Cuối cùng thì sự lo lắng của người dân cũng được giải tỏa khi Bộ Giao thông Vận tải quyết định hủy đấu thầu quốc tế dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông.
Động thái này chỉ nên xem là điểm khởi đầu cho tiến trình tiến tới tự chủ trong các hoạt động kinh tế, song song với tự chủ trong chính trị.
Muốn thế, phải đẩy mạnh chủ trương huy động nội lực, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật người Việt, nguồn vốn nhiều tỷ đô la trong dân chúng và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bản chất hai mặt của một vấn đề khiến chúng ta không nên vội mừng, đặc biệt là những hoạt động kinh tế trong một thế giới hội nhập sâu.
Thứ nhất, về phía nhà nước:
Kết luận của Kiểm toán Nhà nước về các dự án BOT giao thông là bài học đắt giá về sự phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư,…cũng như hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm tra các cấp.
Một ví dụ là cách làm ăn gian dối của Công ty Giang Tô (Trung Quốc) trong gói thầu A3 thuộc Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Giá trị gói thầu này khoảng khoảng 1.360 tỉ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
Bộ Giao thông Vận tải quyết định hủy đấu thầu quốc tế dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông. Ảnh minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Một trong những nguyên nhân khiến Công ty Giang Tô có thể thực hiện các hành vi gian dối đã bị báo chí phanh phui:
“Vì lợi nhuận, nhà thầu gian dối, làm ẩu. Nhưng vấn đề cốt lõi là nếu không có sự bắt tay, thông đồng của đơn vị tư vấn, giám sát thì sự gian dối này khó trót lọt”. [1]
Mặt khác, dù là doanh nghiệp trong nước trúng thầu thì vẫn tồn tại vô số khúc mắc, thậm chí là khuất tất trong quá trình đấu thầu hoặc chỉ định thầu.
Tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, bát nháo khi đấu thầu diễn ra tuy khó nhận diện song ai cũng hiểu và không thể nói các cơ quan hữu quan đã thực hiện nghiêm chỉnh chức năng quản lý của mình.
Vụ hồ sơ dự thầu của một doanh nghiệp bị cướp ngay tại trụ sở “Ban quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu” thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình là một ví dụ.
Phía bị cướp mất hồ sơ đã có đơn tố cáo tội phạm nhưng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã tạm đình chỉ xác minh tin báo về tội phạm vì đối tượng cướp hồ sơ bị chết trong một vụ án khác?
Hiến kế ngăn chặn tham nhũng BOT giao thông |
Gần đây, từng có ý kiến cho rằng Dự án “Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)” vừa được trình tại phiên họp thứ 37 Ủy ban thương vụ Quốc hội dường như có sự “cài cắm chính sách” khi đề xuất nhà nước chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư trong các hợp đồng đối tác công tư, đặc biệt là dạng hợp đồng BOT.
Nếu cơ quan nhà nước buông lỏng quản lý, nếu có sự bắt tay tạo nên “Nhóm lợi ích Quan chức-Doanh nghiệp” thì bất kể nhà đầu tư nào - nước ngoài hay trong nước - cũng không thể mang lại sự tin tưởng 100%, và đối tượng thua thiệt không phải là các bộ, ngành hay địa phương mà chính là người dân đóng thuế.
Tuy nhiên, việc quyết định hủy đấu thầu quốc tế các dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông là việc làm dũng cảm, sáng suốt, động thái này cho thấy Chính phủ đã lắng nghe, đã tiếp thu ý kiến của dân chúng.
Sự đồng lòng giữa dân và chính quyền được dự báo không chỉ mang lại thắng lợi về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, quốc phòng, ngoại giao to lớn.
Một chính phủ biết nghe dân, làm theo ý dân là điều kiện tiên quyết để trở thành chính phủ mạnh, chính phủ bị chi phối bởi các lực lượng không phải là dân chắc chắn không phải là chính phủ mạnh.
