Đại biểu Lê Thị Nga: Tại sao cũng cơ chế đó mà chỉ thu hút được BOT giao thông?

17/09/2019 06:09
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đó là câu hỏi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - bà Lê Thị Nga đặt ra và yêu cầu Chính phủ giải trình làm rõ.

Ngày 16/9, trong khuôn khổ phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Trong phần thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - bà Lê Thị Nga đã đặt ra hàng loạt câu hỏi với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư về những hạn chế lớn nhất thời gian qua của các hình thức đầu tư này, tương ứng với từng hạn chế thì điểm nào trong luật khắc phục được.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - bà Lê Thị Nga. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - bà Lê Thị Nga. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Lê Thị Nga nêu: “Ví dụ như các dự án BOT, ngay trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đưa định hướng là tập trung vào BOT để kiểm tra công khai, minh bạch có tham nhũng không? Bây giờ khắc phục bằng quy định nào?

Khi có BOT thì tại sao phần nhiều thu hút là các dự án giao thông mà không thu hút được ở các lĩnh vực khác? Cần trả lời tại sao cũng cơ chế đó nhưng chỉ thu hút được dự án BOT giao thông”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề.

Đại biểu cũng nêu lên thực tế là liên quan đến các dự án BOT giao thông, cả ba bên là nhà đầu tư, người dân, Nhà nước đều có vướng mắc.

Nhà đầu tư thì chủ yếu kêu lỗ, người dân thì không đồng tình với việc BOT đặt ở đường độc đạo, buộc người dân phải đi. Trong khi đó, có chuyên gia tính toán là không thể lỗ được nhưng nhà đầu tư vẫn kêu lỗ. Từ đó, bà đề nghị Chính phủ trả lời quốc tế làm BOT có rơi vào tình trạng này không?

Băn khoăn về việc áp dụng hình thức đầu tư BT như Chính phủ đã đề cập là nóng vội, tràn lan, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi về việc “Tại sao thế giới không áp dụng hình thức này nữa mà chúng ta vẫn tiếp tục?”.

Bà cũng băn khoăn đối với cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu của các dự án BOT, khi mà việc đặt trạm không hợp lý, Nhà nước yêu cầu thay đổi trạm thì Nhà nước lại phải chia sẻ đối với rủi ro về doanh thu này. Trong khi đó, lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp có nhiều rủi ro hơn thì có tính toán đến việc chia sẻ rủi ro?

Trước đó, trong phần trình bày tóm tắt tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Việt Nam mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu được thực hiện từ năm 1997, khi Chính phủ ban hành Nghị định 77-CP về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) áp dụng cho đầu tư trong nước.

Theo số liệu báo cáo của Chính phủ, tính đến đầu năm 2019, có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, trong đó 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác. Thông qua đó, huy động được hơn 1,6 triệu tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.

Các công trình, dịch vụ có được từ các dự án PPP đã góp phần tích cực hoàn thiện số lượng, chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải... kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu đối với sản xuất trong nước.

Bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, hầu hết các dự án được thực hiện kiểm toán thì đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, như vậy là tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo. Đã xảy ra bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí.

Cơ chế giám sát, đặc biệt là các cơ chế giám sát doanh thu của nhà đầu tư, chế tài xử lý vi phạm đối với nhà đầu tư cũng như đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn thiếu, chưa chặt chẽ...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: TTXVN

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết phải ban hành dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, việc xây dựng cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ trong dự án Luật này là cần thiết, đáp ứng được sự mong đợi của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung ngay tại dự thảo Luật một số quy định mang tính nguyên tắc như quy định cụ thể về điều kiện, phạm vi, trường hợp áp dụng các cơ chế bảo đảm (bảo đảm cân đối ngoại tệ, bảo đảm cam kết thực hiện nghĩa vụ, bảo đảm nghĩa vụ cung cấp nguyên liệu…) đồng thời xây dựng cơ chế đánh giá, theo dõi và quản lý các nghĩa vụ nợ dự phòng, rủi ro tài khóa tiềm ẩn từ các dự án PPP trong bối cảnh số lượng dự án PPP và tích lũy vốn PPP sẽ tăng lên đáng kể ở cả cấp Trung ương và địa phương, tránh việc bảo đảm của Chính phủ một cách tràn lan, nhằm kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô.

Các ý kiến đại biểu cho rằng, dự án luật có thể đưa ra tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV để cho ý kiến.

Đỗ Thơm