Một nghiên cứu tại Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2010 đã đưa ra kết quả, có khoảng 38% số trẻ ở lứa tuổi Tiểu học và Trung học cơ sở, khi được hỏi thì các em cho biết từng bị bắt nạt, đây cũng là vấn đề chung của nền Giáo dục nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ:
“Bắt nạt thường xảy ra khi có một sự chênh lệch quyền lực giữa những đối tượng khác nhau.
Nó là những hành động lặp đi lặp lại gây nên sự khó chịu, tổn thương về mặt thể chất. Bắt nạt học đường có nhiều hình thức như trực tiếp bắt nạt về mặt cơ thể, bắt nạt về mặt tinh thần qua lời nói, bắt nạt về tài chính, phá hủy đồ đạc…
Thời đại phát triển không gian mạng như hiện nay thì còn có thêm bắt nạt trực tuyến trên mạng, có nhiều hành vi như nói xấu, tẩy chay, mạo danh, hack trang cá nhân, chế ảnh hoặc đưa ra những câu chuyện sai sự thật…
Thậm chí là rình sẵn ở trên mạng để chờ nạn nhân online là đối tượng nhắn tin hàng loạt với những lời lẽ trêu chọc. Tất cả những sự việc đó đều là bắt nạt. Có thể nói một đứa trẻ hiện nay bất cứ lúc nào cũng có thể đối mặt với hàng trăm nguy cơ liên quan đến bắt nạt.
Vấn đề không gian bị bắt nạt cũng rất đa dạng, ở ngay trong khu phố, có thể trên đường trẻ tới trường, ở trong trường và thậm chí trẻ ngồi trong nhà ngay trước mặt bố mẹ, nhưng nếu trẻ đang sử dụng thiết bị thông minh kết nối mạng Internet thì vẫn có thể bị bắt nạt ở trên mạng.
Tất cả những hành động bắt nạt đó cứ lặp đi lặp lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần…và về lâu dài trẻ bị bắt nạt có nguy cơ trầm cảm”.
Phó giáo sư tiến sĩ Trần Thành Nam: Cốt lõi vẫn là việc làm sao để trẻ dũng cảm chia sẻ việc bị bắt nạt với bố mẹ, với thầy cô giáo để gia đình và nhà trường có sự giúp đỡ kịp thời về tâm lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Làm thế nào để cha mẹ phát hiện ra trẻ bị bắt nạt?
Người xưa có câu “chọn bạn mà chơi”, “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Dạy cho trẻ nếu cảm thấy những người bạn xung quanh mình có ý xấu, hãy tránh xa từ sớm. Dạy trẻ nên tìm cách hạn chế số lần gặp mặt, không tham gia vào những sự việc có liên quan.
Giải thích cho trẻ hiểu nếu trẻ lo sợ không có bạn để chơi cùng thì trẻ yên tâm, vẫn sẽ có những người bạn thật sự tốt với trẻ đang ở đâu đó. Rồi sẽ tìm thấy họ thôi. Đừng vì để có bạn chơi chung mà để bị bắt nạt học đường.
“Nạn nhân bị bắt nạt thì bao giờ cũng bị kẻ bắt nạt đe dọa, tìm cách khống chế để trẻ bị bắt nạt không nói với ai, chính vì thế mà trẻ bị bắt nạt thường sợ hãi, không dám chia sẻ với người lớn, với bố mẹ.
Nhưng nếu cha mẹ quan tâm dành nhiều thời gian cho trẻ thì cũng có thể dễ dàng phát hiện ra một số những dấu hiệu, nguy cơ, chẳng hạn như thái độ của con đối với trường học bỗng trở nên tiêu cực và sợ đến trường.
Hoặc cũng có thể trẻ có những vết thương, vết trầy xước trên cơ thể và trẻ không giải thích được về nguyên nhân những vết đó.
Có thể bố mẹ thấy trẻ luôn bị mất đồ đạc trong cặp sách, hoặc trẻ có những lời nói không tích cực về trường lớp, về các bạn hoặc né tránh những mối quan hệ xã hội, trong khu phố…
Bố mẹ có thể quan sát thấy trẻ tự gây hại cho bản thân, tự đánh vào đầu, cấu véo vào người và để lại những vết thương…tự đổ lỗi cho mình.
Trẻ có thể nói những lời kiểu như cuộc sống tồi tệ quá, chẳng thiết sống nữa, cuộc sống không có gì thú vị cả… nguy hiểm hơn nữa những việc này có thể là mầm mống, ý tưởng cho việc trẻ tự sát.