Vấn đề hiện nay là cần chỉnh sửa và sớm ban hành “Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)” theo hướng tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, tuân thủ các quy ước của nền kinh tế thị trường mà các quốc gia tiên tiến đang áp dụng.
Với bất kỳ định hướng nào, thị trường 100% hay thị trường có điều tiết thì vai trò của người thừa hành công vụ vẫn là yếu tố quyết định.
Kiểm soát nạn hối lộ, đút lót, tham nhũng, đi đêm,… trong đấu thầu dự án nếu chỉ dựa vào luật pháp mà buông lỏng vai trò đạo đức công chức, người thừa hành công vụ, để họ tự do bên ngoài “chiếc lồng quyền lực” thì không thể thành công.
Dù chiến dịch “lò nóng củi tươi” đang được thực hiện với quyết tâm rất cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì có một sự thật vẫn tồn tại, đó là “trên có chính sách, dưới có ngay đối sách”.
Chúng ta có biết bao nhiêu văn bản, nghị quyết, bộ luật phòng chống tham nhũng nhưng chỉ trong vòng ba năm qua, hơn 70 cán bộ diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật cho thấy “đối sách” dường như vẫn là đối thủ ngang cơ với “chính sách”!
Cùng thời điểm, tại một địa phương có tới bốn Thường vụ Tỉnh ủy và gần hết ban lãnh đạo công an tỉnh bị kỷ luật thì không thể đổ cho thiếu quy định của Đảng, thiếu chế tài xử lý hoặc pháp luật chưa hoàn chỉnh.
Vấn đề là những người lãnh đạo cao nhất tại địa phương: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã có “đối sách” thế nào mà cho đến nay việc chịu trách nhiệm của tất cả các đối tượng trên vẫn còn là câu hỏi.
Nhận vơ… hữu nghị! |
Thứ hai, về phía doanh nghiệp:
Nhà đầu tư chẳng dại gì bỏ tiền nếu không thu được lợi nhuận, người dân sẽ không chấp nhận nếu phải bỏ tiền cho những dịch vụ mà mình không sử dụng. Như vậy các dự án trong mọi lĩnh vực (chứ không chỉ giao thông) phải tính toán hài hòa lợi ích của cả ba bên: nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Nhưng làm thế nào để hài hòa khi không ít ngành, lĩnh vực vừa tồn tại sự độc quyền lại vừa không minh bạch.
“Bộ Công thương công bố kiểm tra giá điện: Đúng quy định!” là tít một bài báo mà thực ra ai cũng biết trước kết quả một khi Bộ Công thương kiểm tra “đứa con cưng” của mình là ngành Điện lực.
Tương tự, khi Kiểm toán nhà nước ban hành kết luận về các dự án BOT giao thông thì “Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc 100% dự án chỉ định thầu do có tính cấp bách hoặc ít nhà đầu tư tham gia”? [2]
Tuy nhiên “Sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí. Nhưng trước đó hai (Bộ? - NV) là Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT với nhiều lập luận cho rằng Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán dự án BOT giao thông do đây là dự án của nhà đầu tư tư nhân”. [3]
Dù Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Kế hoạch Đầu tư không muốn nhưng Kiểm toán Nhà nước vẫn vào cuộc, điều đó chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân không thiếu công cụ và sức mạnh nhằm tạo đối sách với cơ quan chức năng khi doanh nghiệp có nguy cơ bị “sờ gáy”.
Một khi cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp quốc doanh chưa thể tạo dựng được sự tin tưởng tuyệt đối của người dân thì doanh nghiệp tư nhân liệu có khá hơn?
Những kiểu làm ăn gian dối, trắng trợn như Khai Silk, Alibaba,… chỉ là “muỗi” so với các “cá mập” thực sự. Những doanh nghiệp tỷ đô lặn mất tăm trên thị trường truyền thông mới thực sự đáng sợ, nếu cố ý động vào có khi bị “vịn”.
