh đạo Thanh tra” nên cần làm rõ “Tập thể lãnh đạo Thanh tra” là những ai?

Theo quy định tại khoản 2, điều 17, Luật Thanh tra 2010 thì:

“Thanh tra bộ có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và Thanh tra viên; Phó Chánh Thanh tra bộ giúp Chánh Thanh tra bộ thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh Thanh tra bộ”.

Như vậy Thanh tra cấp bộ chỉ có hai chức danh lãnh đạo là Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, số còn lại là “Thanh tra viên” không phải là lãnh đạo.

Giáo dục – vì đâu nên nỗi truân chuyên? ảnh 3
Giáo dục: Quyền rơm, vạ đá (cuối)

Với quy định đã nêu trong luật, “Tập thể lãnh đạo Thanh tra” (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chỉ gồm Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng và Phó Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường, trưởng, phó các phòng ban không được xếp vào diện “Lãnh đạo Thanh tra bộ”.

Vì Phó Chánh Thanh tra có nhiệm vụ giúp Chánh Thanh tra thực hiện những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nên trách nhiệm chính thuộc về Chánh Thanh tra.

Chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra bộ được quy định tại Quyết định số 2077/QĐ-BGDĐT ngày 19/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, Thanh tra Bộ chịu trách nhiệm “Giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra hành chính, phòng chống tham nhũng; thanh tra chuyên ngành; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo”…

Một khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu một phần trách nhiệm trong việc để xảy ra tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực mình phụ trách - cụ thể là để xảy ra gian lận điểm trong kỳ thi 2018 - thì cũng có nghĩa là Thanh tra bộ chưa làm tròn chức năng “Giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước…” bất kể sự việc xảy ra ở địa phương hay tại các cơ sở mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ quản.

Xuân Dương