Vậy nên cha mẹ cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn, xem xem trẻ có việc gì và phần lớn trẻ có những biểu hiện đó đều là trẻ đang bị bắt nạt”, thầy Nam nói.
Khi ai đó chê trẻ xấu, béo, gầy, hẳn nhiên trẻ sẽ có cảm giác tự ti về bản thân. Thế nhưng điều đó lại tạo cơ hội cho những người bạn xấu tiếp tục chế nhạo trẻ.
Hãy dạy trẻ học cách bỏ ngoài tai những câu nói đó, hãy tự tin và có cái nhìn tích cực về bản thân mình và dạy trẻ đừng để mình trở thành nạn nhân bị thao túng.
“Đối với trẻ bị bắt nạt trực tuyến thì cha mẹ khó phát hiện ra được những biểu hiện của trẻ vì đó là một việc khó hơn nhiều so với trẻ bị bắt nạt về thân thể.
Bắt nạt trực tuyến nó kinh khủng hơn so với bắt nạt trực tiếp vì việc bắt nạt này là 24/7 không giới hạn về thời gian, trẻ ngồi bất cứ đâu cũng vẫn bị bắt nạt. Thủ phạm bắt nạt thì ẩn dật, ẩn danh khó truy tìm hơn.
Chỉ với một thao tác nhỏ thì kẻ bắt nạt có thể kéo thêm đồng bọn cùng vào bắt nạt tập thể cho cùng một trẻ.
Bắt nạt qua mạng khó phát hiện ra được biểu cảm, đau khổ của nạn nhân nên những hành động bắt nạt đó có thể nói là vô nhân tính hơn.
Trước tình trạng này thì bố mẹ phải nhận ra được nguy cơ bắt nạt trực tuyến là có, không thể quan niệm là quản lý trẻ ở trong tầm mắt là an toàn.
Cha mẹ nên gần gũi con hơn, biết được con đang làm gì, chơi với ai và nếu con có những câu chuyện khó nói thì cha mẹ nên tạo ra những thói quen cho trẻ tự chia sẻ với người lớn những khó khăn hay khúc mắc mà trẻ đang gặp phải.
Chúng ta đang sống trong một xã hội số và không thể nào cấm trẻ tuyệt giao với công nghệ được, vậy nên thay vì cấm thì cha mẹ hãy dạy cho trẻ một số kỹ năng sống an toàn trên mạng xã hội.
Ít nhất là dạy trẻ biết bảo vệ thông tin của bản thân như địa chỉ, số điện thoại…những nguy cơ có thể xảy ra ở trên mạng như thông tin xấu, có những con người xấu nhưng hậu quả mà nó đem lại là thật mà trẻ sẽ phải gánh chịu”, thầy Nam nhấn mạnh.
Với nhưng việc bị bắt nạt trực tuyến thì có nhiều kỹ năng đơn giản để bố mẹ có thể trao đổi với con, có thể dạy cho trẻ nếu cảm thấy những thông tin nào có thể là sự bắt nạt thì hãy lưu lại để làm bằng chứng.
“Tiếp nữa là dạy trẻ tuyệt đối không phản hồi gì với những tin nhắn kiểu trêu trọc, nói xấu hay khiêu khích…tuyệt đối không thể hiện cảm xúc của mình ra với kẻ bắt nạt để tránh kẻ bắt nạt đắc thắng, nghĩ ra nhiều chuyện làm cho trẻ đau khổ hơn.
Tìm những cách thức sử dụng các thiết bị công nghệ để báo cáo, chặn những tin nhắn bắt nạt đó lại.
Nhưng cốt lõi vẫn là việc làm sao để trẻ dũng cảm chia sẻ việc bị bắt nạt với bố mẹ, với thầy cô giáo để gia đình và nhà trường có sự giúp đỡ kịp thời về tâm lý. Đó là những kỹ năng bố mẹ có thể chia sẻ với con.
Bất cứ một đứa trẻ nào cũng có thể trở thành đối tượng bị bắt nạt, nhưng hiển nhiên những việc như vậy chúng ta không thể trốn tránh được vì cuộc sống vẫn tiếp diễn hàng ngày”, thầy Nam chia sẻ.
