Một tuần phải soạn 29 giáo án tiểu học cho các môn tiếng Việt, Toán, Âm nhạc, Mỹ thuật, Đạo đức…bằng tay, bạn soạn nổi không?
Công văn số 251/PGD&ĐT-GDTH về việc hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2018-2019 đối với giáo dục tiểu học của huyện Kỳ Sơn. (Ảnh CTV) |
Nếu chỉ nhìn và chép hằng đêm khoảng 5-7 cái giáo án còn mỏi nhừ tay, mệt rã rời thì nói gì đến soạn? (đọc bài, nghiên cứu phương án dạy).
Thế mà nhiều giáo viên tiểu học tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đang phải làm điều phi lý này trong nhiều năm học qua.
Nghe tâm sự của một giáo viên tiểu học nơi đây mà thấy nghẹn lòng.
“Cô ơi! Nhà em (cách xưng hô của nhiều giáo viên người dân tộc thiểu số nơi đây) soạn giáo án nhiều, khổ thật đấy nhưng nói cũng chết mà không nói cũng chết.
Không nói thì nhà em khổ lắm. Nói thì em sợ họ biết cung cấp tin cho cô nhà em sẽ bị làm khó thì còn khổ hơn”.
Nói rồi, giáo viên ấy tha thiết mong chúng tôi giấu tên vì không muốn mang họa vào thân khi các sếp nơi đây biết được.
Sau khi hứa chắc chắn: “Thông tin sẽ được bảo mật tuyệt đối” họ mới yên tâm bộc bạch.
Sáng nhà em đi dạy từ 7 giờ đến 11 giờ trưa. Chiều đi từ 1 giờ 30 đến 5 giờ mới về đến nhà.
Về nhà là lao vào làm việc ngay để kịp ngồi vào bàn soạn bài. Từ 7 giờ tối đến 1-2 giờ sáng mới xong.
Hôm nào bài ít sẽ xong sớm hơn là 12 giờ. Một tuần phải soạn từ 29 đến hơn 30 cái giáo án mà phải viết bằng tay.
Nhiều khi soạn không kịp nên bị kiểm tra giáo án đột xuất thế là bị kỉ luật”.
Nghe thế, chúng tôi không tin nỗi vào tai của mình. Thời đại nào rồi còn bắt giáo viên ngồi chép giáo án bằng tay? Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn nghiêm cấm?
Đây là chỉ đạo của Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn?
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng việc bắt giáo viên chép giáo án bằng tay đã được quy định trong Công văn số 251/PGD&ĐT-GDTH về việc hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2018-2019 đối với giáo dục tiểu học của huyện Kỳ Sơn.
Công văn nhấn mạnh: “Tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc việc soạn giảng của giáo viên (soạn để giảng), chấm dứt và xử lý nghiêm hiện tượng sao chép giáo án trên mạng một cách hình thức, đối phó.
Đối với những giáo viên đăng ký không dạy được toàn cấp, những giáo viên thuộc đối tượng C bồi dưỡng ở huyện thì bắt buộc phải soạn giáo án bằng tay”.
(Giáo viên thuộc đối tượng C là những giáo viên hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế về năng lực, hạn chế về kiến thức phổ thông)
|
Trao đổi vấn đề này với ông Phan Văn Thiết, lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn được biết:
“Do thực tiễn giáo viên về năng lực hạn chế quá, soạn bằng vi tính họ sẽ sao chép trên mạng nên yêu cầu soạn bằng tay để một lần soạn, một lần nhớ vì giáo viên này năng lực yếu”.
Khi nghe chúng tôi nói rằng: “Ai dám chắc soạn giáo án bằng tay giáo viên không thể chép giáo án cũ, chép giáo án trên mạng hoặc mượn giáo án của đồng nghiệp để chép?
Quy định một tuần soạn cả ba chục cái giáo án thì thời gian đâu để những thầy cô giáo ấy nghiên cứu bài dạy? Thời gian đâu học tập và nâng cao kiến thức chuyên môn của mình?
Cách làm này gọi đúng tên là “hành xác” sao có thể nâng cao trình độ chuyên môn?”
Nghe thế, vị lãnh đạo của phòng giáo dục nói rằng sẽ nghiên cứu và sẽ điều chỉnh lại văn bản.