Ban đại diện Cha mẹ học sinh không bắt buộc các phụ huynh trong trường đóng góp
Nhiều phụ huynh đã liên hệ với đường dây nóng của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam để phản ánh Ban đại diện Cha mẹ học sinh trường Trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh (quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) có dấu hiệu lạm thu.
Ý kiến phụ huynh đưa ra, ngay từ đầu năm học, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã đề xuất thu Quỹ công trình là 200 ngàn đồng, Quỹ khuyến học 150 ngàn đồng.
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: H.L) |
Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với nhà trường và Ban đại diện Cha mẹ học sinh của trường Nguyễn Chí Thanh để làm rõ vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Sáu – Trưởng Ban đại diện Cha mẹ học sinh nói, sau khi bầu Ban đại diện Cha mẹ học sinh năm 2019 – 2020 thì có đứng ra vận động các phụ huynh tự nguyện đóng góp.
Ở đây là tự nguyện đóng góp, ai có ít đóng ít, ai có nhiều đóng nhiều, chứ không đưa ra mức bình quân.
Sau khi vận động, có người đóng và người chưa đóng. Từ chỗ đó, để lấy tiền để cùng xây dựng cho nhà trường có thêm một số công trình sơ sở vật chất.
Đến ngày hôm nay, việc thu tiền chưa xong và chưa chốt cụ thể số tiền thu được.
Vấn đề thu chi đều minh bạch, có hóa đơn, chứng từ. Có phụ huynh đóng 50 ngàn đồng và cũng có phụ huynh đóng đến 5 triệu đồng.
Họp phụ huynh đầu năm: Câu chuyện dài về các khoản đóng góp “tự nguyện”! |
“Bản thân tôi ủng hộ nhà trường 4 – 5 triệu đồng”, ông Nguyễn Văn Sáu nói.
Phụ huynh trong Ban đại diện Cha mẹ học sinh gần như là gương mẫu, luôn luôn xung kích trong vấn đề đóng góp cho nhà trường vì tương lai các cháu.
Ông Sáu nêu quan điểm, làm trong Ban đại diện Cha mẹ học sinh là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, hy sinh mất thời gian chứ rảnh rỗi gì. Còn lợi tức, lợi nhuận trong mấy đồng mồ hôi nước mắt của phụ huynh thì đừng nghĩ đến.
Có một vài phụ huynh chuyên đi tuyên truyền, nói xấu Ban đại diện Cha mẹ học sinh vì người ta không đạt được mục đích…
Ông Sáu cho rằng, đây là mục đích tư lợi trong số tiền phụ huynh ủng hộ được.
Ông Sáu đưa ra ví dụ về việc quyên góp để làm màn che nắng chẳng hạn, nếu trong phụ huynh, ai có chuyên môn về làm màn cho học sinh sẽ vận động để góp trước.
Thậm chí có phụ huynh là doanh nghiệp làm màn che nắng đã báo giá là 5 triệu. Vị phụ huynh này chỉ thu của nhà trường là 2,5 triệu…
Còn những thành phần nào trong Ban đại diện Cha mẹ học sinh muốn nhà trường cho tự chỉ định thầu, muốn người nhà vào làm công trình của trường để hưởng phần trăm lợi nhuận trong đó thì người ta không có tâm.
Những người này sẽ quay ra nói thế này, thế kia, thế nọ và nói xấu thôi…
Ban đại diện Cha mẹ học sinh sẽ vận động "Mạnh Thường Quân" bên ngoài nhà trường
Ông Sáu nói, trường Nguyễn Chí Thanh là trường chuẩn quốc gia, mới được thành lập nên thiếu thốn rất nhiều.
Tại buổi làm việc, một Phó Ban đại diện Cha cha mẹ học sinh khẳng định, nếu phụ huynh đã đóng ủng hộ vào quỹ rồi mà có nhu cầu xin lại tiền thì Ban đại diện cha mẹ học sinh sẵn sàng trả lại.
Đây là khoản thu tự nguyện, không bắt buộc và phụ huynh nào thích đóng góp cũng được, không đóng góp cũng không sao.
Bên trong sân trường Trung hoc cơ sở Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: H.L) |
Cô Lại Thị Bạch Hường – Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh nói về quy trình của việc thu các khoản thỏa thuận tăng thêm.
Sau khi họp phụ huynh xong, xin ý kiến phụ huynh về các khoản thu thỏa thuận. Sau đó, các trường làm tờ trình lên chuyển qua Phòng Tài chính để cân đối ý kiến của phụ huynh và ra các mức thu.
Ông Sáu nói tiếp, trong dự trù của Ban đại diện cha mẹ học sinh năm nay, nhà trường có vận động thêm trồng cây xanh cho nhà trường vì sân trường rất nắng.
Nếu vận động phụ huynh không được, không có kinh phí thì không làm được. Nhà trường chưa có đồng phục, trống cho các em trong đội nghi thức.
Nhà trường cũng chưa có sân khấu, tiếp đến là dàn loa đài để hội nghị, chào cờ; nếu không vận động thì không lấy đâu ra tiền để làm?
“Sân đá banh của các con cũng chưa có”, ông Sáu cho biết.
Ông Sáu lập luận: “Tôi cũng vận động căn cứ theo Thông tư 16”. Ông Sáu giải thích, có nghĩa là vận động để xây dựng rồi bàn giao cơ sở vật chất cho nhà trường chứ không bàn giao bằng tiền mặt.
Nếu vận động được 100 triệu xây cho nhà trường một sân khấu hoặc mua cho nhà trường dàn loa chẳng hạn, thì bàn giao về nhà trường bằng hiện vật chứ không bằng tiền.
Ông Sáu tái khẳng định, trong cuộc họp, Ban đại diện Cha mẹ học sinh có đưa ra ý kiến là truyền đạt cho phụ huynh ở lớp. Phụ huynh nào có điều kiện kinh tế thì đóng góp; còn phụ huynh nào không đóng góp thì thôi, không thu.
Ban đại diện Cha mẹ phụ chia sẻ, một doanh nghiệp đã đến trường kiểm tra, khảo sát để tài trợ hệ thống phòng cháy chữa cháy trong nhà trường. Năm nay, Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường Nguyễn Chí Thanh công tác trong các ngành nghề và có thể vận động được cho nhà trường.
Ngoài việc kêu gọi vận động trong trường, các phụ huynh trong Ban đại diện Cha mẹ học sinh sẽ vận động thêm các doanh nghiệp bên ngoài để chung tay, góp sức vì nhà trường.
Vận động được "Mạnh Thường Quân" nào ủng hộ thì sẽ ghi tên cá nhân / đơn vị đó vào sổ vàng. Sau đó, khi làm xong công trình sẽ gắn tên doanh nghiệp vào công trình của nhà trường.
Năm nay là năm bắt đầu nên Ban đại diện cha mẹ phụ huynh mới đã thống nhất cách làm việc như trên.