Phó hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Công đoàn nhà trường chỉ có lợi cho Hiệu trưởng

27/09/2019 06:43
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Người đại diện của tổ chức công đoàn nhà trường đã là thành viên Ban giám hiệu thì ai sẽ là người đại diện để nói lên tiếng nói của người lao động?

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số nhà trường vốn đã mờ nhạt, hình thức bởi Hiệu trưởng thường dùng quyền uy của mình để phủ nhận mọi ý kiến đóng góp, phản biện của giáo viên khi góp ý những điều chưa phù hợp.

Bây giờ, nhiều trường học đã không còn độc lập chức danh Chủ tịch Công đoàn mà Phó hiệu trưởng kiêm luôn. Chính vì thế, vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn trong những trường có người kiêm nhiệm 2 chức danh này gần như không phát huy được.

Chủ tịch Công đoàn đã không đứng về quyền lợi người lao động mà luôn nghiêng về phía Hiệu trưởng nhà trường khi có những ý kiến đóng góp của giáo viên. Bất cập này rất cần được tháo gỡ để tổ chức công đoàn trở lại vị thế của mình.

Phó hiệu trưởng không nên kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn nhà trường (Ảnh minh họa: Website trường Trung học phổ thông Tứ Sơn (Bắc Giang)

Phó hiệu trưởng không nên kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn nhà trường (Ảnh minh họa: Website trường Trung học phổ thông Tứ Sơn (Bắc Giang)

Thời gian qua, chúng ta thấy có tình trạng một số giáo viên ở các nhà trường học đứng lên kiện cáo, khiếu nại về quyền lợi của mình như việc đối xử chưa bình đẳng giữa các giáo viên trong trường trong phân công nhiệm vụ.

Rồi việc điều chuyển giáo viên, việc mất đoàn kết nội bộ, việc quyền lợi của giáo viên chưa được xem trọng, chuyện lạm thu, bớt xén bữa ăn của học trò…Nhưng, chúng ta thấy một điều rất rõ là vai trò của công đoàn nhà trường gần như chẳng thấy đâu?

Quy chế dân chủ trong nhà trường mờ nhạt

Đáng lẽ ra, khi Chủ tịch Công đoàn nhà trường độc lập với Ban giám hiệu thì ít nhiều quyền lợi của người lao động cũng được chú trọng hơn. Nhưng, khi thực hiện hợp nhất các chức danh thì những bất cập trong công tác, trong chăm lo đời sống của người lao động không được công đoàn nhà trường chú trọng.

Những các cuộc họp của nhà trường, có khi giáo viên phản biện những điều chưa hợp lý nhưng vì Chủ tịch Công đoàn là Phó hiệu trưởng thành ra không chỉ Hiệu trưởng phủ nhận ý kiến đóng góp của anh em trong đơn vị mà Phó hiệu trưởng cũng hùa theo.

Chính vì thế, các cuộc họp của nhà trường dù quan trọng hay không quan trọng, dù có liên quan đến quyền lợi hay không liên quan thì giáo viên chỉ biết chấp hành mệnh lệnh.

Đấu tranh, đóng góp cho quyền lợi của người lao động đã không được tổ chức nào đứng lên bảo vệ. Và, quy chế dân chủ của một số đơn vị trường học đã thực sự mờ nhạt, không rõ nét.

Giảm đầu mối nhưng kinh phí vẫn phải trả cho 2 chức danh

Phó hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Công đoàn nhà trường chỉ có lợi cho Hiệu trưởng ảnh 2Đâu là vai trò của Công đoàn trường học?

Phụ cấp chức vụ của Phó hiệu trưởng nhà trường được cộng vào tiền lương và trả hàng tháng bằng nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường.

Phụ cấp Chủ tịch Công đoàn cũng như các thành viên Ban chấp hành công đoàn được trả bằng kinh phí công đoàn nhà trường theo từng quý hoạt động.

Hàng tháng, mỗi công đoàn viên trừ 1% tổng số lương của mình để đóng công đoàn phí, số tiền này được công đoàn nhà trường nộp lên công đoàn huyện, tỉnh (tùy vào cấp học) sau đó tổ chức công đoàn cấp trên trích kinh phí về cho công đoàn nhà trường hoạt động.

Nguồn kinh phí hoạt động công đoàn sẽ trích lại một phần để trả phụ cấp trách nhiệm cho Ban chấp hành công đoàn nhà trường. Vì vậy, Phó hiệu trưởng khi kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn được nhận 2 đầu lương khác nhau.

Như vậy, dù đầu mối nhân sự có giảm đi nhưng kinh phí của nhà trường, công đoàn nhà trường phải chi thì không hề giảm. Nhưng, khi 2 chức danh do một người kiêm nhiệm thì rõ ràng người kiêm nhiệm đó không thể làm tốt công việc như mỗi người một chức danh.

Điều bất cập nhất xảy ra là khi làm một việc gì thì Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng cũng phải bàn luận với nhau mới triển khai đến Hội đồng sư phạm nhà trường. Những kế hoạch phù hợp thì không sao nhưng những điều bất hợp lý thì giáo viên cũng không thể nào góp ý và có góp ý thì cũng chẳng mấy khi Hiệu trưởng chịu lắng nghe.

Người đại diện của tổ chức công đoàn nhà trường đã là thành viên Ban giám hiệu thì ai sẽ là người đại diện để nói lên tiếng nói của người lao động?

Phó hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Công đoàn nhà trường chỉ có lợi cho Hiệu trưởng ảnh 3Cán bộ công đoàn ở nhà trường đang lo cho ai?

Điều tréo ngoe nhất là trong ngày hội nghị cán bộ, viên chức của nhà trường thường có việc ký cam kết thi đua và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan giữa Ban giám hiệu nhà trường với đại diện tổ chức công đoàn.

Vì thế, mới có chuyện bi hài là Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng ký kết với nhau. Trong khi, các chỉ tiêu thì Ban giám hiệu thống nhất để đề ra cho các tổ và giáo viên thực hiện!

Nên độc lập chức danh Chủ tịch Công đoàn

Những trường loại 2, loại 3 hiện nay thì chỉ có 1 Phó hiệu trưởng nên thường là Phó hiệu trưởng phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc như phụ trách mảng chuyên môn, phổ cập, ngoài giờ…

Trong khi vị này cũng phải dạy 4 tiết theo quy định hiện hành nên công việc của Phó hiệu trưởng rất nặng. Vì vậy, khi họ kiêm nhiệm thêm chức danh Chủ tịch Công đoàn thì khó có thể dành tâm huyết cho công việc của công đoàn?

Thiết nghĩ, lãnh đạo cấp trên cần xem xét lại 2 chức danh kiêm nhiệm này bởi trong nhà trường có nhiều giáo viên chứ đâu có thiếu nguồn đâu? Hơn nữa, kinh phí vẫn phải trả đều đặn cho cả 2 chức danh này, kể cả kiêm nhiệm hay không kiêm nhiệm thì giảm đầu mối để làm gì?

Tại sao lại không độc lập 2 chức danh này để tổ chức công đoàn có thể vừa chăm lo được quyền lợi của người lao động, vừa giám sát được quy chế dân chủ ở cơ quan được tốt hơn?

Rõ ràng, việc một người kiêm nhiệm Phó hiệu trưởng và Chủ tịch Công đoàn nhà trường thì chỉ giúp cho Hiệu trưởng thực hiện tốt các chỉ đạo của mình còn quyền lợi của giáo viên, của người lao động sẽ bị ngó lơ là điều không tránh khỏi!

NGUYỄN NGUYÊN