Ngày 20/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo giáo dục Việt Nam 2019 về vấn đề phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế.
Tới dự hội thảo có ông Uông Chu Lưu- Phó Chủ tịch Quốc hội cùng nhiều đại biểu quốc hội, nhà khoa học, chuyên gia.
Khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn coi “phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển”, theo đó, phải ưu tiên để tạo dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, chủ trương này càng được thể hiện mạnh mẽ để giáo dục và đào tạo thực sự là đòn bẩy của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đồng thời là tiền đề quan trọng để tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh. (Ảnh: Khánh Duy) |
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội: “Trong hơn 30 năm đổi mới, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từng bước hội nhập tích cực theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới.
Trong thành quả chung ấy, có sự đóng góp quan trọng của giáo dục nghề nghiệp với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Đước biết, để tạo điều kiện cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp phát triển, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Luật Giáo dục năm 2005 đã có một mục riêng quy định về giáo dục nghề nghiệp.
Trên cơ sở đó, Luật Dạy nghề đã được Quốc hội Khóa 11 thông qua, tạo nền tảng pháp lý và thuận lợi cho hoạt động đào tạo nghề phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.
Nhờ đó, đã hình thành mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề nghiệp rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình và ngành nghề đào tạo. Quy mô đào tạo nghề không ngừng tăng, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân, góp phần tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo, qua đó, đóng góp đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trường nghề nhất định phải gắn kết với các doanh nghiệp |
Triển khai tinh thần Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp với nhiều đổi mới quan trọng và đột phá như hợp nhất các trình độ đào tạo;
Đổi mới về tổ chức và quản lý đào tạo, về chính sách cho người học, nhà giáo và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, tăng cường sự phối hợp, tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động vào hoạt động đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động và của xã hội.
Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức – giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.
Chính vì vậy, ông Uông Chu Lưu đánh giá, việc lựa chọn chủ đề Hội thảo “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” vừa có ý nghĩa cụ thể, thiết thực vừa mang tầm vĩ mô, gắn với hoạt động hoạch định chính sách, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thiện thể chế và chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: Thùy Linh) |
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn từ Hội thảo này, các vị đại biểu sẽ có cái nhìn tổng thể, rõ nét về thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay; cùng tập trung phân tích kỹ nguyên nhân của thành công cũng như tồn tại;
Đặc biệt là đề xuất nhiều giải pháp phù hợp, khả thi và hiệu quả cho việc phát triển giáo dục nghề nghiệp nước ta trong giai đoạn tới - Giai đoạn mà Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Kết quả Hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Theo Ban tổ chức, nội dung thảo luận tại hội thảo tập trung vào các vấn đề chủ yếu gồm:
Thứ nhất, trong phần chung, các đại biểu tập trung quan tâm, thảo luận về quan điểm, xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam;
Thứ hai, về thể chế giáo dục nghề nghiệp các đại biểu tập trung vào phân tích hệ thống chính sách, pháp luật và yêu cầu đặt ra đối với việc nâng cao chất lượng thể chế giáo dục nghề nghiệp, tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới quản lý nhà nước, thúc đẩy tự chủ, đổi mới quản trị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có sự so sánh giữa hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và của quốc tế.
Thứ ba, về quan hệ doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp, nội dung tập trung thảo luận xoay quanh vấn đề chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo và cách làm để việc đào tạo đáp ứng được nhu cầu thực tiễn sử dụng lao động của doanh nghiệp, trong đó có thảo luận về các mô hình đào tạo nghề kết hợp với doanh nghiệp, đào tạo tại doanh nghiệp với những kinh nghiệm cụ thể cả trong nước và nước ngoài.
Thứ tư, về bảo đảm chất lượng, các đại biểu đi sâu phân tích, làm rõ những mặt mạnh, yếu trong hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp; những yêu cầu, thách thức đặt ra đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trước bối cảnh biến động nhanh chóng và khó lường của thị trường lao động và việc làm dưới sự tác động của cách mạng khoa học kỹ thuật; từ đó đề xuất giải pháp, định hướng cho việc bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo nghề.