Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) chia sẻ: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một loạt bài rất chất lượng về vấn đề cơ chế chính sách, quản lý nhà nước đối với trường quốc tế.
Trong cuộc tọa đàm “Quản lý và phát triển hệ thống trường quốc tế theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 10/9/2019, bà Thu Huyền phân tích:
"Những văn bản pháp lý hiện nay chưa bao trùm hết về việc giảng dạy các chương trình nước ngoài tại Việt Nam, tôi muốn dùng một từ chung trong lúc chúng ta chưa rõ ràng về nghĩa của trường quốc tế.
Thứ nhất là về nhu cầu đa dạng hóa chương trình phổ thông, đây là nhu cầu có thật từ thực tiễn, không phải chỉ có chương trình tú tài quốc tế (IB) hay là chương trình Cambridge.
Thực tiễn hiện nay giáo dục ở Việt Nam rất nhiều phụ huynh có nhu cầu về việc cho con thụ hưởng các chương trình giáo dục quốc tế, các chương trình tiến bộ của nước ngoài.
Cần tôn trọng quyền được học, quyền thụ hưởng chương trình quốc tế. Video: Tùng Dương. |
Nhưng nhu cầu tài chính và mong muốn của họ cũng rất khác nhau, có phụ huynh không muốn con mình từ mầm non trở đi là đã học chương trình quốc tế, và họ chỉ muốn học chương trình này bắt đầu từ cấp 3. Ở cấp thấp hơn có phụ huynh muốn con mình học các chương trình liên kết giáo dục, đó là một nhóm đối tương.
Nhu cầu tài chính khiến cho nhiều phụ huynh không thể gửi con vào các trường quốc tế tư thục, nhóm này chỉ đăng ký cho con học các chương trình tăng cường như ở Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc học song bằng ở Hà Nội. Những nhu cầu đó là có thật, phù hợp tài chính, phù hợp định hướng về giáo dục của họ.
Chúng ta cũng chưa có bất kỳ nghiên cứu nào để chứng minh rằng chương trình tăng cường hay chương trình quốc tế 100% từ nhỏ đến lớn thì hơn hẳn so với những chương trình hiện nay.
Thực tế tồn tại như vậy thì hành lang pháp lý cho các đối tượng này như: Công nhận, ủng hộ, tôn trọng quyền đi học từ phía nhà nước là gì?
Khi mà nhóm nhu cầu đó họ không được công nhận, vậy thì chúng ta có tôn trọng quyền đi học, cái nhu cầu được thụ hưởng giáo dục của nhiều đối tượng phụ huynh và học sinh hay không?
Những giá trị mà các chương trình nước ngoài trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, chúng ta phải thừa nhận là nó đang tạo ra một giá trị tích cực cho sự phát triển giáo dục nói chung.
Có thể nói đó là sự đa dạng hóa đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau, nhưng một mặt khác thì các trường trong nước cũng được học hỏi rất nhiều từ những mô hình trường dạy chương trình quốc tế mang lại.
Từ việc học hỏi, giao lưu, tiếp nhận…rồi giáo viên Việt Nam được làm việc trong môi trường này thì cũng là cách họ được phát triển tốt về mặt chuyên môn.
Bản thân tôi là giảng viên trường Sư phạm và chính tôi từng trải nghiệm và thấy rằng không có con đường đào tạo nào tốt hơn là đào tạo thực tiễn trong trường học.
Nếu nói lợi ích thì giá trị đầu tiên là đối với học sinh, giá trị đáp ứng nhu cầu phù hợp của phụ huynh, rồi đến giá trị phát triển chuyên môn của lực lượng giáo viên Việt Nam.
Về quản lý trường học thì chúng ta có cơ hội để được tiếp nhận, học cách xây dựng chương trình của nước ngoài, cách cấu trúc môn học, cách tiếp cận để sắp xếp một thời khóa biểu trong ngày như thế nào để mang lại lợi ích tốt nhất cho học sinh.
Rất nhiều thứ chúng ta có thể học hỏi được và nếu chúng ta thấy có lợi như vậy thì tại sao lại không công nhận, không thừa nhận nó? Chúng ta hãy nhìn nhận thực tiễn này bằng đôi mắt bao dung, trân trọng và hỗ trợ về pháp lý.
Được cởi trói thay vì phải tập chung vào giải quyết các vấn đề về pháp lý thì hãy để họ tập chung vào các vấn đề giải quyết các chương trình, phát triển chuyên môn cho giáo viên và làm tốt công việc của họ. Nếu họ làm tốt chuyên môn thì đó là một hành động thực sự đóng góp vào sự phát triển nền giáo dục nước nhà."
Ngày 10/9, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm: “Quản lý và phát triển hệ thống trường quốc tế theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP”. Hội thảo để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà đầu tư về vấn đề này, tổng hợp ý kiến góp ý, kiến nghị với các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách giáo dục, kiến nghị với các cơ quan chức năng. Tham dự Tọa đàm có Giáo sư Nguyễn Xuân Thu (Đại học RMIT Melbourne), người đặt nền móng cho việc thành lập Trường đại học RMIT Việt Nam. Bà Phạm Thị Minh An - Phó Chủ tịch hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Olympia. Bà Phạm Lệ Thủy phụ trách chương trình song bằng quốc tế của Trường trung học phổ thông Olympia. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (Trường Đại học Tôn Đức Thắng). Bà Đặng Thị Thu Huyền - Trưởng phòng tổ chức hành chính (Trường Đại học Tôn Đức Thắng). |