Trẻ ngồi trong nhà ngay trước mặt bố mẹ, nhưng nếu trẻ đang sử dụng thiết bị thông minh kết nối mạng Internet thì vẫn có thể bị bắt nạt ở trên mạng. Ảnh: Hoàng Anh. |
Cha mẹ nên trang bị cho trẻ kỹ năng gì?
“Cha mẹ nên dạy cho con một số kỹ năng, một trong những nguyên nhân mà trẻ bị bắt nạt là bố mẹ quá bao bọc, và đứa trẻ khi đến trường cũng không lanh lẹ như những người bạn khác và cuối cùng lại trở thành nạn nhân của việc bị bắt nạt.
Có thể nói đó là mối quan hệ luẩn quẩn, những em đã từng là nạn nhân của bắt nạt và thường là bắt nạt trực tiếp, những em đó thường ấm ức và lên trên mạng rồi cuối cùng lại trở thành kẻ đi bắt nạt, kiểu như giận cá chém thớt.
Biểu hiện tâm lý của những em đó bị ấm ức rồi dồn tất cả sự ấm ức đó sang người khác. Bố mẹ cũng nên giải thích cho trẻ hiểu rằng những hành động như vậy là hành động sai trái và không được phép làm với bất cứ ai.
Nên hướng dẫn trẻ kỹ năng để cho trẻ dám đứng lên, tự tin bảo vệ chính bản thân mình, nhưng không kích động người khác.
Dạy cho con một số kỹ năng ứng phó và giải thích để trẻ hiểu những kỹ năng nào là phù hợp. Khi con bị bắt nạt thì không bao giờ là lỗi của con cả, con không được đổ tội cho mình.
Những chiến lược mà con suy nghĩ ở trong đầu, ví dụ: À chuyện này mình lờ đi thì nó sẽ qua đi thôi, à cái này nó chỉ là trêu ghẹo nhau thôi, ở trường bạn nào chả vậy…đấy là những chiến lược không phù hợp và con phải bỏ đi.
Mà chiến lược phù hợp nhất để đối phó với bắt nạt học đường là báo cho cha mẹ, thầy cô biết, chia sẻ và tìm kiếm những nguồn ủng hộ mình. Ví dụ trên đường đi học về thì hãy đi cùng với bạn bè, hoặc tìm những nguồn hỗ trợ khác để trẻ có thể tự tin hơn”, thầy Nam cho biết.
Có thể nói rằng kẻ đi bắt nạt cũng đã từng là trẻ bị bắt nạt và cũng không thể đánh giá được bên nào tốt hơn bên nào, thực tế hiện nay trẻ ở trường với thầy cô giáo còn nhiều hơn ở nhà và gần như mọi việc bắt nạt xảy ra ở trường.
“Chính vì vậy nên thầy cô phải là những tấm gương và không nên trở thành những người “bắt nạt” trong một số hoàn cảnh nào đó đối với học sinh rằng các em phải làm cái này, làm cái kia…
Thầy cô giáo phải coi chuyện nạn nhân hay người bắt nạt cũng đều có sự khó khăn như nhau nên các em đó cần phải có sự hỗ trợ về tâm lý.
Thay vì kỷ luật đưa ra những hình phạt nghiêm khắc cho những em đi bắt nạt thì nên tìm ra những điểm mạnh tích cực của em đó để khen ngợi và phát huy những điểm tích cực đó.
Đối với những em là nạn nhân của việc bị bắt nạt thì thầy cô cũng nên gần gũi, đưa ra những chiến lược ứng phó với việc bắt nạt đó một cách phù hợp.
Có thể thầy cô cầm cân nảy mực tổ chức một cuộc hòa giải giữa nạn nhân và người bắt nạt để làm sao tạo một bầu không khí vui vẻ, không căng thẳng vì nhiều khi những vụ bắt nạt lại xuất phát từ những xích mích nhỏ ở lớp, mà có thể nhiều khi những xích mích đó không đáng gì.
Thầy cô phải là tấm gương, lan tỏa tình yêu thương, tỏ thái độ công bằng không thiên vị trong cuộc hòa giải, hiểu rõ tâm tư các em trong chuyện xích mích.
Làm cho các em thấy được tình cảm của các bạn trong lớp, trong trường là không thể thay thế được, để từ đó các em biết trân trọng tình cảm hơn. Từ đó các em sẽ bớt có những hành động tiêu cực, chịu khó học tập và hành xử một cách chuẩn mực”, thầy Nam nêu quan điểm.