Quá trình hình thành biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia
Người Khmer Krom thường viện dẫn những lý do lịch sử và văn hóa để chứng minh chủ quyền của họ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Họ cho rằng, một trong những nhóm dân cư bản địa đầu tiên trên vùng đất này là con cháu những người Khmer trốn chạy các cuộc vây bắt nô lệ để xây dựng đền đài quanh khu vực Siem Reap và Battambang từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 14 và sau đó là những cuộc nội chiến và tấn công của người Thái từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18.
Tuy nhiên, khi xem xét quyền thụ đắc lãnh thổ của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ nào đó, nhất thiết phải dựa vào các nguyên tắc pháp lý phổ biến thích hợp cho từng thời kỳ lịch sử nhất định, chứ không thể tùy tiện giải thích và áp dụng bất kỳ một phương thức nào chỉ phục vụ cho tham vọng lãnh thổ của một thế lực chính trị nào đó.
Bởi vì, về mặt pháp lý, các vương triều Khmer chưa bao giờ làm chủ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hơn nữa, cũng cần nhấn mạnh rằng sự có mặt đầu tiên của một tộc người ở một vùng đất nào đó không phải là yếu tố quyết định vùng đất đó có phải là lãnh thổ của quốc gia mà tộc người đó xuất phát.
Cho nên, chỉ dựa vào các dấu tích về sự tồn tại của một tộc người để đòi hỏi chủ quyền, lãnh thổ là hoàn toàn trái với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ theo thông lệ quốc tế.
Tiến sĩ Var Kimhong và Tiến sĩ Trần Công Trục trong lễ ký biên bản cuộc họp vòng 2 Ủy ban Liên hợp hoạch định biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia tại Hà Nội (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Trong khi đó, nhà nước Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quá trình thực thi chủ quyền đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra theo những phương thức thụ đắc lãnh thổ đương thời, tùy theo mật độ dân cư và những biến động chính trị trong những thế kỷ 17 và 18.
Trong giai đoạn lịch sử này, các chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền của mình tại vùng châu thổ sông Cửu Long phù hợp với các nguyên tắc pháp lý quốc tế hiện hành:
Nhà nước phong kiến Việt Nam đã quy thuộc các vùng đất vô chủ do cộng đồng người Việt Nam khai khẩn thành các đơn vị hành chính dưới sự cai quản của các quan chức thuộc quyền và chính thức tiếp nhận, sáp nhập và cai quản các vùng lãnh thổ được hiến tặng bởi các vương triều Chân Lạp….
Dưới thời bảo hộ Pháp (1863-1953), các vị vua Khmer đã có lần ngỏ ý đề nghị Pháp giao lại lãnh thổ Nam Kỳ cho Hoàng gia Khmer, nhưng người Pháp từ chối bởi một lý do đơn giản là chính nhà Nguyễn đã giao phần đất này cho Pháp năm 1862 và sau đó năm 1874 chứ không phải các vua Khmer.
Hơn nữa khi ký Hiệp ước bảo hộ vương quốc Cambốt năm 1863, Hoàng gia Khmer không hề đề cập tới phần lãnh thổ phía nam mà người Pháp gọi là Cochinchine (Nam Bộ, Việt Nam).
Vì vậy, Cộng hòa Pháp đã tiến hành xác lập biên giới theo đúng thủ tục pháp lý quốc tế hiện thời:
- Đoạn biên giới phía Bắc (Trung Kỳ-Cao Miên) nghị định của Toàn quyền Đông Dương (1904-1905).
- Đoạn biên giới phía Nam (Nam Kỳ-Cao Miên) Công ước Pháp-Campuchia năm 1870 và 1873) sửa đổi bổ sung bằng Nghị định năm 1893 của Thống đốc Nam Kỳ và Nghị định của Toàn quyền Đông Dương năm 1914.
Toàn bộ đường biên giới được thể hiện tương đối đầy đủ trên 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương xuất bản từ năm 1929 đến năm 1954.
Quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia
Áp dụng nguyên tắc Uti-possidetis (“Uti - possidetis, ita- possideatis”: “Hãy tiếp tục sở hữu cái gì mà anh đang sở hữu…”), Việt Nam và Campuchia đã thỏa thuận dựa vào hướng đi của đường biên giới đã được vẽ trên 26 mảnh bản đồ Bonne của Pháp, tỷ lệ 1/100.000, xuất bản từ trước năm 1954 hay gần năm 1954 làm cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề biên giới đất liền giữa 2 nước.
Vai trò của Pháp trong hoạch định biên giới Việt Nam - Campuchia |
Ngày 20/7/1983, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Nhân dân Campuchia đã ký Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam-Campuchia, trong đó đã thống nhất áp dụng hai nguyên tắc:
(1) Trên đất liền, hai bên coi đường biên giới hiện tại giữa hai nước được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất (kèm theo 26 mảnh bản đồ đã được hai bên xác nhận) là đường biên giới quốc gia giữa hai nước.
(2) Ở nơi nào đường biên giới chưa được vẽ trên bản đồ hoặc hai bên đều thấy chưa hợp lý thì hai bên sẽ cùng nhau bàn bạc, giải quyết trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Campuchia, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Trên cơ sở đó, giữa Việt Nam và Campuchia đã ký được Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985, sau đó năm 2005 lại ký thêm Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định năm 1985.
Căn cứ vào 2 Hiệp ước này, hai bên đã tiến hành phân giới cắm mốc. Đến nay, công tác phân giới cắm mốc đã thực hiện được khoảng 84% khối lượng công việc.
Hai bên đã cắm được các mốc giới ở hầu hết các địa điểm quan trọng như: cửa khẩu, nơi có đường giao thông cắt qua biên giới, nơi có dân cư tập trung sinh sống và canh tác, đặc biệt là cắm được cột mốc ở ngã 3 biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia và mốc cuối cùng của biên giới đất liền, mốc số 314 ngày 24/6/2012.
Tiếp tục hoàn thiện công tác phân giới cắm mốc và vấn đề quản lý biên giới hiện nay
Công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền:
Tuyên bố chung nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia từ ngày 20-22/7/2017 của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Điểm 8 ghi rõ:
“Hai bên đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban Liên hợp về phân giới cắm mốc trên đất liền (Ủy ban Liên hợp) đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công việc phân giới cắm mốc trên đất liền trên cơ sở các hiệp ước hoạch định biên giới giữa hai nước; tái khẳng định tôn trọng và thực hiện đầy đủ các hiệp ước hoạch định biên giới và các hiệp định biên giới liên quan đã ký giữa hai nước.
Hai bên bày tỏ quyết tâm hoàn thành việc xây dựng các mốc phụ, cọc dấu trong năm 2019 và hoàn thiện hồ sơ phân giới, cắm mốc liên quan theo các quy định của Ủy ban Liên hợp, tiến tới ký một văn kiện pháp lý để ghi nhận thành quả phân giới, cắm mốc đã hoàn thành 84%.
Đồng thời, tìm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được để giải quyết dứt điểm các đoạn biên giới còn tồn đọng nhằm hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền sớm nhất để cùng nhau xây dựng đường biên giới chung hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước”.
Bộ đội Biên phòng Việt Nam và các lực lượng quản lý biên giới Campuchia đã tiến hành các hoạt động tuần tra chung bảo vệ chủ quyền biên giới. (Ảnh minh họa: vtv.vn) |
Xuất phát từ thiện chí và thành ý của phía Việt Nam, trên tinh thần thật sự cầu thị và để tạo môi trường chính trị thuận lợi cho quá trình phân giới cắm mốc biên giới tại thực địa đang ở giai đoạn cuối cùng, Việt Nam và Campuchia tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán cấp chính phủ để tiếp tục trao đổi theo đúng tinh thần của Hiệp ước bổ sung 2005.
