LTS: Đưa ra những suy ngẫm và quan điểm của mình về bài "luật thơ" trong chương trình Ngữ văn lớp 12, tác giả Hoàng Sa Việt đã có bài viết chia sẻ cùng quý độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong chương trình Ngữ văn lớp 12 hiện hành, có nhiều bài mà dung lượng kiến thức, mức độ kiến thức chưa phù hợp với lứa tuổi học sinh. Một trong những số đó là bài “Luật thơ” với thời lượng hai tiết học (90 phút).
Không biết các thầy cô khác dạy như thế nào nhưng với tôi đó là cả một cuộc “đánh vật” với những khái niệm cao xa, may ra chỉ có các tiến sĩ, giáo sư chuyên ngành văn học mới… lĩnh hội được.
Sách Ngữ văn lớp 12 tập 1 (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Tiết 1 của bài này có dung lượng kiến thức khá lớn, rải đều trong bảy trang. Đó là các khái niệm “Khái quát về luật thơ” như những quy tắc về số câu, số tiếng, cách hiệp vần, phép hài thanh, ngắt nhịp…
Bài khá dài nên hầu hết giáo viên dạy chỉ chú trọng vài ý cơ bản còn lại dạy lướt qua hoặc hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu thêm ở nhà. Những kiến thức về luật thơ ở đây, theo tôi thuộc dạng “vô thưởng vô phạt” có cũng được mà không có cũng được, có khi còn… tốt hơn.
Riêng việc giải thích các khái niệm đã mất thời gian chưa kể những khái niệm còn rất mù mờ đối với thầy, đừng nói đến học sinh.
Có lần bất ngờ một học sinh hỏi: “Thưa Thầy, phép hài thanh là gì?” thì tôi bỗng ngớ người ra vì trong sách giáo khoa không giải thích.
Tôi hẹn em tiết sau trả lời và về nhà tìm cuốn “Từ điển tiếng Việt” (Nhà xuất bản Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, 1997) mở ra trang 401, 402 thì thấy ghi: “Hài thanh. Kết hợp âm thanh theo những quy tắc nhất định cho êm tai (hiện tượng thường thấy trong thơ, trong từ láy…). Luật hài thanh”.
Trong sách giáo khoa ghi “phép hài thanh” nhưng trong Từ điển lại ghi là “Luật hài thanh” không biết bên nào chính xác?
Nhưng cuốn “Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam” (Giáo sư Nguyễn Lân) do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 2006, trang 797 lại định nghĩa khác: “hài thanh (hài: hòa nhau; thanh: tiếng), cách cấu tạo chữ Hán: một nửa nêu ý nghĩa, một nửa nêu cách đọc…”.
Tiếp theo là nội dung tìm hiểu về một số thể thơ truyền thống (lục bát, song thất lục bát) theo các tiêu chí: số tiếng, vần, nhịp, hài thanh.
Trong bốn tiêu chí này, các tiêu chí về số tiếng, vần, nhịp thì học sinh có thể nắm được nhưng tiêu chí “hài thanh” rất khó nắm bắt.
Dạy đến tiêu chí này, vì sách giáo khoa không giải thích khái niệm nên mạnh ai nấy tự tìm hiểu người siêng năng, trách nhiệm thì tra Từ điển, người dạy lớt phớt thì nói qua loa cho xong.
Một đoạn trích bài thơ “Sóng” Xuân Quỳnh (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Tiết hai là phần “Luyện tập” sách giáo khoa đưa ra một số đoạn, khổ thơ và yêu cầu học sinh so sánh những nét giống nhau và khác nhau về cách gieo vần, ngắt nhịp, hài thanh của một đoạn trích bài thơ “Sóng” Xuân Quỳnh và bài “Mặt trăng” (thơ cổ, khuyết danh) cùng một số khổ thơ khác với những yêu cầu như trên…
Lại một tiết học cùng với học sinh “đánh vật” đổ mồ hôi hột với những khái niệm mù mờ, cao xa, không ăn nhập gì mấy với cuộc sống đời thường.
Học như vậy, dạy như vậy thì học sinh chán học Văn, thầy cô chán dạy Văn là phải!
Chắc bài này được các nhà biên soạn đưa vào cho “đủ mâm đủ bát” chứ thực chất chẳng có ích lợi gì mấy cho học sinh lớp cuối cấp.