Chuẩn bị kỳ họp 8, không gửi tài liệu bằng văn bản giấy đến Văn phòng Quốc hội

24/09/2019 07:30
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là nhấn mạnh trong thông báo triệu tập Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Dự kiến, kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 21/10 đến 21/11.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 20/9 vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có văn bản số 3061/TTKQH-TH thông báo triệu tập Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Thông báo gửi các đại biểu Quốc hội, các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào ngày 21/10/2019 và dự kiến bế mạc vào ngày 21/11/2019.

Ảnh minh họa. Ảnh tư liệu: Báo Đảng Cộng sản.
Ảnh minh họa. Ảnh tư liệu: Báo Đảng Cộng sản.

Căn cứ các quy định của pháp luật, trên cơ sở xem xét đề nghị của cơ quan hữu quan và tình hình chuẩn bị thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội cho phép bổ sung 02 nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình tại 01 kỳ họp là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Để kỳ họp thứ 8 đạt kết quả tốt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn chỉnh tài liệu các nội dung kỳ họp để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, đề nghị các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu, góp ý kiến về các nội dung kỳ họp.

Ủy ban Thường vụ Quôc đề nghị các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm tổ chức tiếp xúc cử tri theo quy định và gửi báo cáo tổng hợp về Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Ban Dân nguyện) và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sớm gửi câu hỏi chất vấn, đề xuất nhóm vấn đề cần được Quốc hội tiến hành chất vấn tại kỳ họp thứ 8 đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dành thời gian cho ý kiến về dự kiến chương trình kỳ họp.

Thông báo của Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết, tại kỳ họp này, phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp trên thiết bị di động tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung tính năng mới để nâng cao hơn nữa tiện ích của phần mềm.

Các cơ quan hữu quan không gửi tài liệu bằng văn bản giấy, chỉ gửi tài liệu điện tử đến Văn phòng Quốc hội để gửi đến đại biểu Quốc hội. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội lưu ý sử dụng tối đa các tiện ích của công nghệ thông tin để thuận tiện trong nghiên cứu, sử dụng tài liệu kỳ họp.

Thường vụ Quốc hội không tán thành mở rộng khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ
Thường vụ Quốc hội không tán thành mở rộng khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ

Tổng Thư ký Quốc hội đặc biệt lưu ý, thời gian qua, cử tri của một số địa phương đề nghị bên cạnh sự cố gắng cải tiến, đổi mới công tác chuẩn bị, phục vụ kỳ họp của các cơ quan hữu quan, các vị đại biểu Quốc hội cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm để hoàn thành tốt chương trình kỳ họp và nâng cao chất lượng các nội dung Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong đó, việc thảo luận phải vừa bảo đảm phản ánh đầy đủ ý kiến, nguyện vọng của cử tri vừa đưa ra được những vấn đề có tính chất vĩ mô, đúng tầm nghị sự Quốc hội.

Đặc biệt, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội cần tập trung kiến nghị những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tránh tình trạng chỉ nêu tình hình, đánh giá chung chung.

Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, kiến nghị nêu trên của cử tri để chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung phát biểu tại kỳ họp

Đỗ Thơm