Tọa đàm về Quyền tự chủ tuyển sinh của các trường tư thục

02/10/2019 14:59
Trinh Phúc
(GDVN) - Hiện nay, trong lĩnh vực tuyển sinh, việc quản lý nhà nước đối với trường tư thục chưa theo mô hình tự chủ và tự chịu trách nhiệm...

Ngày 2/10, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Quyền tự chủ tuyển sinh của các trường tư thục khi triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019”. Đến dự buổi Tọa đàm có:

Đại biểu Quốc hội khóa 13 - bà Bùi Thị An

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống giáo dục Lômônôxôp Hà Nội;

Luật sư Nguyễn Kiến Thiết, Trưởng văn phòng luật sư Kiến Thiết;

Thạc sĩ Đặng Văn Lý – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở -Trung học Phổ thông Trần Quốc Tuấn, Hà Nội;

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, thành viên Hội đồng quản trị Trường tiểu học và trung học cơ sở Everest;

Bà Nguyễn Bích Hồng, Trưởng phòng tuyển sinh trường tiểu học và trung học cơ sở Everest.

Bà Hàn Thục Quyên, trợ lý Hội đồng quản trị trường Newton;

Ông Phan Doãn Phúc, Tổng thư ký tòa soạn báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đang chia sẻ quan điểm tại buổi tọa đàm (ảnh Trinh Phúc).
Ông Phan Doãn Phúc, Tổng thư ký tòa soạn báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đang chia sẻ quan điểm tại buổi tọa đàm (ảnh Trinh Phúc).

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng, Luật Giáo dục sửa đổi 2019 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2020. Khoản 3, Điều 60 (Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường), Luật Giáo dục sửa đổi 2019 quy định:

Trường dân lập, trường tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục.

Về công tác tuyển sinh, Điểm b), Khoản 1, Điều 60 nói trên quy định:

Nhà trường có nhiệm vụ và quyền hạn: Tổ chức tuyển sinh, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền;

Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục theo Khoản 4, Điều 104 là:

Quy định mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; khung trình độ quốc gia; tiêu chuẩn nhà giáo; tiêu chuẩn, định mức sử dụng cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị trường học; việc biên soạn, sử dụng sách giáo khoa, giáo trình;

Việc thi, kiểm tra, tuyển sinh, liên kết đào tạo và quản lý văn bằng, chứng chỉ; việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được sử dụng tại Việt Nam.

Trường tư thục hoàn toàn tự chủ (tự lo) về tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, kế hoạch phát triển nhà trường...để tự tồn tại và phát triển, càng phát triển thì càng gánh đỡ Nhà nước trong việc đảm bảo chỗ học và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng dịch vụ giáo dục ngày càng cao của con em nhân dân.

Tuy nhiên trong lĩnh vực tuyển sinh, việc quản lý nhà nước đối với trường tư thục chưa theo mô hình tự chủ và tự chịu trách nhiệm trên cơ sở đáp ứng tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và thanh tra hậu kiểm, mà đang được quản lý nhà nước theo hình thức phân phối chỉ tiêu giống như các trường công lập.

Đây là mô hình quản lý nhà nước về tuyển sinh đối với các trường công lập được nhà nước đầu tư hoàn toàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị - phổ cập giáo dục, thực hiện phúc lợi xã hội trong lĩnh vực giáo dục.

Cách làm này không chỉ hạn chế quyền tự chủ của các trường tư thục, bất bình đẳng công - tư mà còn hạn chế cơ hội lựa chọn của học sinh đầu cấp, hạn chế một giải pháp giảm tải áp lực sĩ số trường công mà không dùng ngân sách, hạn chế khả năng phát triển của giáo dục tư thục theo chủ trương, chính sách xã hội hóa.

Với các trường tư thục, vấn đề tuyển sinh là cốt tử để duy trì sự tồn tại của các nhà trường (ảnh Trinh Phúc).
Với các trường tư thục, vấn đề tuyển sinh là cốt tử để duy trì sự tồn tại của các nhà trường (ảnh Trinh Phúc).

Đặc biệt với cách quản lý nhà nước về tuyển sinh như hiện nay, khiến cho các trường tư thục mới thành lập, các trường tư thục tốp dưới còn gặp nhiều khó khăn càng khó khăn hơn.

Vì vậy, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm với chủ đề “Quyền tự chủ tuyển sinh của các trường tư thục khi triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019” nhằm lắng nghe ý kiến của các trường, các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách để góp ý với các cơ quan chức năng điều chỉnh cơ chế, chính sách.

Mục đích Tọa đàm nhằm khơi thông cơ chế, góp ý trực tiếp vào các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019 về công tác tuyển sinh của hệ thống trường tư thục, vừa đảm bảo giúp các trường tư thục được tự chủ tuyển sinh, vừa đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng cơ chế thay vì thủ tục hành chính.

Trinh Phúc