Trong khi chưa thống nhất được hướng đi của đường biên giới ở một số khu vực do còn có nhận thức khác nhau, hai bên sẽ cùng nhau tiến hành các công việc sau:
- Đối với khu vực có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới theo sông suối tàu thuyền không đi lại được thì áp dụng nguyên tắc đường biên giới sẽ là trung tuyến của dòng chảy chính (dòng sâu nhất, rộng nhất được xác định khi mực nước xuống thấp nhất); đối với sông suối tàu thuyền đi lại được, là trung tuyến của luồng tàu chạy chính (luồng tàu chạy chính được xác định khi mực nước xuống thấp nhất).
- Trong khi đàm phán để xác định hướng đi của đường biên giới theo nguyên tắc đã thỏa thuận, cần giữ nguyên hiện trạng quản lý trên thực tế và không được tiến hành tuyên truyền một chiều, kích động dư luận làm ảnh hưởng đến công việc phân giới cắm mốc đang ở giai đoạn cuối.
Trước hết cần hợp tác để thỏa thuận áp dụng một giải pháp tạm thời có tính thực tiễn, không để các thế lực chính trị đối lập lợi dụng gây bạo loạn, cản trở quan hệ giữa 2 nước, phá hoại những thành quả của quá trình giải quyết vấn đề biên giới đã đạt được cho đến nay.
- Hiện nay, còn tồn tại ở 7 khu vực do có sự nhận thức khác nhau chủ yếu là về kỹ thuật chuyển đổi bản đồ từ Bonnes của Pháp tỷ lệ 1/100.000 sang UTM của Mỹ tỷ lệ 1/50.000:
1. Tỉnh Gia Lai, mốc 30-40.
2. Tỉnh Đắk Lắk, mốc 40-44.
3. Tỉnh Đắk Nông, mốc 56-60 (Bu Phrang)
4. Tỉnh Tây Ninh (Vàm Trang Châu) mốc 139-147.
5. Tỉnh An Giang, mốc 241- 245.
6. Khu vực Bình Di mốc 253.
7. Tỉnh Kiên Giang, mốc 296-302 (Rạch Giang Thành).
Công tác quản lý biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia hiện nay:
Theo thông lệ, nếu công tác phân giới cắm mốc giữa các quốc gia có chung đường biên giới chưa được hoàn tất thì vấn đề quản lý biên giới trên toàn tuyến vẫn chưa đủ điều kiện để triển khai.
Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế và để có thể vượt qua những trở ngại do còn có nhận thức khác nhau ở một số khu vực khiến cho quá trình giải quyết vấn đề biên giới giữa các bên liên quan gặp nhiều trở ngại, thậm chí bị bế tắc, làm ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý biên giới tại thực địa, các bên có thể thỏa thuận áp dụng một “giải pháp quá độ” có giá trị pháp lý và thực tế; tạo môi trường thuận lợi cho các bên vừa tiếp tục hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc, vừa có thể tiến hành quản lý biên giới vì lợi ích chung của các bên liên quan.
Giữa Việt Nam và Campuchia cũng đang triển khai thỏa thuận áp dụng “giải pháp quá độ” đó.
Căn cứ vào thực tiễn quốc tế có liên quan đến vấn đề quản lý biên giới trong hoàn cảnh nói trên; xuất phát từ nhu cầu củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, đặc biệt giữa hai nước trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay và đáp ứng nguyện vọng chung của nhân dân 2 nước, chúng tôi tin tưởng rằng giải pháp mà Việt Nam và Campuchia thống nhất áp dụng để quản lý biên giới trong tình hình hiện nay là có ý nghĩa thực tế và phù hợp với Luật pháp và thực tiễn quốc tế. Bởi vì:
Cần nhận thức mới, tư duy mới để củng cố quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia |
Thứ nhất: Dựa vào các Thỏa thuận đã đạt được, làm căn cứ pháp lý để triển khai công tác quản lý biên giới Việt Nam-Campuchia:
- Hiệp định về quy chế biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia ngày 20/7/1983.
