Giám đốc bệnh viện cúi đầu xin lỗi bà mẹ suýt mất con

05/11/2011 18:06
Đình Phương (Tổng hợp)
(GDVN) - Giám đốc bệnh viện cúi đầu xin lỗi bà mẹ suýt mất con; I-ran cảnh báo Mỹ chớ nên “va chạm” với Tê-hê-ran; 2,5 triệu người đổ về thánh địa Mecca...
Tin đọc nhanh sáng 05/11/2011
1. Giám đốc một bệnh viện phụ sản ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông đã đích thân tới xin lỗi bà mẹ của bé sơ sinh bị vứt nhầm gây xôn xao dư luận Trung Quốc. Em bé này chào đời sớm ở tháng thứ 8 hôm 26/10. Vì bé không khóc và có dấu hiệu ngừng thở khi chui ra khỏi bụng mẹ và làn da tím tái nên đội ngũ y tế tưởng rằng em bé đã chết và vứt em bé vào túi bóng. Người nhà của em sau đó đã đề nghị xem thi thể bé, nhờ đó mà bé trai may mắn được phát hiện còn sống 30 phút sau khi chào đời.
2. Khi những hoài nghi I-ran đứng đằng sau âm mưu ám sát Đại sứ A-rập Xê-út tại Oa-sinh-tơn còn chưa được giải tỏa, quan hệ I-ran và Mỹ lại tiếp tục “nổi sóng” khi xuất hiện những thông tin tiết lộ, Mỹ, Anh và I-xra-en “đang lên kế hoạch tấn công Tê-hê-ran. Ngày 3-11, Bộ Ngoại giao I-ran đã triệu tập Đại sứ của Thụy Sĩ, bà Livia Leu Agosti, để phản đối các đe dọa trên. Đại sứ quán Thụy Sĩ tại I-ran hiện kiêm nhiệm giải quyết các vấn đề ngoại giao của Mỹ tại I-ran vì hai nước này chưa có quan hệ ngoại giao. Trong khi Mỹ, I-xra-en và Anh không loại trừ khả năng tấn công I-ran, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố, không có ý định can thiệp quân sự vào quốc gia vùng Vịnh này.
3. Ông George Papandreou thừa nhận đã phạm sai lầm khi đưa ra đề xuất trưng cầu ý dân về kế hoạch cứu trợ mới của Liên hiệp châu Âu dành cho Hy Lạp. Dù vậy, ông Papandreou đã kêu gọi sự thống nhất trong nội bộ đảng và cho rằng việc vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm là cách duy nhất để bảo đảm Hy Lạp có thể thực thi thỏa thuận cứu trợ của EU. Trong khi đó, thủ lĩnh Đảng Dân chủ mới đối lập Antonis Samaras đã lặp lại lời kêu gọi ông Papandreou từ chức và tổ chức bầu cử sớm. Ông Samaras chỉ trích ông Papandreou suýt chút nữa đã “phá hủy Hy Lạp, châu Âu, đồng euro, các thị trường quốc tế và cả đảng của mình”.
4. Khoảng 2,5 triệu tín đồ Hồi giáo bắt đầu hành hương về thánh điện Mecca của Ả Rập Saudi trong lễ hội lớn nhất hằng năm của những người theo đạo Hồi. Ước tính có 1,7 triệu tín đồ Hồi giáo sống gần thánh địa Mecca, 800.000 khách hành hương trên khắp Ả Rập Saudi cùng với 700.000 người từ khắp nơi trên thế giới đổ về Mecca trong dịp lễ năm nay. Điều này gây ra vô số khó khăn cho chính quyền trong việc đảm bảo an ninh lễ hội. Bộ trưởng Bộ nội vụ Ả Rập Saudi, hoàng tử Nayef bin Abdul Aziz - người vừa trở thành Thái tử của vương quốc giàu có này, cho biết: “Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực để ngăn chặn những tổn hại đến người hành hương”.
5. Kêu gọi đối thoại an ninh Mỹ - Úc - Ấn, đó là nội dung chính trong tài liệu “Chia sẻ mục tiêu, hướng tới lợi ích: Kế hoạch hợp tác Mỹ - Úc - Ấn ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương” được công bố ngày 4.11. Tài liệu viết: “Nghiên cứu này cung cấp các ý tưởng cho việc thành lập đối thoại và hợp tác giữa 3 nước về các vấn đề an ninh, chính trị, kinh tế” và ghi nhận thêm: “Từ năm 2009 đến nay, có hàng loạt diễn biến đáng quan ngại cho an ninh biển tại biển Đông, biển Hoa Đông, Hoàng Hải, đe dọa hòa bình, ổn định và phát triển của cả khu vực”.
6. Cho đến giờ phút này, các cơ quan tình báo Mỹ vẫn luôn liệt Nga và Trung Quốc là những mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích quốc gia. Trong một diễn biến khiến nhiều người tưởng rằng Chiến tranh lạnh dường như vẫn chưa chấm dứt, báo cáo tổng hợp từ 14 cơ quan tình báo của Mỹ khẳng định những cuộc tấn công mạng liên tục bất tận từ tình báo Trung Quốc và Nga, hợp tác với giới tin tặc, đã nuốt chửng phần lớn kết quả nghiên cứu công nghệ cao cũng như dữ liệu phát triển của người Mỹ để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế của mình. Trong lúc Điện Kremlin chưa có phản hồi chính thức về báo cáo trên, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Vương Bảo Đông đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc từ phía Mỹ, khẳng định Trung Quốc phản đối trước bất kỳ hình thức hoạt động xâm nhập mạng phi pháp. (Thanh niên/Reuters )
7. Ngày 6-11, cử tri Ni-ca-ra-goa đi bỏ phiếu bầu Quốc hội, Tổng thống  và người đứng đầu các tỉnh. Các đảng phái và cá nhân đã đăng ký tham gia tranh cử chức Tổng thống, Phó Tổng thống và các tỉnh trưởng từ  giữa tháng 3-2011. Cuộc vận động tranh cử tại  quốc gia Trung Mỹ này diễn ra quyết liệt giữa đảng FSLN cầm quyền và các lực lượng chính trị đối lập. Ni-ca-ra-goa  hiện vẫn là một quốc gia nghèo khó ở Trung Mỹ, nền chính trị và xã hội chưa ổn định bền vững, đồng thời là một mục tiêu để tranh giành ảnh hưởng của các thế lực nước ngoài. Các phe nhóm đối lập với đảng FSLN hoạt động mạnh và nuôi hy vọng trở lại nắm quyền. Những kết quả thăm dò dư luận và dự đoán của giới quan sát cho thấy, Tổng thống Ða-ni-en Oóc-tê-ga có nhiều khả năng thắng cử ở ngay vòng bỏ phiếu thứ nhất. (ND)
8. Ngày 4/11, truyền hình nhà nước Syria thông báo chính phủ sẽ ân xá cho những đối tượng tự giao nộp vũ khí trong vòng một tuần, từ ngày 5-12/11. Đây là đợt ân xá thứ hai của chính phủ kể từ khi khủng hoảng chính trị bùng phát tại đất nước này hồi giữa tháng Ba. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ rút lực lượng an ninh khỏi đường phố, trả tự do cho tù nhân và đàm phán với phe đối lập. Trước đó, Damascus đã công khai cáo buộc một số quốc gia đứng đằng sau làn sóng bạo động tại Syria, thậm chí tài trợ cho các nhóm khủng bố có vũ trang đã sát hại hàng trăm cảnh sát và binh lính chính phủ kể từ khi bạo lực bùng nổ tại đất nước này.
 
9. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy – Chủ tịch Hội nghị G20 vừa có cuộc họp báo kết thúc hội nghị, cho biết các thành viên nhóm G20 nhất trí tăng nguồn lực cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nếu cần và một quyết định về các biện pháp liên quan sẽ được đưa ra vào tháng 2/2012. Đánh giá về kết quả hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barrosso khẳng định “Hội nghị G20 đã kết thúc thành công, nhưng dĩ nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm”. Tuy nhiên, đại diện một số tổ chức phi chính phủ bày tỏ thất vọng trước kết quả hội nghị thượng đỉnh tại Cannes, cho rằng hội nghị đã quên nhiều vấn đề lớn của thế giới để tập trung vào cứu khu vực đồng euro và Hy Lạp. (VOV)
10. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đang tăng cường sơ tán những người dân châu Phi di cư bị mắc kẹt tại Libya. Hiện IOM đang lên kế hoạch sơ tán thêm nhiều người dân di cư tới từ Zambia, Senegal, Mali, Ghana, Chad và Nigieria ra khỏi quốc gia đầy bất ổn này. Người phát ngôn của IOM Jumbe Omari Jumbe cho biết: “Chúng tôi vừa thu thập nhiều báo cáo về những người di cư đến với chúng tôi. Họ nói rằng họ đang lo lắng về cuộc sống của mình. Đó là lý do vì sao họ muốn trở về. Tuy nhiên hầu hết những người trong số họ đến với chúng tôi cũng bởi vì họ băn khoăn rằng liệu họ có thể tiếp tục làm việc và được phép quay trở lại làm việc hay không”. (VOV/UN)


Đình Phương (Tổng hợp)