Thư mời Tọa đàm về quyền tự chủ tuyển sinh của trường tư thục

27/09/2019 11:19
Hồng Thủy
(GDVN) - Trường tư thục phải lo toàn bộ từ đội ngũ giáo viên đến cơ sở vật chất..., nhưng chưa được tự chủ tuyển sinh mà phải theo khối công lập là bất cập không nhỏ.

Nhiều trường tư thục đang ngày càng thể hiện được vai trò tiên phong trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, góp phần quan trọng vào việc giảm áp lực sĩ số trường công, tăng thu ngân sách Nhà nước, giảm áp lực biên chế, đồng thời đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của con em nhân dân trong việc thụ hưởng các dịch vụ giáo dục chất lượng, đẳng cấp và trách nhiệm.

Cơ sở vật chất và tuyển sinh được xem như điều kiện sống còn đối với các trường tư thục. Trong khi phải tự chủ (tự lo) gần như toàn bộ về tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đảm bảo chất lượng...nhưng việc tuyển sinh đầu cấp của các trường tư vẫn đang phải theo các trường công lập mà chưa được tự chủ thực sự.

Điều này đã hạn chế không nhỏ đến tiềm năng phát triển của giáo dục tư thục, làm giảm sức hút đầu tư cũng như hiệu quả của chủ trương xã hội hóa giáo dục mà Đảng, Nhà nước đề ra.

Tọa đàm về "Trường quốc tế - nhu cầu, thực trạng quản lý và chính sách" do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 29/8/2019, ảnh minh họa: Trinh Phúc / GDVN.
Tọa đàm về "Trường quốc tế - nhu cầu, thực trạng quản lý và chính sách" do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 29/8/2019, ảnh minh họa: Trinh Phúc / GDVN.

Luật Giáo dục sửa đổi 2019 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2020. Khoản 3, Điều 60 (Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường), Luật Giáo dục sửa đổi 2019 quy định:

Trường dân lập, trường tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục.

Về công tác tuyển sinh, Điểm b), Khoản 1, Điều 60 nói trên quy định:

Nhà trường có nhiệm vụ và quyền hạn: Tổ chức tuyển sinh, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền;

Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục bao gồm tuyển sinh, theo Khoản 4, Điều 104: 

Quy định mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; khung trình độ quốc gia; tiêu chuẩn nhà giáo; tiêu chuẩn, định mức sử dụng cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị trường học; việc biên soạn, sử dụng sách giáo khoa, giáo trình; việc thi, kiểm tra, tuyển sinh, liên kết đào tạo và quản lý văn bằng, chứng chỉ; việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được sử dụng tại Việt Nam.

Người Việt mở trường quốc tế cho trò Việt, tại sao không?
Người Việt mở trường quốc tế cho trò Việt, tại sao không?

Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý nhà nước đối với hoạt động tuyển sinh của các trường tư thục vẫn áp dụng mô hình quản lý nhà nước của hệ thống trường công lập (phân chỉ tiêu), cùng một kế hoạch, thời gian, thậm chí phương thức.

Cách làm này không chỉ hạn chế quyền và cơ hội lựa chọn của học sinh đầu cấp, làm giảm hiệu quả giảm tải áp lực sĩ số cho trường công lập, mà còn kìm hãm quyền tự chủ của các trường tư thục, bất bình đẳng công - tư, cản trở khả năng phát triển của giáo dục tư thục theo chủ trương, chính sách xã hội hóa.

Đặc biệt với cách quản lý nhà nước về tuyển sinh như hiện nay, khiến cho các trường tư thục mới thành lập, các trường tư thục tốp dưới còn gặp nhiều khó khăn càng khó khăn hơn.

Để tháo gỡ các khó khăn này, đặc biệt là góp ý xây dựng, sửa đổi cơ chế tự chủ tuyển sinh cho các trường tư ngay từ quy trình, hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm với chủ đề “Quyền tự chủ tuyển sinh của các trường tư thục khi triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019”.

Mục đích Tọa đàm nhằm lắng nghe ý kiến của các cơ sở giáo dục, nhà giáo, nhà đầu tư...tìm kiếm các giải pháp khơi thông cơ chế, góp ý trực tiếp vào việc hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019 về công tác tuyển sinh của hệ thống trường tư thục;

Làm sao để khi triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019, tháo được nút thắt cơ chế tuyển sinh, vừa đảm bảo giúp các trường tư thục được tự chủ tuyển sinh, vừa đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng cơ chế thay vì thủ tục hành chính và các loại giấy phép.

Cơ chế xin-cho chỉ tiêu tuyển sinh đẻ ra tiêu cực như thế nào?
Cơ chế xin-cho chỉ tiêu tuyển sinh đẻ ra tiêu cực như thế nào?

Tọa đàm bắt đầu từ 14 giờ Thứ 4 ngày 2/10/2019; Địa điểm tại Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tầng 6B, số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tòa soạn trân trọng kính mời quý trường tham dự và đóng góp ý kiến cho Tọa đàm thành công. Nếu quý trường tham dự được, xin vui lòng xác nhận qua email toasoan@giaoduc.net.vn hoặc số điện thoại 0938.766.888 - 0243.5569666.

Quý trường / quý vị nào quan tâm nhưng ở xa và muốn tham gia góp ý về chủ đề này, xin vui lòng gửi tham luận về Tòa soạn qua địa chỉ email toasoan@giaoduc.net.vn kèm họ tên, số tài khoản ATM để Tòa soạn tiện liên hệ, chi trả nhuận bút khi bài được sử dụng.

Hồng Thủy