Trên danh nghĩa pháp lý thì cho đến nay Hiệp định này vẫn còn hiệu lực, mặc dù nó đã tồn tại trên 10 năm, với 2 lần mặc nhiên gia hạn theo quy định về hiệu lực của Hiệp định này.
Hiệp định này có 19 điều, trong đó có những điều khoản quy định ranh giới quản lý tạm thời trong khi chờ kết quả giải quyết biên giới mới giữa 2 nước và quy định xử lý các quan hệ xã hội diễn ra trong khu vực biên giới.
- Thông cáo báo chí ngày 17/01/1995, đặc biệt là nội dung nêu tại Điểm 8:
“Hai bên khẳng định lại lòng mong muốn xây dựng đường biên giới giữa hai nước thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, góp phần phát triển quan hệ hợp tác láng giềng tốt đẹp giữa hai nước.
Hai bên thỏa thuận trong khi chờ đợi giải quyết những vấn đề còn tồn tại về biên giới thì duy trì sự quản lý hiện nay, không thay đổi, xê dịch các cột mốc biên giới; giáo dục không để nhân dân xâm canh, xâm cư và cùng nhau hợp tác giữ gìn an ninh trật tự biên giới”.
Thứ hai: Vận dụng kết quả phân giới cắm mốc cho đến thời điểm hiện nay, kết hợp với những nguyên tắc đã thỏa thuận để quản lý biên giới một cách thích hợp và hiệu quả nhất; cụ thể là:
a. Đường biên giới đã phân giới cắm mốc trùng với đường biên giới quản lý thực tế: Quản lý theo biên giới và mốc giới mới.
b. Đường biên giới phân giới cắm mốc không trùng với đường biên giới quản lý thực tế: Quản lý theo đường biên giới và mốc giới mới.
c. Chưa phân giới cắm mốc: Quản lý theo thực tế; nếu chỗ nào vẫn còn nhận thức khác nhau thì cần bàn bạc thống nhất với Campuchia và phải theo chỉ đạo của Trung ương, không để các thế lực đối địch lợi dụng kích động chia rẽ, phá hoại thành quả đã đạt được.
Cần lưu ý: Trong thực tế việc phân giới cắm mốc chưa hoàn tất, những vấn đề đo đạc tính toán chuyển đường biên giới mô tả trong Hiệp ước hoạch định ra thực địa không tránh khỏi những sai số.
Có những khu vực do có nhiều yếu tố tự nhiên và dân cư… nên đã tạo ra những sai số lớn, thậm chí hai bên cần phải ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định đã ký và có hiệu lực vì những sai số đó, thậm chí không chỉ một lần bổ sung. Đó cũng là chuyện thường xảy ra trong thực tiễn quốc tế.
Vì vậy, khi xử lý những tranh chấp do cách giải thích và áp dụng các quy định nói trên, hai bên phải trên tinh thần cầu thị, hợp tác để cùng nhau đi khảo sát tại thực địa để tìm ra giải pháp thực tế nhất đối với một số khu vực phức tạp mà cách giải thích vận dụng còn khác nhau.
Trong tình hình hiện nay, phát huy những thành quả đã đạt được trong quá trình giải quyết vấn đề biên giới giữa 2 nước, Việt Nam và Campuchia cần tiếp tục trao đổi, đàm phán giải quyết các bất đồng trên tinh thần thiện chí, hữu nghị, láng giềng truyền thống và đặc biệt là phải tuân thủ một cách nghiêm túc các Hiệp ước, Hiệp định đã ký kết theo đúng nguyên tắc và thủ tục pháp lý quốc tế và của mỗi nước, với tư cách là những chủ thể bình đẳng, độc lập trong quan hệ quốc tế.