Cô giáo Hiền gửi con cho ông bà, lên vùng cao dạy chữ cho trẻ

13/09/2019 06:41
TUẤN KIỆT
(GDVN) - Luôn tâm huyết với nghề, dành nhiều tình yêu cho trẻ vùng cao, cô giáo Nguyễn Thu Hiền đã gửi con nhờ ông bà chăm sóc, vượt 26 km để tới trường dạy học.

Nhà cô giáo Nguyễn Thu Hiền ở xã Yên Than cách Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đại Thành (xã Đại Thành, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) khoảng 26km.

Hằng ngày, cô Hiền phải vượt hơn 50 km cả đi lẫn về đến trường chăm sóc, dạy dỗ các em học sinh và hoàn thành nghĩa vụ với gia đình.

Thời điểm lên công tác ở xã Đại Thành, cô giáo Hiền nằm trong diện ưu tiên vì con đầu lòng còn nhỏ, mới được 9 tháng tuổi.

Chồng cô Hiền là cán bộ thuộc Ủy ban nhân dân xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên), hàng ngày cũng đi làm cách xa nhà khoảng 10km, nên cô có lý do để từ chối khi được phân công.

Nhưng cô giáo Hiền thấy thương lũ trẻ vùng cao, cô hiểu được việc dạy dỗ chúng cần những người tâm huyết thật sự, vì vậy cô nhờ bố mẹ chăm con giúp mình, để lên vùng cao dạy học.

Đến nay, cô Hiền đã có 5 năm gắn bó với trường vùng cao, trong khi theo quy định của ngành giáo dục huyện Tiên Yên thì giáo viên chỉ cần làm việc tại trường vùng cao 3 năm, rồi lại trở về dạy học ở thị trấn hoặc trường gần nhà mình.

Cô giáo Nguyễn Thu Hiền dạy học sinh tìm hiểu về các biển báo giao thông. (Ảnh: CTV)
Cô giáo Nguyễn Thu Hiền dạy học sinh tìm hiểu về các biển báo giao thông. (Ảnh: CTV)

Theo chia sẻ của cô giáo Hiền, trẻ em vùng cao ở nhà nói chuyện với bố mẹ bằng tiếng dân tộc mình, khi đến lớp nghe bài giảng bằng tiếng phổ thông nên các em thường hiểu bài chậm hơn.

Mặt khác, trẻ em vùng cao thường ít nhận được sự khích lệ của gia đình về chuyện học hành, có gia đình con bỏ học họ cũng không để ý.

Nhiều học sinh nhà ở xa trường hơn 5km, những ngày mưa lũ không đi học được.

Hơn nữa, xã Đại Thành mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, trước đó xã từng nằm trong số các xã nghèo nhất huyện Tiên Yên.

Cô giáo Hiền cũng hiểu, sự nghèo một phần do trình độ người dân thấp và cô thấy cần phải nâng cao trình độ bắt đầu từ lũ trẻ.

Vì vậy, khi mới đến nhận trường, nhận lớp, cô Hiền đã có ý tưởng sao cho trường học vừa là nơi học tập, lại vừa là nơi vui chơi của bọn trẻ.

Dưới sự tham mưu của cô Hiền, Ban giám hiệu Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đại Thành đã làm sân đá bóng, sân bóng chuyền cho học sinh ngay bên cạnh sân trường, các em được chơi thoải mái hàng ngày.

Cũng từ đó, nhà trường lần đầu tiên giành được giải Ba Giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng của huyện Tiên Yên năm 2019.

Cô giáo Vuông không nhỏ bé ở Huổi Thủng 2
Cô giáo Vuông không nhỏ bé ở Huổi Thủng 2

Để các bài giảng dễ tiếp thu hơn, cô giáo Hiền đã soạn bài chi tiết, xây dựng câu hỏi phù hợp với các đối tượng, gây hứng thú cho học sinh.

Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thực hiện nhiều phương pháp dạy học mới “Lấy học sinh làm trung tâm”.

Cô Hiền đã có sáng kiến “Vận dụng phương pháp trò chơi trong giảng dạy môn giáo dục công dân, tạo hứng thú và rèn luyện kỹ năng cho học sinh”.

Sáng kiến này đã được Hội đồng Khoa học sáng kiến huyện Tiên Yên công nhận vào năm 2017.

Cụ thể, xen kẽ các hoạt động chơi trong giờ học giáo dục công dân với các trò chơi “tiếp sức”, “nhanh tay, nhanh mắt”, “hái hoa dân chủ”, “tập làm nhà báo”, “thi hát hay, đọc dân ca, tục ngữ”, “chơi ô chữ”.

Kết quả, học sinh thấy hứng thú hơn khi học môn học được cho là “khô cứng” này.

Cuối năm, lớp thử nghiệm đưa sáng kiến của cô Hiền vào giảng dạy có số lượng học sinh hăng hái tham gia học bài, phát biểu ý kiến đạt 77,8%, cao gần gấp đôi lớp khác (đạt 42%).

Từ khi đổi mới cách giảng dạy, số lượng học sinh đạt khá trở lên toàn trường chiếm hơn 50%.

Đây là con số rất đáng tự hào ở một ngôi trường vùng cao có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số như trường Đại Thành.

Cô giáo Hiền cho biết thêm, trong trường có 5 học sinh khuyết tật, bị thiểu năng về trí tuệ.

Cô nắm được tâm lý của các em khuyết tật thường rụt rè vì sợ bị các bạn coi thường, thiếu thiện cảm với bạn bè, thầy cô cùng cộng đồng xã hội.

Để giúp các em hòa nhập tốt hơn, cô Hiền đã có sáng kiến “Giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đại Thành”, được Hội đồng Khoa học Sáng kiến huyện Tiên Yên công nhận năm 2018.

Từ sáng kiến này, các em học sinh khuyết tật của trường không bị “bỏ lại phía sau” và 3/5 em đã đạt điểm các môn từ trung bình trở lên, 2 em còn lại thực hiện tương đối tốt các yêu cầu của giáo viên.

Với những nỗ lực với trẻ em vùng cao, cô giáo Hiền đã nhận được Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh năm 2018, vì đã có thành tích trong công tác và phong trào thi đua năm học 2017 - 2018.

Nhiều năm liên tục, cô giáo Nguyễn Thu Hiền là lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

TUẤN KIỆT