Chạy đua bằng cấp không thể nâng cao chất lượng giáo dục
Ngày 30/8/2019, theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng: Cục cho biết đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học tại các cơ sở giáo dục đại học, các sở giáo dục và đào tạo.
Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục Quản lý chất lượng đã công bố danh sách những đơn vị phải dừng việc tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhiều thầy cô gặp khó khi nâng chuẩn trình độ |
Theo đó, có gần 50 đơn vị buộc phải dừng việc tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Trong đó, có 42 đơn vị phải dừng kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên (chứng chỉ A, B, C).
Điều này phản ánh mặt trái của những quy định về chứng chỉ và bằng cấp.
Con số 50 đơn vị buộc phải dừng việc tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là một con số lớn chiếm gần 1/3 tổng số các đơn vị được cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ.
Lẽ dĩ nhiên, những chứng chỉ được cấp bởi các đơn vị như thế này không phản ánh đúng chất lượng của người học.
Nhưng tại sao rất ít người đi thi bị trượt? Lý do là đã có những gói chống trượt dành cho những người không cần thi cũng đỗ.
Lấy dí vụ trong nhiều năm liền, trường Đại học Đông Đô và Đại học Bắc Hà liên tục tổ chức các kỳ thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh, tin học.
Với mỗi kỳ thi được tổ chức 1 lần/ tuần, con số thí sinh vài trăm người cũng đủ mường tượng có bao nhiêu viên chức, giáo viên…dù có đủ bằng cấp, chứng chỉ nhưng thật ra là đi mua.
Chứng chỉ, bằng cấp có được nhờ mua bán, thỏa thuận thì làm sao nâng cao chất lượng giáo viên được (Ảnh:V.N) |
Nếu để ý kỹ sẽ thấy: Mỗi lần Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra những yêu cầu chuẩn liên quan đến bằng cấp; gần như xã hội sẽ có cách đối phó.
Chẳng hạn, khi quy định bằng tại chức, liên thông có giá trị tương tự bằng chính quy lập tức phát sinh tình trạng chạy đua bằng cấp.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng phản ánh: Có những học viên chỉ cần nộp tiền là có ngay một tấm bằng tại chức, nộp tiền để có văn bằng 2.
Ngay cả việc đào tạo Thạc sĩ cũng theo kiểu trăm hoa đua nở, hình thành những lò ấp Thạc sĩ, Tiến sĩ với tốc độ ra lò còn nhanh hơn gà vịt ấp trứng.
Tiếp đó là những quy định về chứng chỉ tiếng Anh, tin học phục vụ thi viên chức nảy sinh tình trạng mua bán chứng chỉ.
Các trường chạy đua tung ra những gói chống trượt không cần học cũng đỗ. Thực tế nhất là con số 50 đơn vị bị Bộ tuýt còi trong việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ.
Đánh giá chất lượng giáo viên thông qua bằng cấp như con dao 2 lưỡi (Ảnh:V.N) |
Chuyện tổ chức các lớp bồi dưỡng chức danh cũng vậy. Nhiều giáo viên phản ánh bỏ tiền ra đi học chỉ để chép bài rất lãng phí và vô bổ.
Người học, người giảng dạy đều nhận thức được hành vi trên là sai trái. Thế nhưng cái vòng kim cô chuẩn bằng cấp, chứng chỉ luẩn quẩn trên đầu họ.
Việc đánh giá chất lượng giáo dục thông qua bằng cấp giống như con dao 2 lưỡi. Nếu phản ánh đúng là một điều tiến bộ của xã hội; nếu phản ánh sai sẽ mở ra một cuộc chạy đua về bằng cấp.
Như vậy chẳng những chất lượng giáo dục chẳng được cải thiện mà còn đẩy ngành giáo dục vào tình trạng giả dối, chạy chọt.
Bản thân, giáo viên là những người trong cuộc cũng không cổ súy đánh giá chất lượng thầy cô thông qua bằng cấp, chứng chỉ.
Cô Trần Hồng Hạnh, giáo viên trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (Hà Nội) đồng thuận với việc nâng chuẩn trình độ giáo viên ở các cấp học. Tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có Thông tư hướng dẫn, quy định rõ thời gian, độ tuổi và lộ trình để giáo viên nâng chuẩn trình độ.
Mặc dù Quốc hội thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) nhưng nếu không quy định những yêu cầu nâng chuẩn trình độ nhiều giáo viên sẽ bằng mọi cách chạy đua để có bằng Đại học, chứng chỉ. Như vậy sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua bằng cấp ồ ạt.
Nhà tuyển dụng quan trọng trình độ hơn bằng cấp
Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam từng gửi tới Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam văn bản góp ý kiến cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Một trong những điều đáng chú ý mà Hiệp hội góp ý cho dự thảo: Về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên.
Đừng chỉ nâng chuẩn mà không nâng lương cho nhà giáo |
Theo Điều 72 dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi quy định: “Giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên tiểu học”.
Quan điểm của hiệp hội: Trong điều kiện hiện nay của đất nước nên mềm hóa việc này.
Nhà nước nên tiếp tục “thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo” như Luật Giáo dục 2005 (Điều 77).
Mặt khác, “tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm” như quy định tại Nghị quyết 29; thay thế dần người có trình độ theo hướng này nhưng không áp đặt cứng.
Hiệp hội lo ngại trong nhất thời sẽ diễn ra một cuộc chạy đua về bằng cấp.
Điều 77, Luật Giáo dục 2005 quy định: Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo
Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học;
Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở;
Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông.
Có ý kiến cho rằng nâng chuẩn trình độ giáo viên quan trọng hơn nâng chuẩn bằng cấp (Ảnh:L.Đ) |
Lý do Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đề xuất giữ nguyên chuẩn như hiện nay là bởi trình độ chuẩn giáo viên hiện hành có giá trị thực tiễn cao.
Bằng chứng là Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam đứng thứ 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh đề xuất giữ nguyên chuẩn trình độ giáo viên như hiện nay và tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm.
Một số nhà tuyển dụng cho rằng việc nâng chuẩn trình độ giáo viên quan trọng hơn nâng chuẩn bằng cấp.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Hướng Dương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay:
“Việc xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo để nâng cao chất lượng giáo viên là điều cần thiết nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên điều mà tôi trăn trở nhất là vấn đề làm sao để nâng cao trình độ giáo viên một cách thực sự chứ không phải chỉ là vấn đề bằng trung cấp hay bằng cao đẳng.
Thực tế có nhiều người chỉ đi học qua loa để lấy tắm bằng thì chất lượng giáo dục làm gì có”.
Đối với các trường tư đánh giá cao trình độ giáo viên hơn bằng cấp (Ảnh:giaoduc.net.vn) |
Một số hiệu trưởng các trường tư thục cũng đánh giá: Khi tuyển mới giáo viên vào trường, bằng cấp chỉ là một phần.
Quan trọng là qua tiếp xúc trực tiếp, thái độ và các kỹ năng cần thiết trong môi trường sư phạm mới là yếu tố quyết định người đó có được tuyển dụng hay không.
Bởi giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học là một nghề đặc thù mà nếu không có lòng yêu trẻ, sự nhiệt tình và kiên nhẫn, bao dung thì khó có thể làm tốt công việc truyền lửa, truyền cảm hứng học tập tới các học sinh vừa chính thức bước vào con đường học tập gian khổ mà vinh quang.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều giáo viên cũng cho rằng nên tạo điều kiện bồi dưỡng giáo viên, nâng cao trình độ thay vì chạy đua để nâng chuẩn như hiện nay.