Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 20/9, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Thủ thướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có mức tăng dân số cơ học cao và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Đồng thời, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát cụ thể số biên chế giáo dục, y tế của các địa phương để bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, “có bệnh nhân thì phải có viên chức y tế” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tiến hành thẩm định số lượng người làm việc (biên chế viên chức) và hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Lượng, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế , Bộ Nội vụ (ảnh Trinh Phúc). |
Tuy nhiên, trước tình hình các địa phương thiếu biên chế giáo viên, tại cuộc họp báo phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã hỏi Bộ Nội vụ về lý do vì sao thiếu và cách giải quyết tình trạng này.
Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Lượng, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế cho biết, vốn dĩ thực hiện chủ trương tinh giản biên chế thì Đảng, Chính phủ đã có các chỉ đạo, đặc biệt là Kết luận 17 của Bộ Chính trị chỉ rõ tinh thần tinh giản biên chế không hạn chế tất cả các ngành, không trừ một ngành nào.
Tuy nhiên, để đảm bảo tinh thần giải quyết giáo viên đứng lớp, Bộ Chính trị đã có văn bản số 1480 giao cho Bộ Nội vụ, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát biên chế ở các địa phương.
Giáo viên có hợp đồng trước ngày 31/12/2015 được tuyển đặc cách, không phải thi |
Quá trình rà soát, Bộ Nội vụ đã giao biên chế cho bậc mầm non với 14 tỉnh có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh tây nguyên. Đối với các tỉnh còn lại, phải tiếp tục giao cho các bộ và địa phương rà soát.
Bộ đã có văn bản gửi các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài Chính có văn bản để Bộ Nội vụ báo cáo với Chính phủ để có phương án xử lý.
Cũng liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho rằng, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và nhân viên ngày y tế thì tinh thần trước khi đề xuất nghiên cứu phải căn cứ vào kết quả thực hiện Nghị quyết 19 Trung ương khóa 12.
Hai năm thực hiện kết quả sắp xếp theo Nghị quyết 19 Trung ương khóa 12 của địa phương thực hiện ra sao?
Như việc sáp nhập trường phổ thông nhiều cấp học, thu gọn các điểm trường, rồi vấn đề chuyển sang thực hiện chế độ tự chủ, xã hội hóa, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức…
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho rằng, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và nhân viên ngày y tế thì tinh thần trước khi đề xuất nghiên cứu phải căn cứ vào kết quả thực hiện Nghị quyết 19 Trung ương khóa 12 (ảnh Trinh Phúc). |
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh: “Chủ trương tinh giản biên chế gắn liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Các địa phương vừa rồi có báo cáo với Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ có ý kiến chỉ đạo đề nghị các địa phương đánh giá tổng thể kết quả triển khai thực hiện. Trước đây các địa phương cũng đưa ra các con số giờ cần đánh giá lại tình trạng thừa thiếu giáo viên của từng cấp học.
Đến nay chưa có báo cáo tổng thể. Việc này cần phải xác định rõ theo tiêu chuẩn chức danh, xác định số biên chế từ đó mới cơ cấu lại”.