Thành tích bất bại 11 năm liền
Đến Trường Trung học phổ thông Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) hỏi cái tên Nguyễn Đình Chiến thì ai cũng biết. Cũng bởi, Chiến là một học sinh giỏi toàn diện, liên tục và là một học sinh ngoan hiền, lễ phép, thậm chí là rụt rè.
Chiến có dáng người dong dỏng cao, tính tình hiền lành, nhút nhát như con gái. Nhưng sau dáng vẻ ấy, một nghị lực phi thường và ý chí học tập lại mãnh liệt hơn bất cứ học sinh nào khác.
Học sinh Nguyễn Đình Chiến và tấm huy chương Bạc môn Tin học cấp tỉnh năm 2018. (Ảnh: X.M) |
Ở trường, Chiến được cô giáo đánh giá là thông minh. Giáo viên không cần phải hướng dẫn chi tiết bài học và chỉ cần gợi ý hoặc chỉ cần nói qua là em đã hiểu.
Nhiều bài tập thực hành rất khó nhưng Chiến chỉ cần đọc kỹ đề bài rồi “bật” ra được cách giải. Chiến vừa ngoan hiền, lại học giỏi nên được thầy cô và các bạn quý mến.
Gia đình Chiến có 4 người và cùng sống tạm cư trong góc vườn của trường Tiểu học Lộc An. Bố mẹ Chiến làm bảo vệ. Để có tiền lo cho anh em Chiến ăn học, bố phải nhận phụ việc thêm cho một lò mổ heo cách đó gần chục cây số.
Đều đặn mỗi ngày, khoảng 2h sáng, bố Chiến phải chạy đến lò mổ để khuân vác và làm tất cả những gì chủ lò mổ yêu cầu. Vài tiếng đồng hồ phụ việc, bố Chiến mang về hơn 1 triệu đồng mỗi tháng để có thêm thu nhập.
Học sinh Nguyễn Đình Chiến phụ mẹ trong một buổi chiều sau giờ tan trường. (Ảnh: X.M) |
Mẹ của Chiến thì thức dậy từ nửa đêm để quét dọn khuôn viên trường rộng gần 10.000 mét vuông để có thêm hơn 500 ngàn đồng. Gia sản lớn nhất của hai vợ chồng người bảo vệ trường là hai người con đều chăm ngoan, học giỏi.
Chiến và người em là niềm tự hào, là động lực để cho vợ chồng người bảo vệ của trường Tiểu học Lộc An vượt qua những lo toan, vất vả.
Bây giờ đâu phải thời nhà nghèo không có tiền đi học, trừ khi bạn muốn từ bỏ |
Suốt 11 năm, Chiến học ở trường Tiểu học Lộc An rồi đến Trung học cơ sở Lộc Tấn sang đến Trung học phổ thông Lộc Ninh đều luôn đứng ở vị trí hạng Nhất.
Tri thức là con đường duy nhất để thoát nghèo
Chiến chưa từng biết thế nào là “hạng Nhì” bởi sự cần mẫn và chịu khó trong học tập. Trên vách nhà tạm bợ của gia đình có tới gần trăm giấy khen, bằng khen các loại của hai anh em.
Trong số các danh hiệu đó, nổi lên huy chương màu bạc được treo trang trọng ở trên vách. Đó là huy chương Bạc môn Tin học cấp tỉnh năm 2018.
Học sinh Nguyễn Đình Chiến làm cỏ trong khuôn viên phía sau ngôi trường tạm cư. (Ảnh: X.M) |
Chiến chia sẻ, bản thân rất đam mê môn Toán. Môn Tin học, Chiến được thực hành mỗi tuần có 1 tiết. Giờ ra chơi, Chiến tranh thủ mượn máy tính của bạn để tự “vọc” thêm.
Giờ thực hành ít như thế nhưng đến kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Chiến giành luôn huy chương Bạc tại kỳ thi.
Ngoài thời gian học trên lớp, Chiến làm tất cả những gì có thể để phụ giúp bố mẹ. Chiến gánh vác một phần việc quét dọn sân trường để đỡ đần bố mẹ. Những khoảng thời gian còn lại, Chiến đi phụ hồ, khuân gạch, đẩy xe rác…
Thời gian phụ bố mẹ gần như chiếm hết những lúc rảnh rỗi của cậu bé nghèo. Chiến ý thức được việc học nên học thuộc bài ngay tại lớp.
Những môn luyện bài tập, Chiến chia thời gian và giải quyết từ 19h tối tới 12h đêm là xong tất cả.
Cha của Chiến trong một ngày quét dọn ở sân trường. (Ảnh: X.M) |
Nếu còn thời gian rỗi, Chiến tranh thủ đọc thêm tài liệu mượn được từ các bạn. Chiến không giấu được cảm xúc và nói với sự biết ơn: “Em được các bạn nhờ hỗ trợ cho mượn tài liệu để tham khảo do không có tiền để mua…”
Sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt, Chiến luôn biết sắp đặt việc học và ý thức về gia cảnh của mình. Thoạt trông bề ngoài của cậu học sinh nghèo, không ai có thể tin được đó là học sinh giỏi một cách xuất sắc và toàn diện 11 năm liền.
Với niềm khát khao mãnh liệt, Chiến tự tin sẽ cố gắng để thi vào trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Chiến nói: “Để sau này em làm có tiền nuôi bố mẹ…”.
Bố mẹ Chiến thì lại bảo: “Mong con vững chí, đủ lớn để có thể tự nuôi lấy được bản thân…”.