Câu chuyện Tập đoàn Sơn Hải - đơn vị thực hiện các gói thầu số 10 và 14 với chiều dài tổng cộng khoảng 51 km trong Dự án mở rộng quốc lộ 1A (đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình) là một ví dụ khá điển hình.
Tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành mặt đường trong vòng 5 năm không có sụt lún nhưng ngay sau đó phát hiện tình trạng mặt đường bị hỏng.
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình cho hay, ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hiện trường và bước đầu nhận định có dấu hiệu chủ định của con người nên Sở đã có văn bản gửi Công an tỉnh và báo cáo nhanh cho Cơ quan Công an huyện Bố Trạch vào cuộc điều tra, làm rõ, đồng thời báo cáo diễn biến vụ việc lên Bộ Giao thông Vận tải. [4]
Một số ý kiến cho rằng Sơn hải bị “đội bạn” chơi trò bẩn.
Thông tin mới đây cho hay, đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông đã có hai liên danh thắng thầu.
Gói thầu XL01 (Km0+000 - Km15+000) dài 15km do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 703 - Tổng công ty Thành An thi công xây lắp. Giá trị gói thầu là 510 tỷ đồng.
Gói thầu XL02 (Km15+000 - Km26+500) dài 11,5km, nhà thầu thi công là liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty cổ phần Xây dựng dịch vụ và thương mại 68, công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu 168. Tổng giá trị xây lắp của gói thầu là 575 tỷ đồng.
Xét về quy mô, hai gói thầu XL01, XL02 có tổng chiều dài 26,5 km, chỉ bằng hơn nửa hai gói thầu mà Tập đoàn Sơn Hải thực hiện tại Quảng Bình, bằng non nửa đoạn cao tốc Hạ Long – Vân Đồn mà Sun Group thực hiện (60 km), đó là chưa nói đoạn cao tốc Hạ Long Vân Đồn có tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, gấp 10 lần giá trị hai gói XL01 và XL02.
Đến đây thì không thể không đặt câu hỏi, chẳng lẽ hai Tổng công ty hàng đầu thuộc Bộ Quốc phòng là Thành An và Trường Sơn không đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm nên phải “liên danh”?
Liệu có chuyện các công ty trong liên danh mượn tiếng của Thành An và Trường Sơn để thắng thầu? Hiệu quả kinh tế sẽ ra sao nếu cả năm doanh nghiệp đồng thời điều động nhân lực và phương tiện vào hiện trường để thi công 26,5 km, bình quân mỗi doanh nghiệp chỉ có 5,3 km?
Dư luận có quyền đặt câu hỏi, các Tổng công ty Thành An và Trường Sơn sẽ trực tiếp thi công hay sẽ đóng vai trò “giám sát” các doanh nghiệp khác trong liên danh?
Chủ trương chia nhỏ các gói thầu để các công ty quy mô nhỏ cũng “có phần” có thể có tác dụng huy động tổng lực nguồn nội lực nhưng sự manh mún như hai gói thầu XL01, XL02 nêu trên cần được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng doanh nghiệp nước ngoài núp bóng doanh nghiệp Việt như kiểu người Trung Quốc mua đất quanh sân bay Nước Mặn ở Đà Nẵng.
Mở cửa đón được gió mát nhưng cũng tạo điều kiện ruồi muỗi bay vào, vậy nên cần có tấm lưới chắn muỗi chứ không chắn gió.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://laodong.vn/phong-su/nha-thau-trung-quoc-thi-cong-gian-doi-tai-du-an-duong-cao-toc-da-nang-quang-ngai-525890.ldo
[2] https://nhadautu.vn/bo-gtvt-phan-hoi-ket-luan-thanh-tra-cac-du-an-bot-d2462.html
[3] https://vov.vn/kinh-te/dan-co-phai-tra-tien-oan-cho-222-nam-thu-phi-o-61-du-an-bot-khong-917538.vov
[4]https://dantri.com.vn/xa-hoi/he-lo-nguyen-nhan-vu-ke-xau-rai-hoa-chat-pha-hoai-quoc-lo-1a-1436146218.htm