Đến dự buổi Tọa đàm “Quyền tự chủ tuyển sinh của các trường tư thục khi triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019”, do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức vào ngày 2/10, cô Lê Thị Bích Ngọc - Giáo viên Trường Phổ thông Newton, chia sẻ ý kiến cá nhân về tầm quan trọng của tự chủ tuyển sinh đối với trường tư thục:
Với hệ thống trường tư thục thì việc tự lo là rõ quá rồi, từ A đến Z nhà trường đều phải tự lo. Cơ sở vật chất là cái không hề nhỏ và không dễ dàng gì, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội, đây là một việc tự lo rất lớn.
Nếu nhìn ở một góc độ nào đó thì việc này đang hỗ trợ rất lớn cho hệ thống giáo dục nói chung, và việc này phải được hoan nghênh.
Hệ thống tư thục đóng góp ngân sách rất lớn và làm cho chất lượng giáo dục được đánh giá cao qua các cuộc thi học sinh giỏi.
Khi trường chúng tôi tham gia cùng với trường công lập, trường chuyên…tham dự các cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố, toàn quốc và thậm chí là Quốc tế, thì chúng tôi tự hào rằng trường Newton đã có nhiều học sinh đạt thành tích rất tốt.
Kế hoạch phát triển của nhà trường, hạch toán tài chính cũng như tuyển chọn đội ngũ thì chúng tôi đều phải tự lo, ngoài việc lựa chọn đội ngũ giáo viên thì chúng tôi còn đào tạo sau khi đã tuyển chọn.
Bản thân chúng tôi thường xuyên đi dự giờ đột xuất, đánh giá hết sức bài bản và khách quan đối với giáo viên của trường.
Phụ huynh của trường Newton đều là những người am hiểu, họ đến từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực và các cơ quan ban ngành, nên chính họ là những người giám sát nhà trường tốt nhất.
Nếu chúng tôi chỉ thêm 1 học sinh vào lớp quá sĩ số đã đăng kí, thì chúng tôi sẽ phải giải trình và rất đau đầu với chính ban phụ huynh của lớp học đó.
Bữa ăn của trường chúng tôi thì bất cứ lúc nào phụ huynh cũng có thể vào kiểm tra, họ có thể nhìn suất ăn đó và đánh giá được chất lượng, chi phí giá thành có đúng hay không.
Vậy tôi có một thắc mắc: Chúng tôi phải tự lo tất cả với chi phí rất lớn, nếu trường chúng tôi không thực sự có chất lượng tốt, phụ huynh không tin tưởng và tìm đến với chúng tôi.
Và như vậy chúng tôi sẽ không tuyển sinh được đủ chỉ tiêu, trong trường hợp đó thì các cơ quan chức năng có giúp chúng tôi bù lỗ việc đó không? Vì chúng tôi tự lo nên hãy để chúng tôi tự chủ về tuyển sinh, cũng như quá trình hoạch định chính sách của mình.
Khi chúng tôi lên kế hoach tuyển sinh bao nhiêu em, thì chúng tôi cũng đã phải lo cơ sở vật chất, hệ thống giáo viên và trang thiết bị dạy học, để đáp ứng số lượng học sinh đó.
Như nhiều thầy cô đã nói, việc cấp chỉ tiêu tuyển sinh nó như cơ chế xin cho, mà đã xin cho thì sẽ không tránh khỏi phát sinh tiêu cực, làm cho nhà trường mất đi sự tự chủ. Việc này đã đi ngược lại chủ chương xã hội hóa Giáo dục của Đảng và nhà nước.
Khi chúng tôi đã phải tự lo thì hãy cho chúng tôi tự chủ tuyển sinh, cũng như tự chủ về thời gian phù hợp với nhu cầu của phụ huynh và học sinh, đó cũng là nhu cầu chính đáng của xã hội.
Dựa trên khả năng đáp ứng của nhà trường, nếu chúng tôi có đủ nhân sự, cơ sở vật chất và đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của xã hội, thì tại sao lại không cho chúng tôi tuyển sinh?
Tôi thiết nghĩ trường tư thục là một loại hình doanh nghiệp, có mã số thuế riêng, con dấu riêng nên về mặt tài chính nó hoạt động theo luật doanh nghiệp.
Nhà nước nên làm công tác hậu kiểm, thanh kiểm tra các trường về mặt sĩ số xem có đúng với đăng ký hay không cũng như về mặt chuyên môn.
Để giữ đúng vai trò quản lý của nhà nước, đề nghị các cơ quan quản lý hậu kiểm vào cuối học kỳ 1 và kết thúc năm học, khi làm công tác thanh kiểm tra thì cũng rõ danh mục kiểm tra như: Sĩ số, phòng chức năng, thư viện, ban giám hiệu ra sao, chỗ ăn, chỗ ngủ của học sinh…có đáp ứng đúng hay không.
Khi nhà trường đã đáp ứng đủ và đúng những cái đó thì hãy để cho chúng tôi tự chủ tuyển sinh vì chúng tôi đã phải tự lo.