Lương giáo viên hợp đồng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước (điển hình như tỉnh Đắk Lắk, thành phố Hà Nội…) thấp đến không ngờ. Mức lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng.
Hàng ngàn giáo viên vẫn canh canh nỗi lo mất việc (Ảnh : Trinh Phúc) |
Cô L.T.X, một giáo viên hợp đồng có 20 năm công tác ở Hà Nội nói: “Tôi cũng nói thẳng: Mức lương 1.210.000 đồng mà Huyện trả cho chúng tôi không được gọi là lương mà gọi đúng ra là tiền xăng xe”.
Đó là chưa nói đến việc để có được một chân dạy hợp đồng như thế cũng chẳng hề đơn giản tí nào.
Không mất tiền thì cũng phải quen biết người này người kia mới mong có được một suất dạy hợp đồng.
Nhiều người thắc mắc, vì sao mức lương thấp thế nhưng nhiều giáo viên vẫn cố tình theo đuổi, cố tình bám lớp, bám trường?
Vì lòng yêu nghề mến trẻ ư? Điều này thì khỏi bàn cãi nhưng đau lòng thì vẫn phải nói một sự thật mà chính một số thầy cô cũng không thể nói ra lời.
Có đi dạy (dù là dạy hợp đồng) mới có cơ hội dạy thêm.
Đó là vì cuộc sống mưu sinh cho mình, cho cả gia đình vẫn nặng hơn rất nhiều.
Không ít thầy cô chấp nhận lương thấp để có học sinh dạy thêm
Người viết bài đã từng đi xin cho một người cháu vào dạy tại trường cấp 3 của huyện.
Người nhận xin dùm là đồng nghiệp khá thân. Trước khi đồng ý, bạn hỏi: “Cháu cậu dạy môn gì?”
Mình bảo môn Sử. Cậu bạn cho biết: “Giá hiện nay là 50 triệu cho các môn Toán, Anh văn, môn Sử tầm 30 triệu”.
Rồi cậu bạn nói thẳng: “Người ta bỏ dăm chục triệu ra chạy chỉ vài tháng lấy lại tiền.
Còn cháu cậu dạy môn ấy chỉ bằng đồng lương thì bao giờ mới lấy lại vốn?
Thôi, bảo nó chuyển nghề đi”. Và quả thật, khi nghe đến số tiền phải bỏ ra mới được vào dạy hợp đồng để ăn lương chưa tới 2 triệu, anh chị tôi đã không đồng ý chạy việc cho con”.
Nhiều giáo viên dạy Toán, Anh văn hiện nay ở nhiều trường trung học, tiền lương hàng tháng của họ chỉ là chuyện nhỏ, thu nhập chính luôn là khoản dạy thêm.
Thôi thì đủ hình thức dạy, dạy tăng tiết ở trường, dạy tại các trung tâm của đồng nghiệp, dạy tại nhà của mình.
Người thu nhập ít nhất cũng gấp dăm lần mức lương hợp đồng bèo bọt. Người dạy nhiều thì hàng chục triệu mỗi tháng.
Có người vì muốn tăng thu nhập nên đã dùng mọi cách buộc học trò phải đi học thêm.
Có không ít người nói chua chát: “Mất tiền chạy việc, lương thấp phải tranh thủ để bù”.
Giáo viên giỏi đúng nghĩa chẳng cần vào trường công vẫn sống tốt
Ở các vùng quê thì hơi khó chứ ở thành thị hiện nay, các trường tư thục cũng mọc lên khá nhiều. Bên cạnh đó, cũng không thiếu các trung tâm cần tuyển giáo viên.
Thế nhưng vào dạy những nơi này, giáo viên phải có chuyên môn vững vàng, phải dốc hết sự nhiệt tình vốn có mà không thể thong thả, thảnh thơi như ở nhiều trường công hiện nay.
Bên cạnh đó, nhu cầu học thêm của con em chúng ta hiện nay cũng khá lớn.
Thầy dạy giỏi (dù không phải thầy dạy ở trường) học sinh cũng tự tìm đến nhà.
Những thầy cô giáo như thế này thu nhập vào hàng khủng (vài ba chục đến dăm chục triệu thậm chí hàng trăm triệu/tháng).
Thầy cô ít giỏi hơn có thể làm gia sư, dạy kèm học sinh ở các gia đình.
Nhiều gia đình có điều kiện thích mướn thầy về nhà dạy kèm cho con.
Học phí 1 tháng khoảng 3 triệu đồng. Nói là một tháng nhưng chỉ khoảng 8-10 buổi, mỗi buổi cũng chỉ học 1 tiếng rưỡi.
Nếu có vài ba ca dạy như thế lo gì không có tiền để sống?
Không ít sinh viên đang chọn nghề gia sư để kiếm thu nhập thì giáo viên đang thất nghiệp tại sao không thể làm công việc này?
Đương nhiên, việc mở lớp dạy thêm ở nhà khi thầy cô giáo ấy không còn dạy ở trường phải đặc biệt uy tín.
Hay đi dạy gia sư phải chấp nhận việc vất vất vả hơn rất nhiều.
Đã đến lúc giáo viên cần dũng cảm vứt bỏ để tìm việc mới
|
Câu chuyện hàng trăm giáo viên ở Hà Nội đang đứng trước nguy cơ bị sa thải trong khi không ít người đã cống hiến cho ngành giáo dục gần ba chục năm.
Đây là việc làm thiếu đi tình người, khô cạn lòng nhân, một kiểu làm việc “vắt chanh bỏ vỏ” đáng lên án của một số cán bộ mang danh chính quyền nơi đây.
Thế nhưng, những nhà giáo đã và đang cho mình là những giáo viên dạy giỏi, giáo viên nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy cũng nên mạnh mẽ hơn để mà dứt bỏ.
Thầy cô thật sự có kiến thức sẽ chẳng bao giờ sợ thất nghiệp nhất là ở Thủ đô nơi có không ít trường tư thục, có khá nhiều trung tâm dạy thêm, nơi mà người dân luôn trọng việc học của con, nơi mà kinh tế mỗi gia đình khá giả hơn nhiều những vùng quê khác.
Thầy cô hãy dùng kiến thức, kinh nghiệm bao năm đứng lớp của mình để đi tìm việc mới dù bước đầu bao giờ cũng khó khăn, trắc trở.
Đừng có than khóc hay trông chờ phép màu vì cũng chẳng thể giải quyết được gì.
Phép màu chỉ có trong truyện cổ tích, chỉ có sự mạnh mẽ, quyết tâm mới giúp được mình.